Sự kiện

Trên 40.000 hộ dân hưởng lợi từ Dự án cấp điện cho đồng bào Khmer

Thứ tư, 14/4/2010 | 11:29 GMT+7

Sóc Trăng và Trà Vinh là 2 tỉnh có tỷ lệ đồng bào Khmer sinh sống chiếm trên 50% tổng số người Khmer ở nước ta.

 

Nhằm đạt mục tiêu đến năm 2020, 100% số hộ dân nông thôn trên cả nước được sử dụng điện, Chính phủ đã giao cho EVN (trực tiếp là Tổng công ty Điện lực miền Nam) thực hiện dự án quan trọng này. 

Xin ông cho biết quy mô của dự án cấp điện cho đồng bào Khmer?

Ông Phạm Ngọc Lễ, phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Nam
Dự án được áp dụng cơ chế như Dự án cấp điện các thôn, buôn chưa có điện ở khu vực Tây Nguyên đã và đang thực hiện khá hiệu quả. Với số tiền đầu tư trên 532 tỷ đồng (trong đó nguốn vốn ngân sách là 85%, vốn đối ứng của ngành điện là 15%), dự án sẽ cấp điện cho 40.311 hộ dân. Để thực hiện dự án này, ngành điện sẽ phải thi công xây dựng 510km đường dây trung thế, 1.520km đường dây hạ thế và 917 trạm biến áp, đồng thời lắp đặt 40.311 công tơ và nhánh rẽ vào nhà cho các hộ dân. Dự án hoàn thành sẽ nâng tỷ lệ hộ đồng bào Khmer có điện ở Sóc Trăng và Trà Vinh lên trên 93%.

Được biết, Sóc Trăng và Trà Vinh là những địa phương rất chú trọng phát triển điện nông thôn. Riêng Sóc Trăng đã hoàn thành tiếp nhận điện nông thôn từ năm 2003. Tại sao đến nay, số hộ đồng bào Khmer chưa có điện vẫn còn khá cao, thưa ông? 

Đồng bào Khmer đa số sống phân tán ở các vùng sâu vùng xa, bố trí dân cư rải rác nên việc kéo điện rất khó khăn. Mức đầu tư kéo điện bình quân cho mỗi hộ lên tới 15 triệu đồng/hộ (có những hộ phải đầu tư tới 30 triệu đồng). Bà con lại sống chủ yếu bằng nghề trồng lúa và đánh bắt thuỷ sản, trình độ sản xuất còn lạc hậu nên thu nhập còn thấp, một bộ phận không nhỏ đồng bào Khmer không có đất sản xuất nông nghiệp phải đi làm thuê, tỷ lệ hộ nghèo khá cao (trên 52%) nên tỷ lệ tiêu thụ điện rất thấp. Những nơi đã có điện, mức tiêu thụ cũng chỉ khoảng 65-75 kWh/người/năm (bình quân toàn quốc là 640kWh/người/năm). Mặc dù vậy, ngành điện vẫn rất chú trọng ưu tiên cấp điện cho đồng bào. Riêng Điện lực Sóc Trăng đã thực hiện tiếp nhận điện nông thôn từ năm 2003 để người dân khu vực nông thôn được hưởng giá điện bậc thang như khu vực đô thị, thậm chí trước kia khi chưa có Luật Điện lực, ngành điện sẵn sàng ứng trước tiền mắc điện cho dân, mọi chi phí được trả dần trong 2 – 3 năm vào những vụ thu hoạch lúa, tôm. Tuy nhiên, do còn quá khó khăn nên số hộ đồng bào Khmer ở Sóc Trăng có điện vẫn thấp (67,2%) so với tỷ lệ 86,9% số hộ có điện của toàn tỉnh.

Đâu là khó khăn cơ bản trong khi thực hiện dự án và kinh nghiệm giải quyết những khó khăn đó?

Cũng như mọi dự án lưới điện khác, khó khăn muôn thuở vẫn là những vấn đề về vốn, giải phóng mặt bằng và sự phức tạp trong thi công do đặc thù của vùng sông nước. Mặc dù đã được Thủ tướng Chính phủ cho chủ trương nhưng việc lo vốn cũng rất phức tạp. Bản thân Tổng công ty đã chủ động bố trí phần vốn đối ứng để thanh toán các chi phí đã thực hiện trong năm 2009, phần vốn còn lại để thực hiện trong năm 2010 và 2011 phải trông chờ vào ngân sách. Rất may là đến nay vấn đề này cơ bản đã được giải quyết.

