Tin thế giới

Điện mặt trời của Trung Quốc đủ cung cấp cho toàn nước Đức

Thứ hai, 31/1/2022 | 09:54 GMT+7
Theo Cơ quan Quản lý Năng lượng Trung Quốc, tổng công suất phát điện mặt trời chỉ tính riêng ở nước này đã đạt 306,56 GW - đủ để cung cấp điện cho toàn nước Đức.
 
Trung Quốc dẫn đầu thế giới về số lượng tấm pin mặt trời trên mái nhà. Ảnh: Shutterstock
 
Tăng trưởng năng lượng tái tạo
 
Trung Quốc dẫn đầu thế giới về số lượng tấm pin mặt trời trên mái nhà. Vào năm 2021, 54,9 GW công suất điện mặt trời đã được sản xuất, trong đó một nửa đến từ các tấm pin mái nhà. Ngoài ra, chỉ trong năm qua, Trung Quốc đã đưa vào vận hành nhiều tuabin gió ngoài khơi hơn bất kỳ quốc gia nào khác đang xây dựng trong vòng 5 năm qua.
 
Trong năm 2021, Trung Quốc đã tăng mức sản xuất năng lượng tái tạo lên mức kỷ lục - Sputnik đưa tin. Công suất phát điện mặt trời tăng 14% so với cùng kỳ năm trước, chiếm hơn 1/3 tổng mức tăng công suất năng lượng vào năm 2021. 
 
Ngoài ra, thêm 47,6 GW điện gió đã được lắp đặt. Mức tăng nhỏ hơn so với năm 2020, khi xây dựng thêm 71,7 GW tuabin gió. Tuy nhiên, 19,9GW là của các tuabin gió ngoài khơi hoặc xa bờ mới lắp đặt. Con số này nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác trong vòng 5 năm qua. Do vậy khối lượng công suất phát điện năng lượng mặt trời và điện gió mới vận hành đạt 102,5 GW vào năm ngoái, bằng khoảng 58% mức tăng tổng công suất phát điện của Trung Quốc năm 2021.
 
Tổng công suất lắp đặt của năng lượng thay thế ở Trung Quốc - từ mặt trời và gió - chiếm khoảng 18% tổng năng lượng của cả nước.
 
Trung Quốc đã đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ đạt mức cao nhất về lượng khí thải CO2 vào khí quyển. Trong cùng thời gian, dự kiến ​​sẽ tăng gấp đôi tổng công suất sản xuất năng lượng mặt trời và gió lên 1.200 GW.
 
Lợi thế cạnh tranh
 
Chính sách của chính phủ và các khoản trợ cấp đã giải thích cho sự tăng trưởng nhanh chóng trong sản xuất điện mặt trời và điện gió ở Trung Quốc - Huang Xiaoyong, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu An ninh Năng lượng Quốc tế thuộc Viện Hàn Lâm Khoa học Xã hội Trung Quốc, nói với Sputnik.
 
Trung Quốc có lợi thế cạnh tranh quan trọng về năng lượng tái tạo so với các nước khác. Thậm chí 15 năm trước, năng lượng mặt trời dường như là một thứ đắt giá đối với những người ủng hộ nhiệt thành cho cuộc chiến vì môi trường. Trong cuộc khủng hoảng năm 2008, để tránh việc nền kinh tế hạ cánh "cứng", chính quyền Trung Quốc đã đầu tư mở rộng năng lực sản xuất, bao gồm cả sản xuất các tấm pin mặt trời. Kết quả là, tình trạng sản xuất thừa mạnh mẽ đã hình thành ở khu vực này. 
 
Khủng hoảng năng lượng
 
Cuộc khủng hoảng năng lượng mà các nước Châu Âu và Trung Quốc phải đối mặt vào mùa thu năm 2021 cho thấy với trình độ phát triển công nghệ hiện nay, năng lượng thay thế không thể đáp ứng nhu cầu tiêu thụ năng lượng và thay thế được hoàn toàn nhiên liệu hóa thạch truyền thống.
 
Vào đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng, Trung Quốc đã phải áp dụng việc phân bổ năng lượng ở nhiều tỉnh thành. Để giải quyết vấn đề, Trung Quốc đã quay sang Nga với yêu cầu tăng cung cấp điện. Từ ngày 1.10, Nga đã tăng gấp đôi sản lượng cung ứng điện, nhưng vẫn không đủ, và vào cuối tháng, Trung Quốc đã chính thức đề xuất tăng gấp đôi nguồn cung. Ngoài ra, trong tháng 1-9 năm ngoái, Nga đã tăng xuất khẩu than sang Trung Quốc lên 77%.
 
Trong quá trình chuyển đổi năng lượng, khí tự nhiên có thể là một giải pháp trung gian tốt. Tiêu thụ khí đốt ở Trung Quốc dự kiến ​​sẽ tăng. Và do đó, Nga đang trở thành đối tác chuyển đổi năng lượng quan trọng nhất của Trung Quốc. 
 
Đường ống dẫn khí đốt "Sức mạnh Siberia" đã đi vào hoạt động, theo đó, ở công suất thiết kế cao nhất, tới năm 2025, sẽ có tới 38 tỉ mét khối khí đốt mỗi năm được cung cấp cho Trung Quốc. 
 
Ngoài ra, một dự án mới cũng đang được phát triển để cung cấp khí đốt thông qua cái gọi là tuyến đường phía Tây qua Mông Cổ. Phần đường ống ở Mông Cổ sẽ dài 960 km và bắt đầu xây dựng vào năm 2024. Công suất thiết kế của đường ống này sẽ là 50 tỉ mét khối khí/năm. 
 
Ngoài khí đốt và dầu mỏ, Nga và Trung Quốc đang phát triển hợp tác năng lượng ở cấp độ công nghệ sâu, điều này trong tương lai sẽ cho phép hai nước đóng góp đáng kể hơn vào cuộc chiến khử carbon. 
 
Vào năm 2019, Nga và Trung Quốc đã ký hợp đồng xây dựng tổ máy điện thứ ba và thứ tư của nhà máy điện nguyên tử Xudapu với các lò phản ứng VVER-1200 của Nga, cũng như hợp đồng cung cấp nhiên liệu hạt nhân. Lô thiết bị đầu tiên của Xudapu đã được Nga chuyển giao cho Trung Quốc vào cuối năm ngoái.
 
Theo: Lao động