Rải căng dây 500kV bằng khinh khí cầu: Bước đột phá công nghệ

Thứ năm, 25/4/2013 | 16:08 GMT+7
Mới đây, Công ty CP xây lắp điện 1 (PCC1) đã dùng khinh khí cầu để kéo rải căng đường dây tải điện 500 kV dài 7 km thuộc dự án Vĩnh Tân - Sông Mây đoạn Xuân Lộc (tỉnh Đồng Nai) - Hàm Tân (tỉnh Bình Thuận). Đây là bước đột phá quan trọng về công nghệ trong xây lắp đường dây điện siêu cao áp tại Việt Nam.



Vận hành rải dây bằng khinh khí cầu. Ảnh: Ngọc Loan/Icon.com.vn

Ông Trịnh Văn Tuấn- Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc PCC1 cho biết, đây là giải pháp tiên tiến, hiện đại và rất hiệu quả. Khinh khí cầu sẽ kéo dây thừng mồi có đường kính nhỏ chỉ bằng chiếc đũa, mỏng và nhẹ nhưng chịu lực rất tốt. Dây thừng mồi này nối với 4 dây cáp mồi, đặt lên các trụ, sau đó dùng máy kéo căng dây điện. Khó nhất trong việc thực hiện giải pháp này là thiết bị đồng bộ khá cồng kềnh nên vận chuyển đến nơi thi công khá phức tạp. Vì vậy, nhà thầu chỉ dùng khinh khí cầu khi kéo những đoạn dây cáp điện dài (thường là trên 3 km), những đoạn dây ngắn hơn thì dùng máy hãm đôi và kéo bình thường.

Ưu điểm lớn nhất của công nghệ này là khinh khí cầu để kéo dây điện qua những vùng có địa hình đặc biệt, như qua các sông lớn, đồi núi hiểm trở, nơi đô thị có nhiều nhà cửa. Nếu rải dây theo cách truyền thống sẽ rất khó khăn, mất nhiều thời gian, công sức, lại rất tốn kém vì phải đền bù giải phóng mặt bằng. Nhất là những nơi có nhà cửa, hoa màu, rừng phòng hộ. Ngoài việc đẩy nhanh tiến độ thi công, giải pháp này còn giúp giảm thời gian tạm ngừng cắt điện cho thi công, lại không phải đền bù ruộng vườn hoa màu nên hiệu quả kinh tế- xã hội rất lớn.

Đặc biệt, nhờ thiết bị kéo hãm đồng bộ mà việc kéo rải căng dây bằng khinh khí cầu có thời gian thi công nhanh gấp 3-4 lần, do có thể kéo được cả 4 dây một lúc chứ không phải kéo từng dây như  trước đây. Cụ thể, thời gian thi công 7 km đường dây 500 kV Xuân Lộc - Hàm Tân chỉ mất một ngày. Bên cạnh đó, dùng khinh khí cầu còn giúp dây điện không bị trầy xước do không va chạm với cây, chủ đầu tư không phải vá lại dây điện sau khi thi công lắp đặt.

Cũng theo ông Tuấn, khinh khí cầu của PCC1 được nhập từ Trung Quốc  nhưng toàn bộ hệ thống động cơ, thủy lực do Đức sản xuất. Đến nay, tổng chi phí trọn bộ khinh khí cầu, kể cả thiết bị đồng bộ là trên 40 tỷ đồng. Hiện đã có một số nhà thầu dự kiến sẽ thuê lại thiết bị này để thi công các công trình điện trong thời gian tới.
 


Chuẩn bị rải căng dây. Ảnh: Ngọc Loan/Icon.com.vn
 
Dự án đường dây 500 kV Vĩnh Tân - Sông Mây qua địa bàn tỉnh Bình Thuận, Đồng Nai, có tổng chiều dài hơn 237 km, nối nguồn điện từ Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân (H.Tuy Phong, Bình Thuận) đến trạm biến áp 500 kV Sông Mây (Đồng Nai) để hòa lưới điện quốc gia. Đây là công trình rất quan trọng thực hiện theo cơ chế đặc biệt theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, góp phần khắc phục tình trạng thiếu điện tại miền Nam thời gian tới.

Được biết, PCC1 là đơn vị đầu tiên trên cả nước sử dụng biện pháp thi công rải căng dây đối với đường dây siêu cao áp bằng khinh khí cầu. Trước đó, PCC1 đã sử dụng khinh khí cầu thi công ở đường dây 220kV từ Nhà máy thủy điện Nho Quế (Hà Giang) đến trạm 220kV Cao Bằng là khu vực có địa hình  hiểm trở, đi qua vùng có nhiều núi đá. Ngoài ra còn đường dây 500kV Sơn La-Hiệp Hòa đoạn vượt sông Mã và đoạn gần trạm 500kV Hiệp Hòa đông dân cư, đường dây 220kV nhánh rẽ vào trạm 500kV Hiệp Hòa đoạn vượt sông Cầu là khu vực thi công rất khó khăn vì phải kéo dây qua sông và qua khu vực đông dân cư và đất trồng đang sản xuất, đất rừng…

 
Ngọc Loan/Icon.com.vn