Diễn đàn năng lượng

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Việt Nam đẩy mạnh chuyển đổi năng lượng theo hướng “xanh hóa”

Thứ ba, 29/11/2022 | 16:19 GMT+7
Tại Diễn đàn và Triển lãm kinh tế Xanh - GEFE 2022, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định Việt Nam đang đẩy mạnh chuyển đổi năng lượng theo hướng “xanh hóa”.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại Diễn đàn và Triển lãm kinh tế Xanh - GEFE 2022.
 
Tăng trưởng xanh” và “phát triển bền vững” đang trở thành định hướng chiến lược phục hồi kinh tế
 
Phát biểu tại khai mạc Diễn đàn và Triển lãm kinh tế Xanh - GEFE 2022 do Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) tổ chức sáng 28/11, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết: Thế giới đang diễn ra nhiều thay đổi quan trọng và các quốc gia (trong đó có Việt Nam) đang nỗ lực tìm kiếm các mô hình phát triển phù hợp với bối cảnh mới nhằm nâng cao năng lực chống chịu và tính sáng tạo của nền kinh tế, tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, hướng tới mục tiêu phát triển thịnh vượng và bền vững.
 
Theo đó, “tăng trưởng xanh” và “phát triển bền vững” đang trở thành những định hướng chiến lược cho phục hồi, phát triển và xa hơn là phòng ngừa rủi ro cho cả khu vực công và tư, bởi định hướng này mở ra thời kỳ tăng trưởng cao, bền vững nhờ vào đổi mới cách thức sản xuất, kinh doanh và tương tác; giúp sử dụng hiệu quả tài nguyên, xây dựng sự gắn kết, tạo giá trị gia tăng cao dựa trên nền tảng ứng dụng những thành tựu của chuyển đổi số và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ trên phạm vi toàn cầu.
 
“Nền kinh tế Việt Nam đã thay đổi nhanh chóng trong vài thập kỷ qua với việc chuyển mình từ một nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu dựa trên các loại nhiên liệu sinh khối truyền thống sang nền kinh tế hỗn hợp hiện đại, thúc đẩy nhu cầu năng lượng tăng nhanh, đặc biệt là nhu cầu về điện. Tuy nhiên, sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của Việt Nam vẫn dựa trên một nền kinh tế tiêu thụ nhiều năng lượng (trong đó năng lượng hóa thạch chiếm khoảng 70%). Những hệ lụy theo sau nhu cầu năng lượng ngày càng tăng là các vấn đề liên quan tới bảo đảm an ninh năng lượng và các thách thức về môi trường, ô nhiễm không khí tại các thành phố lớn. Biến đổi khí hậu tiếp tục diễn biến phức tạp, trong đó có nguyên nhân từ việc sử dụng các nguồn năng lượng hóa thạch, gây nhiễm môi trường. Với Việt Nam, đây là một trong những thực trạng và thách thức nghiêm trọng cần tập trung giải quyết trong nhiều năm tới”- Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.
 
Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, là một nước đang phát triển và sử dụng nhiều năng lượng nhưng Chính phủ Việt Nam đã thể hiện quyết tâm và khát vọng tạo sự chuyển biến mạnh mẽ và hiệu quả hơn trong thời gian tới với việc phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; mạnh dạn đưa ra những cam kết rất tích cực về phát triển bền vững với quan điểm xuyên suốt là không chấp nhận phương thức tăng trưởng bằng mọi giá; minh chứng thật rõ ràng khi Việt Nam là một trong số 147 quốc gia tham dự Hội nghị COP26 cam kết đưa mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.
 
Nhận thức đầy đủ những thách thức khi hướng tới phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và bền vững, Việt Nam đã và đang xây dựng lộ trình thực hiện cam kết của mình thông qua việc xây dựng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia và Quy hoạch phát triển điện lực thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII) với những ưu tiên thúc đẩy sử dụng các nguồn năng lượng sạch, hạn chế tối đa nguồn năng lượng hóa thạch nhằm giảm tác động tới môi trường; xem xét dừng quá trình mở rộng sử dụng than đá và khí đốt; thúc đẩy chuyển đổi năng lượng theo hướng “xanh hóa”, gia tăng phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, thân thiện với môi trường, nhất là chú trọng phát triển điện gió.
 
