Thể hiện chính sách ưu đãi, không ngừng chăm lo cho đời sống đồng bào vùng sâu, người dân tộc thiểu số, vừa qua, tỉnh Quảng Bình đã được các Bộ, Ngành Trung ương hỗ trợ thực hiện dự án cấp điện bằng năng lượng mặt trời cho các xã vùng sâu - nơi điện lưới quốc gia chưa đến được. Tổng vốn đầu tư của dự án là 53 tỷ đồng, với tổng công suất lắp đặt khoảng 197,8 kW, thời gian thực hiện từ năm 2008-2010.
Tỉnh Quảng Bình có 6 huyện và 1 thành phố trực thuộc. Ðến nay, sau những nỗ lực đưa điện về nông thôn của các cấp ngành cũng như Ðiện lực Quảng Bình, 157/159 xã, phường tại Quảng Bình đã có điện lưới Quốc gia với trên 98% số hộ dùng điện. Tuy nhiên, do địa bàn hiểm trở, vùng núi cao, hải đảo hay đảm bảo ánh sáng cho công tác bảo vệ di sản thiên nhiên Phong Nha - Kẻ Bàng, nhiều xã, bản vùng sâu, vùng xa, hải đảo trong tỉnh Quảng Bình vẫn chưa có điện như 2 xã biên giới Tân Trạch và Thượng Trạch (huyện Bố Trạch), nhiều bản tại các xã Sơn Trạch (huyện Bố Trạch), Dân Hóa, Trọng Hóa (huyện Minh Hóa), Thanh Hóa, Thuận Hóa (huyện Tuyên Hóa), Kim Thủy, Lâm Thủy (huyện Lệ Thủy), Trường Sơn, Trường Xuân (huyện Quảng Ninh)…cũng chưa có điện. Tại các xã trên, còn 66 bản, đa số là đồng bào dân tộc với gần 1.900 hộ dân sinh sống rải rác trên các địa hình phức tạp, rất cần cấp điện.
Từ thực tế đó, cuối năm 2007, Sở Công Thương phối hợp với Ðiện lực Quảng Bình khảo sát xác định các khu vực, địa bàn trong toàn Tỉnh không đủ điều kiện để cấp điện bằng điện lưới và thống nhất tiến trình thực hiện dự án cấp điện bằng pin mặt trời cho các bản vùng sâu, vùng xa thuộc các xã nói trên. Từ đầu năm 2008 đến nay, dự án cấp điện bằng năng lượng mặt trời đã ưu tiên triển khai tại 2 xã chưa có điện là Tân Trạch và Thượng Trạch. Ðến nay, đã lắp đặt hoàn thành và đưa vào sử dụng 7 trạm cấp điện bằng pin mặt trời với tổng công suất 1,766 kW tại các địa điểm: Trụ sở UBND xã, Trường Dân tộc nội trú xã Thượng Trạch, trạm Y tế của 2 xã Tân Trạch, Thượng Trạch, Ðồn Biên phòng 591 xã Thượng Trạch và một số hộ dân lân cận khu vực gần với trụ sở UBND xã. Ngoài ra, dự án còn lắp đặt 2 giàn pin mặt trời cấp điện cho đơn vị bộ đội đóng quân tại đảo Hòn La, bảo vệ vùng biển đảo phía Ðông bắc tỉnh Quảng Bình, trong đó có Cảng Hòn La mới đưa vào khai thác.
Qua theo dõi quá trình sử dụng, với sự hướng dẫn quản lý vận hành của đơn vị thi công, chính quyền địa phương và các đơn vị sử dụng đã có những kinh nghiệm trong công tác quản lý kỹ thuật nhằm phát huy hiệu quả và sử dụng lâu bền các giàn pin mặt trời. Do đặc tính kỹ thuật các giàn pin chế tạo từ loại Silic đơn tinh thể có hiệu suất cao, được sản xuất với công nghệ hiện đại, có khả năng chịu nắng mưa do tác động của môi trường, khí hậu…nên từ khi lắp đặt đến nay, các công trình vẫn đảm bảo cung cấp điện ổn định cho nhu cầu sinh hoạt của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân ở các địa bàn này.
Một số dự án khác từ ngân sách Tỉnh và vốn hỗ trợ của Viện Vật lý TP Hồ Chí Minh cũng đang được triển khai lắp đặt với 26 giàn pin mặt trời có tổng công suất 6,2 kW cho một số bản và trạm kiểm lâm ở các xã thuộc huyện Tuyên Hóa. Thời gian tới, tiếp tục lắp đặt thêm 8 giàn pin mặt trời với tổng công suất 2,958 kW tại Ðồn Biên phòng Cồn Roàng - là Ðồn mới mở tại xã Thượng Trạch giáp với nước bạn Lào - và một số bản khác nằm trong chương trình dự án.
Ðể dự án mang tính bền vững thì vấn đề quan tâm hiện nay trong quá trình triển khai là phải thực hiện đồng bộ với công tác đào tạo công nhân quản lý kỹ thuật vận hành và bảo dưỡng thiết bị. Ðây là nội dung cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị quản lý Nhà nước, chuyên môn kỹ thuật và chính quyền địa phương hưởng lợi từ dự án nhằm khai thác tối đa hiệu quả từ việc có điện, góp phần cải thiện đời sống vật chất, tinh thần đáp ứng nguyện vọng chính đáng của đồng bào vùng sâu, vùng xa. Ðiện mặt trời đang làm cho các bản làng vùng sâu, vùng hải đảo của Quảng Bình thêm sức sống mới, góp phần vào sự nghiệp phát triển của Tỉnh là đưa “miền núi về gần với miền xuôi” hơn.
Theo TCĐL số 9/2008