Tin trong nước

Điện mặt trời thắp sáng bản xa xôi ở Thanh Hóa

Thứ năm, 14/4/2016 | 09:07 GMT+7
Đầu tháng 4 này, tỉnh Thanh Hóa có sáu thôn thuộc diện vùng sâu vùng xa là Cao Hoong, Kít, Pốn, Thượng Sơn, Eo Điếu (huyện Bá Thước) và Thung (huyện Lang Chánh) được thắp sáng bằng năng lượng mặt trời thông qua một dự án của tổ chức phi chính phủ Pháp GRET. 

Tấm pin năng lượng mặt trời do GRET hỗ trợ.
 
Nhờ ánh sáng điện mặt trời, hàng trăm hộ dân thuộc các thôn kể trên được dùng đèn điện, đèn xách tay cỡ lớn và xạc điện thoại di động.
 
Điều đặc biệt nhất là dự án đã chọn lựa bốn phụ nữ trung niên thuộc dân tộc thiểu số từ các thôn bản nói trên để tham dự khóa học về năng lượng mặt trời kéo dài 6 tháng (tháng 3 đến tháng 9-2015) tại Trường Barefoot ở Tilonia, Ấn Độ. Mục tiêu của dự án là các phụ nữ được lựa chọn gửi đi đào tạo sẽ quay trở lại phục vụ công đồng sau khi kết thúc khóa học. Do vậy, tiêu chí lựa chọn là những phụ nữ trên 40 tuổi đã có gia đình và sinh sống tại các thôn của dự án. Họ không cần biết ngoại ngữ, thậm chí không cần biết đọc, biết viết.
 
Để phù hợp với các tiêu chí này, Trường Barefoot đã thiết kế và thực hiện một chương trình đào tạo rất đặc biệt bỏ qua kiểu dạy học truyền thống nặng về lý thuyết hay chứng chỉ bằng cấp mà tập trung vào cách thức chỉ bảo tận tay, vừa học vừa làm. Cuối khóa học, học viên có thể lắp nối các mạch điện của đèn xách tay, vận hành bộ điều khiển sạc và máy kích điện, lắp ráp các bộ phận, bình ắc quy, đèn điện và bộ điều khiển.
 
Cô Phạm Thị Năm sống tại thôn Thung, một trong bốn học viên được lựa chọn kể lại: “Khi được chọn đi học, tôi vừa mừng vừa lo. Đấy là lần đầu tiên tôi đi nước ngoài và vắng nhà lâu như vậy. Hơn nữa, tôi chả biết gì về điện chứ đừng nói đến năng lượng mặt trời, một khái niệm nghe thật cao siêu khó hiểu. Mấy tuần đầu đối với bốn chị em chúng tôi thật khó khăn: chúng tôi nhớ nhà, tiếng thì không biết, ấy là chưa kể đến việc học toàn những mạch với thiết bị điện. May thay các giảng viên rất sáng tạo và tận tình chỉ bảo. Họ dùng các dải màu để giúp chúng tôi nhận biết, phân biệt các bộ phận”. Giống như mọi người dân bản Thung, cô Năm là người Mường. Cô 48 tuổi và đã có 10 đứa cháu, cả nội lẫn ngoại.
 
Với sự hướng dẫn của cán bộ dự án, thôn Thung đã thành lập Ban năng lượng mặt trời gồm năm thành viên, cô Năm đóng vai trò là kỹ thuật viên trưởng. Cô truyền đạt những gì mình đã học tại Ấn Độ cho bốn thành viên còn lại và bắt đầu đi đến từng nhà để lắp bộ thiết bị năng lượng mặt trời gồm tấm pin mặt trời, bình ắc quy, máy kích điện, đèn xách tay cỡ lớn và bốn ống đèn tuýp. Toàn bộ các trang thiết bị này được dự án nhập khẩu trực tiếp từ Ấn Độ và cung cấp miễn phí cho tất cả các hộ trong thôn. Sau một tuần lắp đặt, toàn bộ thôn đã được thắp sáng bằng điện mặt trời. Thôn cũng lập ra quỹ năng lượng mặt trời để bảo trì duy tu trang thiết bị và mua sắm thay thế các bộ phận khi cần thiết bảo đảm tính bền vững của dự án.
 
Theo ông Nguyễn Hữu Ninh, Trưởng đại diện của GRET Việt Nam, dự án này có ý nghĩa xã hội rất thiết thực. Một mặt, nó mang lại ánh sáng điện sinh hoạt bà con vùng sâu vùng xa. Mặt khác, nó giúp xây dựng năng lực của cộng đồng địa phương, đặc biệt là nâng cao vị thế cho phụ nữ vì họ có cơ hội học và làm những việc vốn mặc định chỉ dành cho đàn ông.
 
Cô Năm cho biết thêm: “Khi thiết bị được đưa tới thôn, tôi cũng ít nhiều lo ngại. Sau 6 tháng về nước, không biết mình còn nhớ được những kiến thức kỹ năng đã học? Mình có lắp được thiết bị không? May mắn là mọi việc đều thuật lợi. Trong quá trình lắp đặt, có một số trục trặc kỹ thuật nhưng tôi và Ban đã xử lý được. Giờ tôi thấy tự tin hơn. Tôi đã nắm bắt được công nghệ mới và có thể dạy lại cho bà con thôn bản”.
 
Hiện nay, có khoảng 150 thôn bản thuộc 10 huyện miền núi của tỉnh Thanh Hóa chưa có lưới điện quốc gia. Điện mặt trời có thể giúp cải thiện sinh kế, đồng thời hạn chế những tác hại tới môi trường do phụ thuộc vào dầu thắp cũng như giảm bớt nguy cơ cháy nổ.
 
Ông Phạm Văn Dũng, trưởng thôn Thung hào hứng chia sẻ kế hoạch kinh tế dài hạn cho thôn: “Điện mặt trời làm thôn bản sáng sủa, ấm cúng hơn hẳn. Việc học hành của trẻ em cũng như các hoạt động buổi tối diễn ra thuận lợi hơn nhiều. Chúng tôi sẽ lập ra các nhóm đan lát, dệt may thổ cẩm cho phụ nữ và đào tạo nghề hàn xì cho thanh niên để giúp bà con trong thôn có thêm thu nhập, ổn định cuộc sống tốt hơn”.
 
Theo: Nhân dân