Sẵn sàng học hỏi kinh nghiệm về phát triển năng lượng tái tạo

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng đoàn lãnh đạo cấp cao Việt Nam và châu Âu tham quan triển lãm kinh tế Xanh.
 
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh: Việt Nam có đặc điểm địa lý lợi thế, đường bờ biển trải dài hơn 3.000 km, khí hậu cận nhiệt đới gió mùa và nằm trong vùng gió mùa châu Á mạnh, ổn định, tiềm năng năng lượng gió được đánh giá là rất dồi dào.
 
Theo kết quả khảo sát của chương trình đánh giá về năng lượng cho châu Á của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam có tiềm năng gió trung bình so với các nước trên thế giới, nhưng thuộc diện lớn nhất trong khu vực Đông Nam Á với tổng tiềm năng điện gió khoảng 600 W, lớn gấp 200 lần so với công suất của nhà máy thủy điện Sơn La và gấp hơn 13 lần tổng công suất cực đại của hệ thống điện toàn quốc năm 2020.
 
Với những cơ chế khuyến khích phù hợp, kịp thời của Chính phủ và sự hỗ trợ tích cực của các bộ, ngành, địa phương, điện gió đã có sự phát triển vượt bậc. Nếu cuối năm 2020, cả nước mới chỉ có khoảng 538 MW điện gió vận hành thì đến cuối năm 2021, tổng công suất các dự án điện gió đã đạt trên 4.100 MW (chiếm khoảng 5,28% tổng công suất các nguồn điện), cung cấp khoảng 1,3% tổng điện năng sản xuất. Mặc dù tiềm năng rất lớn nhưng sự phát triển của lĩnh vực điện gió tại Việt Nam hiện còn rấ nhỏ lẻ và chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của đất nước. Vì vậy, rất cần những cơ chế khuyến khích có tính đột phá, khả thi để khắc phục những khó khăn, thách thức, tiếp tục tạo tiền đề cho điện gió, nhất là điện gió ngoài khơi phát triển mạnh trong tương lai.
 
Thấy rõ tầm quan trọng của việc bảo đảm cung cấp năng lượng cho phát triển kinh tế - xã hội và yêu cầu cấp bách tìm kiếm những giải pháp để đẩy nhanh quá trình chuyển dịch năng lượng, thúc đẩy phát triển mạnh năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng gió nhằm khai thác các tiềm năng sẵn có, tăng cường tính tự chủ cung năng lượng, Chính phủ đã và đang chỉ đạo Bộ Công Thương xây dựng Chiến lược phát triển ngành điện Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn tới năm 2050 và Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn tới năm 2050. Những đề án này sẽ bám sát các chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước và các cấp có thẩm quyền nhằm bảo đảm nhiều mục tiêu đặt ra trong thời gian tới như: Ưu tiên phát triển năng lượng bền vững; phát triển đồng bộ, hợp lý và đa dạng hoá các loại hình năng lượng; khuyến khích khai thác, sử dụng triệt để, hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới, năng lượng sạch... từng bước thực hiện hiệu quả các cam kết của Việt Nam hướng tới trung hòa carbon vào năm 2050.
 
Dự kiến đến năm 2030, tổng công suất các nhà máy điện khoảng 121 - 146 nghìn MW (không bao gồm điện mặt trời mái nhà, nguồn cấp phụ tải riêng và đồng phát), trong đó điện gió (gồm cả điện gió ngoài khơi) sẽ tăng từ mức trên 4.100 MW hiện nay lên tới 12 - 30 nghìn MW (chiếm 9,8 - 20,3% công suất và 5,6 - 14,1% sản lượng toàn hệ thống); riêng điện gió ngoài khơi dự kiến đạt khoảng 7.000 MW (chiếm khoảng 4,7% công suất). Tổng công suất năng lượng tái tạo ngoài thủy điện (điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối, ...) tăng từ mức khoảng 17.000 MW (khoảng 25% công suất và 4,5 % sản lượng) hiện nay lên khoảng 22 - 40 nghìn MW (chiếm 18 - 27% công suất và 11,6 - 20,2% sản lượng).
 
