Đập Theu - Hinboun (Lào)
Tôi (tác giả Keith Barney) đã ở Lào từ năm 2004 đến năm 2006 để khảo sát hiệu quả của các đồn điền trồng cây công nghiệp đối với phương kế sinh nhai của người dân vùng nông thôn Lào. Cùng hợp tác với Trường đại học tổng hợp quốc gia Lào và các sở lâm nghiệp tỉnh, tôi đã chọn một làng quê ở huyện Hinboun làm nơi khảo sát thực địa chủ yếu. Làng này tên là Ban Pak Veng, nằm trong vùng được nhà nước trao quyền quản lý cho Công ty trách nhiệm hữu hạn Rừng Đồn điền Lào (LPFL) BGA-Oji. Ở làng này một thời gian, tôi mới biết được rằng dự án đồn điền chỉ là một phần trong một vấn đề lớn phức tạp hơn nhiều, bởi vì Ban Pak Veng cũng bị ảnh hưởng bởi dự án thủy điện Theun-Hinboun (do Công ty Thuỷ điện Theun-Hinboun của Lào xây dựng và sở hữu).
Đập Theun-Hinboun đã tác động tiêu cực đối với các ngư trường, các vườn cây ven sông, nước ăn, sức khoẻ con người và gia súc trong làng Pak Veng, kể từ khi đập bắt đầu đi vào vận hành hồi năm 1998. Ngoài ra, công trình này còn làm tăng một cách đáng kể hiện tượng ngập lụt dọc theo thung lũng Hinboun trong suốt 6 năm qua. Phạm vi và mức độ nghiêm trọng gia tăng của hiện tượng ngập lụt trên trung và hạ lưu sông Hinboun từ sau năm 2001 rất có thể liên quan chặt chẽ với hiện tượng xói mòi nặng nề xảy ra ở vùng thượng lưu do nước chuyển dòng từ nhà máy thủy điện.
Ngập lụt do Theun-Hinboun đã khiến dân làng Ban Pak Veng không thể trồng trọt được lúa nước, cây lương thực chủ yếu của họ, dọc hai bờ sông Hinboun. Kết quả là họ phải chuyển sang trồng lúa nương trên các cánh rừng bị chặt phá của làng, thông qua trồng luân canh, đốt rẫy làm nương trên vùng đất cao.
Hệ quả của cuộc “di dời đúp” càng nặng nề hơn khi mà, hồi năm 2001, trong quá trình phân bổ đất và rừng quốc gia, 600 ha rừng do làng này quản lý - mà thực tế là những hệ thống hỗn hợp nông lâm nghiệp sản xuất ra lúa gạo và rất nhiều lâm sản quan trọng không phải gỗ - được đánh giá là “bị thoái hoá”. Trong một mâu thuẫn trực tiếp về quyền lợi, cơ sở được quyền sử dụng đất ban đầu - là BGA Forestry, đã bị Oji Paper mua năm 2004 - đã cung cấp kỹ thuật và tài chính để hỗ trợ cho quá trình phân vùng đất và rừng này.
Một khoản đền bù rất khiêm tốn đã được đưa ra cho dân làng Pak Veng để họ nhường lại đất đai, khoảng 1 USD/ha/năm trong thời hạn 50 năm của thoả thuận nhượng đất này. Thông qua các khoản cho vay theo dự án và chương trình của họ, ADB cũng đang giữ quan điểm cho rằng có hàng ngàn hecta “đất-rừng thoái hoá” ở Lào hoang hoá dành cho việc phát triển đồn điền, “ít có giá trị hoặc không có giá trị kinh tế thay thế”. Trên thực tế, nếu như toàn bộ 600 ha đất được khoanh vùng này ở Ban Pak Veng được phát triển thành đồn điền, dân làng sẽ mất tất cả các phần đất nông nghiệp còn lại của họ trên vùng cao và mất quyền khai thác các lâm sản quan trọng. Các tác động này sẽ là sự bần cùng hoá nghiêm trọng và bất công đối với cộng đồng dân cư này, những người đã phải chịu ảnh hưởng của dự án Theun-Hinboun mà không hề được đền bù.
Bản thân người dân trong làng rất rõ trong khi đánh giá về những tác động mà hai công ty này gây ra cho cộng đồng của họ. Trong các cuộc họp làng mà tôi được tham dự, một người đàn ông đã nói: “Chúng tôi có những mảnh đất mầu mỡ để trồng lúa ở làng này, nhưng nếu chúng tôi trồng thì chúng tôi sẽ không thu hoạch được. Ngập lụt nhiều quá. Giờ đây chúng tôi xin được làm thuê cho Oji để kiếm tiền đong gạo. Chúng tôi không thể tiếp tục tồn tại được.”
Nhà máy thủy điện Theun-Hinboun công suất 2x105 MW (Lào)
Một người khác khi bình luận về tình trạng rất đông thanh niên gần đây bỏ làng đi tìm việc ở Thái Lan, bên kia sông Mê Kông, nói thêm: “Nếu mọi việc vẫn tiếp tục theo cách đang diễn ra ở làng này, thì trong vòng vài năm tới, tất cả những người còn trẻ sẽ sang Thái Lan. Chỉ còn người già cả ở lại.”
Các cộng đồng dân cư dễ bị tổn thương ở vùng nông thôn Lào không đáng bị phải chịu cảnh di dời mà không được đền bù và không được giảm thiểu các thiệt hại trong tay các tập đoàn. Họ được quyền tiếp cận các phương án lựa chọn thích hợp, có lợi và tiến bộ cho sự phát triển cộng đồng.
Tình trạng phát triển thủy điện và đồn điền hiện đang diễn ra ở huyện Hinboun, và các tác động của các dự án này đối với cư dân vùng nông thôn nhiều khi rất nghèo và dễ bị tổn thương thật đáng lo ngại gấp bội. Tôi xin đưa ra kết luận thẳng thắn, không cần giấu giếm là, trái ngược với những nghĩa vụ của họ, cả Công ty Thuỷ điện Theun-Hinboun lẫn Oji-LPFL đều không quan tâm một cách tương xứng tới các ảnh hưởng bên ngoài về môi trường ở huyện Hinboun.