Điện mặt trời áp mái: Nguồn năng lượng sạch cho lợi ích kép

Thứ hai, 15/6/2020 | 10:19 GMT+7
Từ năm 2019 đến nay, nhiều khách hàng trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã đầu tư lắp đặt, sử dụng điện mặt trời áp mái. 
Khách hàng lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái. Ảnh: T.H
 
Đây là hướng đi đang được Chính phủ khuyến khích, mang lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp, người dân và góp phần bảo vệ môi trường.
 
Để đáp ứng nhu cầu điện phục vụ sản xuất kinh doanh và tiêu dùng ngày càng tăng cao, ngoài công tác đầu tư, xây dựng mới các công trình điện phân phối, thời gian qua, Công ty Điện lực Kon Tum phối hợp với Sở Công thương đẩy mạnh triển khai, khuyến khích người dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tham gia đầu tư phát triển điện mặt trời áp mái. Qua đó, Công ty Điện lực Kon Tum tích cực hướng dẫn, tiếp nhận hồ sơ bán điện mặt trời áp mái của người dân, các doanh nghiệp. Đến nay, toàn tỉnh có 142 khách hàng lắp đặt hệ thống điện năng lượng áp mái có đấu nối vào hệ thống điện lưới quốc gia, với tổng công suất lắp đặt hơn 2.874,59 kWp.
 
Là một trong những khách hàng đầu tiên của tỉnh lắp đặt điện năng lượng mặt trời áp mái, anh Nguyễn Phúc Hậu (tổ 6, phường Thắng Lợi, thành phố Kon Tum) chia sẻ: Ấn tượng nhất của tôi về điện mặt trời là sử dụng nguồn năng lượng xanh, sạch, lâu dài nên từ năm 2018, tôi đã đầu tư 60 triệu đồng lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái với công suất 3 kWp để phục vụ cho sinh hoạt của gia đình. Khi đó, ngành Điện của tỉnh chưa triển khai mua điện mặt trời nên lượng điện dư thừa tôi không bán được, nhưng tôi vẫn nhận thấy lợi ích rõ rệt từ nguồn điện này. Vì vậy, năm 2019, khi tôi triển khai xây dựng xưởng sản xuất phân bón tại Cụm công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp Hoà Bình, tôi đầu tư 800 triệu đồng lắp đặt luôn dàn pin năng lượng với công suất 50kWp trên mái nhà xưởng. Hệ thống điện này trước hết là để phục vụ nhu cầu dùng điện tại xưởng, sau đó tôi sẽ bán lượng điện dư cho ngành Điện.
 
Theo tính toán của anh Hậu, sau khoảng 5- 6 năm anh thu hồi đủ vốn và sau đó anh sẽ thu lời từ khoản đầu tư trên.
 
Còn với chị Cao Thị Vân Anh (Nguyễn Công Trứ, phường Thống Nhất, thành phố Kon Tum) sau khi tìm hiểu thị trường và qua các phương tiện thông tin đại chúng, chị mạnh dạn đầu tư 90 triệu đồng lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái với công suất 5,5kWp.
 
Chị Vân Anh cho hay: Sử dụng nguồn điện này, gia đình chị đã giảm đáng kể chi phí sử dụng điện lưới quốc gia. Trước đây, khi chưa sử dụng điện mặt trời áp mái, gia đình tôi phải chi trả từ 800.000 – 1.200.000 đồng tiền điện mỗi tháng, nhất là vào các tháng nắng nóng thì tiền điện lại tăng “chóng mặt”. Thế nhưng, từ khi sử dụng nguồn điện năng lượng mặt trời áp mái, tiền điện gia đình tôi chi trả cho điện lực chỉ còn 200.000 – 300.000 đồng/tháng. Ngoài ra, mỗi tháng còn được nhận về 500.000 -700.000 đồng từ lượng điện dư phát lên lưới điện. Chưa hết, từ khi lắp hệ thống điện năng lượng mặt trời áp mái còn làm mát mái nhà, giúp nhiệt độ trong nhà giảm trong những đợt nắng nóng vừa qua.
 
