Tin trong nước

Điện lực Bình Định: Xây dựng “Đơn vị văn hóa” trên nền văn hóa ngành Điện

Thứ sáu, 10/7/2009 | 13:52 GMT+7

Danh hiệu “Đơn vị văn hóa” của Điện lực Bình Định năm 2008 đang được Liên đoàn Lao động Tỉnh và các cấp quản lý làm thủ tục công nhận, nhưng trong mỗi CBCNV đều hiểu rằng sự đổi thay từ trong ý thức và hành động tự giác của mỗi người, soi rọi lại chính mình trong thời gian phấn đấu vừa qua chính là sự công nhận có ý nghĩa  nhất.

Đơn vị văn hóa trước hết phải hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chuyên môn, đạt tiêu chuẩn an toàn, con người của đơn vị đó phải là những người có văn hóa. Điện lực Bình Định vốn có truyền thống hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chuyên môn Công ty Điện lực 3 giao trong nhiều năm qua. Sản lượng điện thương phẩm phục vụ địa phương tăng hằng năm từ 14 - 17%.  Năm 2008 đơn vị đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất. CBCNV Điện lực Bình Định lại có truyền thống đoàn kết tương trợ giúp đỡ nhau trong cuộc sống, công tác. Các hoạt động phong trào trong ngành và tại địa phương đều được tổ chức sôi nổi... Như vậy, việc phấn đấu để đạt các tiêu chuẩn “đơn vị văn hóa” có thể nói là cơ bản thuận lợi. Nhưng biểu hiện “cái nét văn hóa” ấy ra là cả một hệ thống chỉ tiêu chi tiết mà phải được đánh giá, cân, đo, đong, đếm  để chấm điểm,… để được Hội đồng công nhận là cả một quá trình.

Khởi đầu là việc triển khai thủ tục xây dựng các tiêu chí quản lý Doanh nghiệp theo tiêu chuẩn ISO. Điện lực Bình Định đã hình thành Ban chỉ đạo. Tất cả các quy trình, quy chế trong sản xuất kinh doanh điện năng và viễn thông, quản lý định mức vật tư, nguyên liệu, tài chính, cho đến tổ chức nhân sự, tiêu chuẩn thi đua… đều đưa vào quy trình quản lý. Việc điều hành trong cơ quan không còn dựa vào các nội quy, văn bản chắp vá, lạc hậu gây nhiều tranh cãi, nhất là trong thực hiện các chính sách chế độ liên quan đến quyền lợi người lao động.  Cái nét văn hóa khởi đầu ấy, đã thu phục lòng người bởi những tiện ích khoa học, chuẩn hóa của nó trong công tác quản lý điều hành.

Tiếp theo là cuộc “đại cách mạng” văn hóa trong giao tiếp, trang phục và kỷ luật lao động. Ngành Điện vốn đã có “Quy chế giao tiếp khách hàng” thực hiện từ Tập đoàn trở xuống. Đây là quy tắc ứng xử “đối ngoại” trong quan hệ kinh doanh đối với khách hàng. Từ việc thực hiện chính xác các quy định về giá cả điện năng, sửa chữa điện cho khách hàng đến việc phát triển khách hàng dùng các dịch vụ viễn thông… CBCNV ngành Điện - nhất là những bộ phận thường xuyên tiếp xúc với khách hàng như: Ghi chữ điện, thu ngân, truyền điện, hợp đồng dịch vụ viễn thông…phải có thái độ giao tiếp văn minh, ân cần, coi khách hàng là “thượng đế”, phải thể hiện nét văn hóa trong giao tiếp, để lại ấn tượng tốt đẹp cho khách hàng “vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi”. Nhưng còn về mặt “đối nội”, thể hiện tác phong lịch sự, văn hóa, kỷ luật trong nội bộ cơ quan cũng là vấn đề phải đưa vào chấn chỉnh thường xuyên, dần tạo ý thức tự giác của CBCNV. Hiện tượng CBCNV đi trễ, về sớm, trang phục, lời ăn tiếng nói quan hệ giao dịch trong điện thoại đến việc “chơi game” tự giải lao trong giờ…là những điều phải “giật mình” khi nhìn lại chính mình.  Lãnh đạo Điện lực Bình Định sau khi thống nhất các nội dung đăng ký  “Đơn vị văn hóa” lên Liên đoàn Lao động Tỉnh đã phải thực hiện ngay cuộc “cách mạng nội bộ” trong phạm vi toàn cơ quan.