Định hướng đến năm 2050, tổng công suất các nhà máy điện khoảng 368 - 502 nghìn MW (không bao gồm điện mặt trời mái nhà, nguồn cấp phụ tải riêng và đồng phát), trong đó điện gió (gồm cả điện gió ngoài khơi) sẽ đạt khoảng 95 153 nghìn MW (chiếm 25,8 - 30,5% công suất và 26,8 - 36,9% sản lượng toàn hệ thống), riêng điện gió ngoài khơi dự kiến đạt khoảng 46 - 87 nghìn MW (chiếm khoảng 12,5-17,3% công suất). Tổng công suất năng lượng tái tạo ngoài thủy điện (điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối, ...) đạt khoảng 202 - 296 nghìn MW (chiếm 54,9 - 58,9% công suất và 48,2 - 59,1% sản lượng).
 
Có thể thấy, cơ cấu nguồn điện có xu hướng chuyển dịch mạnh mẽ từ sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng các nguồn điện năng lượng tái tạo, xanh và bền vững với khoảng 50 - 60% tổng năng lượng sẽ được cung cấp từ các nguồn năng lượng tái tạo bền vững vào năm 2050. Với chương trình phát triển điện lực như vậy, lượng phát thải khí CO, dự kiến đạt đỉnh 239-259 triệu tấn vào năm 2035 và giảm dần tới 30-35 triệu tấn vào năm 2050, bảo đảm đáp ứng các cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế.
 
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, để đạt được mục tiêu trên, ngoài việc xây dựng và ban hành các các cơ chế khuyến khích phát triển điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối, điện từ chất thải rắn... Chính phủ Việt Nam đã chỉ đạo Bộ Công Thương nghiên cứu, đề xuất luật hóa việc phát triển năng lượng tái tạo, tạo hành lang pháp lý thuận lợi để đẩy mạnh thu hút các nhà đầu tư thuộc thành phần kinh tế tư nhân trong và ngoài nước tham gia đầu tư phát triển năng lượng tái tạo; đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền và triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm và khuyến khích cải thiện hành vi, thói quen sử dụng điện/năng lượng tiết kiệm, hiệu quả. Phấn đấu tỷ lệ tiết kiệm năng lượng trên tổng tiêu thụ năng lượng cuối cùng đạt khoảng 7% vào năm 2030 và 14% vào năm 2045, góp phần vào sự thành công của quá trình chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam.
 
Với Chương trình phát triển điện lực nêu trên đòi hỏi nguồn vốn đầu tư rất lớn (khoảng 14,2 tỷ USD/năm trong giai đoạn 2021-2030 và 24,4 tỷ USD/năm trong giai đoạn 2031-2050). Vì vậy, để thực hiện thành công chương trình này, theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, bên cạnh sự nỗ lực của mình, Việt Nam rất cần sự hợp tác, hỗ trợ của các đối tác và các nhà tài trợ quốc tế về công nghệ, kỹ thuật, kinh nghiệm và các nguồn vốn ưu đãi; nhất là hỗ trợ trong việc kết thúc sớm vòng đời các dự án điện than, khơi thông và thu hút các nguồn tài chính từ khu vực công - tư để thúc đẩy hợp tác đầu tư về cơ sở hạ tầng điện gió và các nguồn năng lượng tái tạo, hạ tầng truyền tải điện cũng như về công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả.
 
“Việt Nam luôn sẵn sàng học hỏi kinh nghiệm của các quốc gia đi trước về phát triển năng lượng tái tạo nói chung, điện gió (nhất là điện gió ngoài khơi) nói riêng; đồng thời căn cứ vào các quy định của phát luật Việt Nam, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và sức chống chịu của nền kinh tế để lựa chọn mô hình phát triển phù hợp, bảo đảm hài hoà lợi ích của Nhà nước - nhà đầu tư và người dân”- Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên bày tỏ.
 
Theo: Báo Công thương