Điện mặt trời áp mái đang là xu hướng phát triển năng lượng bền vững được Chính phủ khuyến khích sử dụng. Mặc dù hiện nay giá mua điện mặt trời cao hơn so với giá bán điện bình quân, nhưng xuất phát từ lợi ích chung của xã hội, lợi ích của khách hàng, ngành Điện đã và đang có nhiều hoạt động hỗ trợ, khuyến khích phát triển điện mặt trời áp mái như hỗ trợ công tơ 2 chiều và kết nối hệ thống điện mặt trời với lưới điện; tư vấn, hướng dẫn người dân thực hiện hợp đồng mua bán điện…
 
Ông Đỗ Văn Giáp – Phó Giám đốc Công ty Điện lực Kon Tum cho biết: Ưu điểm của điện mặt trời là nguồn năng lượng tái tạo thân thiện môi trường, không bị cạn kiệt. Việc khai thác, tận dụng nguồn điện này giúp giảm áp lực lên phụ tải lưới điện, tiết kiệm chi phí phát triển đường dây truyền tải. Đặc biệt, việc phát triển điện năng lượng mặt trời không làm ảnh hưởng đến công tác quy hoạch hay kế hoạch sử dụng đất và huy động, khuyến khích được nhiều thành phần trong xã hội tham gia vào đầu tư cung ứng điện.
 
Về phía khách hàng, điện năng lượng mặt trời áp mái là một trong những giải pháp hiệu quả, góp phần giải quyết nhu cầu điện cho sinh hoạt, sản xuất của người dân, giúp tiết kiệm chi phí tiền điện do hạn chế sử dụng nguồn điện lưới quốc gia. Đối với các doanh nghiệp và cơ quan hành chính, lượng điện chủ yếu được sử dụng vào ban ngày, nên lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời áp mái rất hiệu quả. Hơn thế nữa, khách hàng còn được ngành Điện trả tiền mua điện từ hệ thống điện mặt trời phát lên không tiêu thụ hết. Ngoài ra, các gia đình khi lắp pin năng lượng mặt trời trên mái nhà còn có tác dụng hữu hiệu trong việc chống nóng, góp phần giảm bớt điện năng tiêu thụ cho các thiết bị làm mát trong mùa nóng.
 
Theo tính toán của ngành Điện, với mỗi kWp công suất lắp đặt có thể tạo ra được một lượng điện năng từ 4-5kWh mỗi ngày. Với giá mua điện mặt trời áp mái theo quy định hiện tại của Chính phủ là 1.943 đồng/kWh thì nếu khách hàng đầu tư một hệ thống điện mặt trời nối lưới trên mái nhà khoảng từ 3-5kWp, thì sau 6-8 năm sẽ thu hồi lại vốn đầu tư. Sau khoảng thời gian này, khách hàng hoàn toàn được hưởng lợi vì tuổi thọ của hệ thống pin năng lượng mặt trời kéo dài từ 25-30 năm.
 
Hiện nay, tất cả hệ thống điện mặt trời áp mái sau khi lắp đặt, kết nối với lưới điện đều được tích hợp với hệ thống đo đếm hiện đại, giúp khách hàng có thể quản lý, theo dõi sản lượng, công suất phát thông qua các ứng dụng được cài đặt trên smartphone, máy tính có kết nối Internet.
 
Với lợi thế về số ngày nắng trong năm nhiều nên việc lắp đặt, khai thác điện mặt trời áp mái trên địa bàn tỉnh giúp tận dụng được nguồn năng lượng sạch từ tự nhiên, góp phần giảm bớt việc sử dụng nguyên liệu khác để sản xuất điện. Sử dụng điện mặt trời áp mái không chỉ giúp người dân, doanh nghiệp chủ động một phần nguồn điện, hạn chế bớt được sự phụ thuộc vào điện lưới quốc gia mà đây cũng là một hình thức đầu tư thu lợi nhuận về lâu dài.     
 
 
Theo: Báo Kon Tum