Điện lực Việt Nam sử dụng đồng bộ công nghệ mới

Thứ tư, 15/5/2013 | 08:52 GMT+7
Trong giai đoạn 2016-2025, EVN sẽ phát triển mạnh nguồn nhiệt điện. Điện lực Việt Nam cần triển khai áp dụng và làm chủ một số công nghệ như bảo dưỡng, tự chế tạo thiết bị điện, nâng cấp khả năng truyền tải và phân phối điện.
 
Nhà máy Nhiệt điện Nhơn Trạch 2, điển hình áp dụng công nghệ mới vào xây dựng và vận hành.


Bảo dưỡng và sản xuất thiết bị

Ngành điện Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi các thiết bị điện từ công nghệ cũ sang tự động hóa. Bởi vậy, nhiệm vụ bảo dưỡng, duy tu các thiết bị cũ, cải tạo nâng cấp và thay thế bằng các thiết bị hiện đại là nhiệm vụ hàng đầu. EVN đang hoàn thiện và phát triển các trung tâm bảo dưỡng sửa chữa thiết bị nhiệt điện tại 3 miền Bắc - Trung - Nam. Tập đoàn tập trung đào tạo nâng cao tay nghề cho đội ngũ nhân lực làm công tác bảo dưỡng và sửa chữa, nâng cao năng lực tự sửa chữa, nâng cấp các thiết bị nhiệt điện.

Trong giai đoạn kế tiếp, EVN sẽ ưu tiên đầu tư phát triển công nghệ đốt than phun với mục tiêu tận dụng triệt để nguồn tài nguyên than đá tại Việt Nam, triệt để tận thu nhiệt từ than đốt. Các công nghệ chủ lực nghiên cứu và áp dụng vào thực tiễn như công nghệ đốt trực tiếp và gián tiếp đối với than trong nước dùng trong tổ máy hiện đại, hiệu suất cao (39-40%), thông số hơi cao hơn (22-24Mpa, 560-580oC) hướng tới nâng công suất tổ máy lên đến 1.000MW. Bên cạnh đó, phát triển công nghệ turbine khí chu trình hỗn hợp khu vực phía nam với thiết bị hiện đại, hiệu suất cao. Tiếp tục đầu tư công tác đào tạo phát triển đội ngũ chuyên gia về tự động, điều khiển nhằm đáp ứng nhu cầu trong vận hành sửa chữa các thiết bị tự động đo lường điều khiển của các nhà máy nhiệt điện. Tiếp thu công nghệ tiên tiến của thế giới trong lĩnh vực nhiệt điện và tự động hóa nhà máy nhiệt điện.

Các nhóm công nghệ cần phát triển và tự chế tạo trong giai đoạn này như ứng dụng khả năng trộn than anthracite Việt Nam với than nhập khẩu, áp dụng công nghệ đốt trực tiếp với than trộn trong tổ máy hiện đại nhằm đạt hiệu suất cao nhất. Cải tiến cho phù hợp với điều kiện Việt Nam các loại vòi đốt hơi nhiệt điện than, thay thế vòi đốt cũ tại các nhà máy: Ninh Bình, Uông Bí và Phả Lại 1.

Trong lĩnh vực thủy điện, đây là giai đoạn hoàn thiện chế độ vận hành tối ưu hồ chứa bậc thang và đơn lẻ, hệ thống cảnh báo và giảm thiểu rủi ro cho toàn bộ hệ thống sông và lưu vực. Thời điểm này, công nghệ chế tạo Việt Nam bắt buộc chế tạo các thiết bị thủy điện nhỏ theo đơn đặt hàng trong nước, tiếp cận công nghệ chế tạo một số thiết bị điều khiển kỹ thuật số như điều tốc, một số thiết bị quan trắc…

Mở rộng thị trường chế tạo các thiết bị thủy điện nhỏ theo đơn đặt hàng ra các nước trong khu vực châu Á, vừa làm vừa nâng cấp công nghệ để có thể chế tạo được các thiết bị thay thế cho thủy điện quốc gia. Nghiên cứu nâng cấp thay thế, lắp thêm thiết bị và mở rộng khả năng của công trình để nâng cao công suất phát điện, tăng độ tin cậy và an toàn. Lựa chọn được công nghệ thủy điện tích năng phù hợp để tiến hành xây dựng, vận hành và có thể cả chế tạo thiết bị. Nghiên cứu ứng dụng các công nghệ sửa chữa, thay thế, phục hồi… cho các công trình, thiết bị hiện có, các công nghệ nhằm nâng cao năng lực khai và vận hành. Rà soát, bổ sung, hoàn thiện các quy trình công nghệ cho phù hợp với sự thay đổi của cơ cấu hay cơ chế quản lý ngành điện trong tương lai.

