Lãnh đạo tỉnh Bình Phước kiểm tra dự án điện mặt trời ở huyện Lộc Ninh.
Sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg về “Cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam”, Bình Phước đã ban hành những chính sách hỗ trợ đặc biệt về tiền thuê đất, thuế, ứng dụng công nghệ cao để kêu gọi thu hút đầu tư vào lĩnh vực điện tái tạo, điện năng lượng sạch trên địa bàn tỉnh.
Bình Phước được biết đến có số giờ nắng trung bình từ 2.400-2.500 giờ/năm và là một trong 3 tỉnh có mức độ bức xạ nhiệt cao nhất cả nước, nên có tiềm năng lớn trong phát triển các dự án điện năng lượng mặt trời.
Ông Nguyễn Anh Hoàng, Giám đốc Sở Công Thương Bình Phước cho biết: “Trong điều kiện các nguồn năng lượng khác như thủy điện, nhiệt điện... ngày càng gặp nhiều khó khăn thì phát triển điện mặt trời là một chính sách rất hợp lý. Nó sẽ giải quyết được cùng lúc nhiều vấn đề. Đó là cung cấp năng lượng cho nền kinh tế, sản xuất và đời sống nhân dân trong khu vực. Tạo nguồn thu ngân sách nhà nước. Giải quyết được công ăn việc làm cho lao động địa phương trong giai đoạn xây dựng nhà máy cũng như sau khi các nhà máy đi vào hoạt động”.
Lãnh đạo tỉnh Bình Phước cho biết đã trình cấp thẩm quyền thẩm định, phê duyệt 39 dự án điện mặt trời với tổng công suất 3.506 MWp. Trong đó có 5 dự án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và 1 dự án Bộ Công thương phê duyệt bổ sung vào quy hoạch với công suất 850 MWp.
Hiện Nhà máy điện mặt trời Thác Mơ (huyện Bù Gia Mập) công suất 50 MWp, do Công ty Cổ phần thủy điện Thác Mơ làm chủ đầu tư với số vốn đầu tư 1.300 tỷ đồng đang được đẩy nhanh tiến độ, dự kiến nhà máy sẽ hoàn thành và đưa vào vận hành quý IV/2021.
Các dự án điện mặt trời Lộc Ninh 1, Lộc Ninh 2, Lộc Ninh 3 (huyện Lộc Ninh) có tổng công suất 800 MWp, UBND tỉnh đã có quyết định đầu tư, hiện chủ đầu tư đã hoàn thiện khảo sát, lập hồ sơ thiết kế, báo cáo đánh giá tác động môi trường, đang tiến hành giải phóng mặt bằng cho các công đoạn tiếp theo.
Ông Nguyễn Văn Lợi - Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước đề nghị Bộ Công thương hỗ trợ Bình Phước phát triển các lĩnh vực điện mặt trời, thu hút đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp; phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn, có lợi thế cạnh tranh và sử dụng nguyên liệu tại chỗ có đóng góp lớn cho tăng trưởng công nghiệp và xuất khẩu.
Tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh mới đây, ông Trần Tuấn Anh - Bộ trưởng Bộ Công thương đánh giá cao quá trình phát triển kinh tế xã hội của Bình Phước, nhất là lĩnh vực năng lượng tái tạo điện mặt trời. Riêng ở lĩnh vực điện mặt trời, Bộ trưởng đề nghị Cục Điện lực rà soát điều chỉnh kế hoạch đầu tư sao cho phù hợp, đồng thời có cơ chế đặc thù đối với Bình Phước.
Với lợi thế sẵn có tại Bình Phước, Tập đoàn Hưng Hải đã đầu tư 12.000 tỷ đồng vào dự án điện mặt trời. Nguồn vốn trên được chia làm 3 giai đoạn đầu tư với tổng công suất thiết kế tổng dự án điện năng lượng mặt trời lên đến 800 MWp. Chủ trương này đã được UBND tỉnh Bình Phước thông qua và được Chính phủ phê duyệt cho chuyển đổi mục đích sử dụng 4.000 ha đất tại huyện Lộc Ninh để làm điện năng lượng mặt trời.
Cuối năm 2018, để khởi động dự án, Tập đoàn Hưng Hải đã khởi công xây dựng tuyến đường dây 220 kV Lộc Ninh-Bình Long 2 dài 29 km, đi qua 5 xã: Lộc Thạnh, Lộc Tấn, Lộc Thiện, Lộc Thành, Lộc Thịnh, huyện Lộc Ninh và xã Thanh Lương của thị xã Bình Long. Đây là dự án cấp bách để truyền tải điện phục vụ kết nối hòa lưới điện quốc gia khi các dự án điện mặt trời đưa vào sử dụng.
Riêng về dự án điện năng lượng mặt trời chia làm 3 giai đoạn đầu tư. Trong đó, giai đoạn một sẽ xây dựng công suất 200 MWp với vốn đầu tư 4.946 tỷ đồng. Hai giai đoạn tiếp theo có vốn đầu tư hơn 7.000 tỷ đồng.
Dự kiến cuối năm 2019, Bình Phước sẽ hoàn thành dự án điện mặt trời đầu tiên.
Theo UBND tỉnh, Bình Phước hội đủ tiềm năng để phát triển điện năng lượng mặt trời, qua đó, đóng góp lớn đối với nguồn thu ngân sách địa phương trong tương lai.Nếu đầu tư 1 MWp mỗi năm đóng góp cho ngân sách là 1 tỷ đồng. Tổng 800 MWp sẽ mang lại nguồn thu ngân sách lớn hàng năm cho tỉnh.
Bình Phước đang thực hiện chủ trương chuyển đổi hơn 5.000 ha đất trồng cao su kém hiệu quả tại các xã ở huyện Lộc Ninh sang quy hoạch phát triển điện năng lượng mặt trời.
Phát triển điện mặt trời có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội của Bình Phước giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030. Dự kiến phát triển quy hoạch điện mặt trời đến năm 2030 là: 4.775MWp. Trong đó, chia ra các giai đoạn: Giai đoạn 2017 - 2020 đạt 2.791MWp, giai đoạn 2021 - 2025 là 882MWp và giai đoạn 2026 - 2030 là 1.102MWp. |