Điều bất ngờ là cái “đúng”, cái “đẹp” luôn thu phục được lòng người mà biểu hiện của nó là sau khi có Thông báo liên tịch chấn chỉnh kỷ luật lao động “Hưởng ứng xây dựng Đơn vị văn hóa” từ đầu năm 2007 -  giữa Lãnh đạo và Công đoàn Điện  lực Bình Định đến các đơn vị trực thuộc thì cái “nét văn hóa” bề nổi đã diễn ra sinh động chưa từng có: Từ giám đốc đến công nhân khi ra vào cổng đều xuống xe, để xe đúng nơi quy định; thực hiện trang phục theo mùa, theo chức danh lao động, đeo bảng tên. CBCNV đi muộn, về sớm, hay “tranh thủ” giờ làm việc để làm việc riêng được bảo vệ “hỏi thăm” và ghi vào sổ để “tổng kết” hằng tuần. Khó nhất vẫn là quy định không hút thuốc lá trong cơ quan và tiếp khách bằng thuốc lá nơi làm việc. Quy định này được giao cho Công đoàn vận động và đề xuất mức thưởng phạt. Nhưng theo anh Nguyễn Hữu Hà - Chủ tịch Công đoàn - thì xem ra vấn đề này không dễ, vẫn còn “lọt lưới” một số trường hợp, vì vậy, phải đưa nội dung bỏ thuốc lá vào diện vận động “trường kỳ”. Trước mắt, khoanh vùng các “ống khói” thâm niên và có biện pháp mạnh để  làm gương cho những CBCNV mới quen với thuốc lá. Đồng thời, khen thưởng động viên cho những công đoàn bộ phận vận động thực hiện được 100% CBCNV “nói không với thuốc lá”.

Các trường hợp vi phạm về tác phong, kỹ luật lao động đã giảm dần theo các đợt xét thi đua hàng tháng, quý. Nét văn hóa trong đơn vị được nhân lên từ ý thức tự giác của CBCNV  với các hoạt động mang đậm ý nghĩa văn hóa.

Danh hiệu “Đơn vị  văn hóa” của Điện lực Bình Định càng có ý nghĩa hơn khi phong trào khuyến học, tự học văn hóa nghiệp vụ và động viên con em CBCNV toàn Điện lực vươn lên đạt danh hiệu khá, giỏi hằng năm. Đến nay Điện lực Bình Định có 8 kỹ sư có học hàm thạc sĩ, 18 CBCNV có  từ 2 bằng Đại học trở lên, 89 % CBCNV trong độ tuổi đang theo học các lớp bổ túc văn hóa, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác.

Điều khá lý thú là, tại địa phương, gia đình CBCNV phải xuất trình giấy công nhận đạt Lao động tiên tiến thì mới được xét gia đình văn hóa. Tại cơ quan cũng yêu cầu xuất trình giấy công nhận “gia đình  Văn hóa” năm trước mới được xét  danh hiệu Lao động tiên tiến năm nay. Điều này giải thích vì sao tỷ lệ CBCNV Điện lực Bình Định đạt danh hiệu LĐTT ngày càng tăng cao trong những năm gần đây: Năm 2007: 73%, năm 2008: 85,7%. Có 5 CSTĐ cơ sở và hàng chục mức đề nghị khen thưởng các cấp.

Danh hiệu “Đơn vị văn hóa” không phải của các cấp xét duyệt “ban cho”, đưa đến mà do chính mỗi CBCNV góp phần xây dựng để rồi  phục vụ, tôn lên cho chính cuộc sống văn hóa của mỗi người.

Theo: Tạp chí Điện lực