Cánh đồng điện gió Tuy Phong - Bình Thuận.
Mặc dù việc khảo sát năng lượng gió đã được triển khai tại Cồn Cỏ và các huyện ven biển, nhưng do các điều kiện khách quan, việc mở rộng phát triển năng lượng tái tạo, cung cấp điện cho người dân và phục vụ cho sản xuất chỉ dừng lại ở mô hình (như năng lượng biogas, năng lượng mặt trời để đun nấu).
Ngoài ra, có một số dự án hỗ trợ vùng sâu, vùng xa như điện gió và điện mặt trời tại huyện đảo Cồn Cỏ (hệ thống lai ghép giữa turbine gió và pin mặt trời công suất 1,5kW, điện mặt trời 1,5kW). Gần đây, có hệ thống điện mặt trời thuộc chương trình Phát triển nông thôn miền núi - chủ yếu dùng hệ thống năng lượng mặt trời đun nước, các panel điện mặt trời để thắp sáng quy mô hộ gia đình (200W/panel) và cho dịch vụ công cộng, trạm y tế xã.
Trong “Quy hoạch phát triển điện gió tỉnh Quảng Trị giai đoạn đến 2020 - tầm nhìn đến 2030” do Bộ Công Thương phê duyệt tháng 6/2015, có 4 dự án trên vùng núi thuộc huyện Hướng Hóa với tổng công suất 110MW tại địa bàn hai xã Hướng Linh, Hướng Phùng. Một số công ty xin cấp phép để triển khai các dự án này.
Tháng 11/2015, UBND tỉnh Quảng Trị đồng ý cho triển khai dự án Nhà máy điện gió Hướng Linh 2 tại thôn Hoong Coóc, xã Hướng Linh, thời hạn hoạt động 50 năm. Nhà máy điện gió Hướng Linh 2 do Công ty Tân Hoàn Cầu đầu tư với tổng vốn 1.400 tỷ đồng, gồm 15 turbine gió (thiết bị dự kiến nhập từ CHLB Đức), công suất mỗi turbine là 2MW, tổng công suất 30MW.
Nhà máy điện gió Hướng Linh 2 khởi công vào tháng 11/2015 dự kiến đi vào hoạt động vào tháng 12/2006. Khi đó, nhà máy sẽ được đấu nối với hệ thống điện quốc gia.
Theo quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 - xét đến năm 2030, năng lượng tái tạo của Việt Nam sẽ đạt 4,5% tổng nguồn cung cấp điện vào năm 2020 và 6% vào năm 2030. Riêng điện gió sẽ đạt 1.000MW, chiếm 0,7% tổng nguồn cung cấp điện vào năm 2020. Đến năm 2030, con số tương ứng sẽ là 6.200MW và 2,4%.
Theo: KH&PT