Vấn đề giải phóng mặt bằng cũng rất nan giải. UBND các tỉnh Sóc Trăng và Trà Vinh chịu trách nhiệm thực hiện công tác đền bù, giải phóng mặt bằng. Kinh phí đền bù do Tổng công ty chi trả theo quy định. Việc cắm mốc và bàn giao cọc mốc đã tốn rất nhiều thời gian do khối lượng lớn và trải rộng khắp trên địa bàn toàn tỉnh, nhưng nhờ có sự hỗ trợ nhiệt tình của chính quyền địa phương nên đã được hoàn thành đúng tiến độ. Tuy nhiên, do có tới trên 89.000 cây sẽ bị chặt hạ để thi công nên việc giải phóng mặt bằng khá nan giải. Ngành điện đã bàn với UBND các tỉnh thực hiện giải pháp Nhà nước và nhân dân cùng làm. Cụ thể, vận động các hộ dân trong vùng dự án (chủ yếu là đồng bào Khmer) tham gia phát quang giải phóng mặt bằng thi công. Không bồi thường, hỗ trợ về đất xây dựng trụ điện và đất dưới hành lang an toàn lưới điện, kể cả những nhà ở dưới hàng lang không thuộc diện di dời (theo Nghị định 81/2009 của Chính phủ). Nếu các công trình xây dựng chưa đáp ứng điều kiện tồn tại dưới hành lang an toàn thì sẽ được hỗ trợ kinh phí cải tạo lại để đáp ứng điều kiện tồn tại. Những cây trồng dưới hành lang nếu phải chặt bỏ và cấm trồng mới thì được bồi thường theo quy định của UBND tỉnh. Nếu chỉ cần chặt tỉa để tồn tại sẽ được bồi thường 50%. Sự ủng hộ của bà con nhằm giảm bớt chi phí đền bù sẽ tạo điều kiện cho ngành điện đầu tư xây dựng cấp điện cho các hộ dân được nhiều hơn. Một khó khăn không nhỏ là việc vận chuyển cột điện, kéo dây không có đường bộ mà phải dùng bè mảng, thuyền, ghe để vận chuyển, nhất là kéo dây qua những vùng sình lầy để tới những xã Cù lao lại càng khó khăn. Do tích lũy kinh nghiệm từ các dự án khác nên anh em có nhiều giải pháp thi công hợp lý và hiệu quả. Các đơn vị luôn phát động các phong trào thi đua phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật để tăng năng suất lao động, đẩy nhanh tiến độ thi công. Theo kế hoạch, quý II/2010 sẽ thực hiện đấu thầu xây lắp vật tư thiết bị. Tết năm nay sẽ có trên 50% số hộ trong dự án có điện dùng. Số còn lại sẽ hoàn thành trong năm 2011, đảm bảo có thêm 40.311 hộ dân được hưởng lợi từ dự án.

Điều hy vọng nhất của ông đối với dự án là gì?

Thực tế, việc thực hiện dự án không nhằm mục đích kinh doanh (vì kinh doanh điện ở những khu vực này cầm chắc là… lỗ) mà  chủ yếu là thực hiện nhiệm vụ chính trị, giúp đỡ đồng bào xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống, góp phần phát triển kinh tế xã hội, ổn định an ninh quốc phòng khu vực Tây Nam bộ. Bởi vậy, chúng tôi chỉ mong đưa được điện về để bà con được tiếp cận với văn minh xã hội, nâng cao dân trí, tiếp cận với khoa học kỹ thuật, giảm khoảng cách giàu nghèo trong xã hội, làm cho bà con tin tưởng hơn vào ngành điện và cũng là tin tưởng vào chế độ. Chúng tôi cũng mong mỏi bà con sử dụng điện an toàn, tiết kiệm và hiệu quả nhằm chia sẻ với những khó khăn của ngành điện trong việc cung cấp nguồn.

Xin chân thành cảm ơn ông!

Theo: CôngThương