Hướng tới hoàn thiện công nghệ sản xuất điện, EVN sẽ xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng đáp ứng việc tiếp thu công nghệ điện hạt nhân. Trước tiên, Tập đoàn điện lực sẽ cử cán bộ nghiên cứu, tiếp nhận chuyển giao công nghệ điện hạt nhân. Song song tổ chức đào tạo nhân lực cho chương trình phát triển điện hạt nhân. Bên cạnh đó, EVN sẽ là đầu mối, chủ lực tiếp tục triển khai chương trình nội địa hóa thiết bị nhiệt điện giai đoạn 2, thành lập các liên doanh với các hãng chế tạo thiết bị điện trên thế giới để có thể tự sản xuất các thiết bị phục vụ cho các nhà máy đang vận hành và từng bước cung cấp cho các dự án mới theo chương trình nội địa hóa.

Công nghệ truyền tải và phân phối

EVN sẽ hướng đến nâng cao công suất truyền tải gắn với độ ổn định và tin cậy trong vận hành lưới điện. Hoàn thành việc thực hiện tiêu chuẩn tin cậy cho toàn bộ lưới điện 220kV, 500kV, tiêu chuẩn n-2 cho Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Thực hiện hoàn thiện các công nghệ SCADA/EMS, DMS trong toàn bộ lưới điện bằng các giải pháp về trang bị, phương thức và công nghệ thông tin.

Trong giai đoạn này, hoàn thành việc điều khiển tự động các trạm 220kV trên toàn quốc, tiến tới xây dựng một số trạm hiện đại không có người trực vận hành, tiến hành trang bị hệ điều khiển máy tính kết nối SCADA (Supervisory Control And Data Acquisition - hệ thống điều khiển giám sát và thu thập dữ liệu) cho một số trạm 110kV quan trọng. Tiếp tục ứng dụng rộng các công nghệ tiên tiến để nâng cao khả năng truyền tải và độ ổn định trên lưới như truyền tải điện một chiều, thiết bị FACTS… Áp dụng công nghệ chẩn đoán trạng thái thiết bị theo điều kiện vận hành và chẩn đoán online.

Ứng dụng và làm chủ công nghệ thiết bị điện như cách điện composite, xà cách điện, giảm kích thước cột, sử dụng dây dẫn chịu nhiệt, dây hợp kim hoặc dây lõi nhôm bằng sợi carbon để tăng khả năng truyền tải, giảm tiêu hao trên đường dây. Kết hợp với tìm hiểu, khảo sát việc xây dựng các loại trạm hợp bộ, trạm cách điện bằng khí, vạch lộ trình và kế hoạch xây dựng các trạm biến áp 110kV ở trung tâm phụ tải các đô thị lớn. Áp dụng mở rộng các công nghệ mới đã thí điểm trong xây dựng đường dây như cách điện và dây dẫn, các sơ đồ cột… đảm bảo hiệu quả cấp điện, giảm hành lang tuyến và chiếm dụng đất đai khi xây dựng công trình lưới điện.

Tới năm 2025, EVN đặt mục tiêu hoàn thành xây dựng hệ thống điều độ quốc gia mới cùng với việc triển khai thích hợp các hệ thống MMS, SCADA/EMS, đo đếm cùng với các công cụ cần thiết cho công tác kinh doanh của EVN trong thị trường điện với mục tiêu phục vụ thị trường bán buôn cạnh tranh và chuẩn bị cho thị trường bán lẻ cạnh tranh theo lộ trình phát triển thị trường điện được Chính phủ phê duyệt.

Về công nghệ phân phối điện, EVN sẽ hướng đến công nghệ lưới điện thông minh trên toàn hệ thống. Các công tác chủ lực là chuyển đổi cấp điện áp lưới trung áp khu vực miền núi phía bắc vẫn xác định tồn tại 2 cấp điện áp 35kV và 22kV. Hoàn thành việc chuyển đổi lưới 15kV khu vực nội thành TP HCM thành điện áp 22kV. Các khu vực còn lại chỉ phát điện lưới 22kV.

Để hiện đại hóa lưới điện trong giai đoạn tới, EVN sẽ ngầm hóa 100% lưới trung áp khu vực các quận ven đô của TP Hà Nội và TP HCM, khu nội thị các thành phố trực thuộc trung ương. Lưới hạ thế khu vực nội thành Hà Nội và TP HCM đạt 50-80%, các thành phố khác 30-50%. Triển khai sâu rộng công tác sửa chữa nóng lưới phân phối tại các thành phố, thị xã trên toàn quốc, khai thác và sử dụng hiệu quả hệ thống SCADA trong các đơn vị thuộc EVN.

Nhìn chung, giai đoạn 2016-2025 ngành điện lực Việt Nam sẽ phát triển hoàn thiện với năng lực tự sản xuất các thiết bị điện, áp dụng đồng bộ hệ thống truyền tải phân phối điện lực trên toàn quốc.
 
Theo: Petrotimes