Trạm biến áp 500kV Sơn La
Trong định hướng phát triển ngành điện, Đảng, Chính phủ luôn xác định “điện phải đi trước một bước”. Đi trước để tạo nền tảng, tiền đề cho các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế phát triển. Và điều này, một lần nữa được khẳng định trong Quyết định điều chỉnh Quy hoạch Điện VII của Thủ tướng Chính phủ là “Phát triển điện đi trước một bước nhằm cung cấp đủ điện, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu điện cho sinh hoạt của nhân dân”.
Không chỉ đặt mục tiêu đi trước, Quy hoạch Điện VII còn đặt yêu cầu: Sử dụng có hiệu quả nguồn năng lượng sơ cấp trong nước, kết hợp với nhập khẩu điện, nhập khẩu nhiên liệu hợp lý nhằm đa dạng hóa các nguồn năng lượng sơ cấp cho sản xuất điện. Ưu tiên phát triển nguồn điện sử dụng năng lượng tái tạo, tạo đột phá trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, góp phần bảo tồn tài nguyên năng lượng, giảm thiểu tác động tiêu cực tới môi trường trong sản xuất điện. Đồng thời chú trọng phát triển các nguồn điện nhỏ sử dụng năng lượng tái tạo đấu nối với lưới điện phân phối, góp phần giảm tổn thất điện năng.
Cùng với việc phát triển hệ thống nguồn điện, điều chỉnh Quy hoạch Điện VII cũng đặt mục tiêu phát triển đồng bộ nguồn và lưới điện trên cơ sở các nguồn lực và nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội; thực hiện đầu tư cân đối giữa phát triển nguồn điện và nhu cầu điện giữa các vùng, miền trên cơ sở sử dụng hợp lý, có hiệu quả nguồn tài nguyên năng lượng sơ cấp của mỗi vùng, miền. Phát triển lưới truyền tải 220kV, 500kV trong hệ thống điện quốc gia nhằm bảo đảm truyền tải điện từ các trung tâm điện lực tới các trung tâm phụ tải một cách an toàn, tin cậy và kinh tế. Từng bước nâng cao chất lượng điện để cung cấp dịch vụ điện với chất lượng ngày càng cao.
Với những mục tiêu trên, điều chỉnh Quy hoạch Điện VII xác định, trong thời gian tới, ngành điện cần ưu tiên phát triển các nguồn thủy điện, nhất là các dự án lợi tích tổng hợp (chống lũ, cấp nước, sản xuất điện). Nghiên cứu đưa nhà máy thủy điện tích năng vào vận hành phù hợp với phát triển của hệ thống điện quốc gia nhằm nâng cao hiệu quả vận hành của hệ thống điện. Đưa tổng công suất các nguồn thủy điện (bao gồm cả thủy điện nhỏ và vừa, thủy điện tích năng) từ gần 17.000MW hiện nay lên khoảng 21.600MW vào năm 2020, khoảng 24.600MW vào năm 2025 (thủy điện tích năng 1.200MW) và khoảng 27.800MW vào năm 2030 (thủy điện tích năng 2.400MW).
Về năng lượng tái tạo, mục tiêu hướng đến được đề ra là đưa tổng công suất nguồn điện gió từ mức 140MW hiện nay lên khoảng 800MW vào 2020, 2.000MW vào 2025 và 6.000MW vào 2030; đưa tỉ trọng điện sử dụng nguồn năng lượng sinh khối đạt khoảng 1% vào năm 2020, khoảng 1,2% vào năm 2025 và khoảng 2,1% vào năm 2030. Đặc biệt, ngành điện cần đẩy nhanh phát triển nguồn điện sử dụng năng lượng mặt trời, bao gồm cả nguồn tập trung lắp đặt trên mặt đất và nguồn phân tán lắp đặt trên mái nhà. Đặc biệt, phấn đấu đến năm 2028 sẽ đưa tổ máy điện hạt nhân đầu tiên vào vận hành và đến 2030, công suất điện hạt nhân sẽ đạt mức 4.600MW, sản xuất khoảng 32,5 tỉ kWh, chiếm 5,7% sản lượng điện sản xuất...
Tổng nhu cầu vốn đầu tư cho việc phát triển nguồn và lưới điện cho những mục tiêu trên được xác định là 3,2 triệu tỉ đồng, tương đương 148 tỉ USD (không tính các nguồn điện được đầu tư theo hình thức BOT). Trong đó, giai đoạn 2016-2020 cần khoảng 858.660 tỉ đồng, tương đương 40 tỉ USD và giai đoạn 2021-2030 cần khoảng 2.347.989 tỉ đồng, tương đương 108 tỉ USD.
Có thể thấy đây là nhiệm vụ trên là hết sức nặng nề đối với ngành điện, đặc biệt là việc phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng sạch... từ nhiều năm nay dù đã nhận được nhiều chính sách ưu đãi nhưng vẫn rất khó khăn. Giá điện vẫn ở mức thấp, chưa đảm bảo khả năng thu hồi vốn cũng như quản lý vận hành các dự án năng lượng tái tạo. Việc đầu tư vào các dự án nguồn điện vì thế vẫn sẽ đặt nặng lên vai 3 trụ cột năng lượng của nền kinh tế là EVN, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV). Chính vì vậy, vấn đề cấp bách hiện nay đối với ngành điện là phải gỡ được nút thắt về vốn mà cụ thể là cơ chế giá điện.
Điều này cũng được khẳng định trong Quy hoạch Điện VII là phải “thực hiện giá bán điện theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước, bảo đảm kết hợp hài hòa giữa các các mục tiêu chính trị - kinh tế - xã hội của Nhà nước và mục tiêu sản xuất kinh doanh, tự chủ tài chính của các doanh nghiệp ngành điện. Giá bán điện cần kích thích phát triển điện, tạo môi trường thu hút đầu tư và khuyến khích cạnh tranh trong các khâu sản xuất, truyền tải, phân phối, bán lẻ và sử dụng điện. Giá bán điện phải bảo đảm thu hồi được chi phí và mức có lợi nhuận hợp lý (thành phần đầu tư tái sản xuất mở rộng) nhằm bảo đảm các doanh nghiệp ngành điện tự chủ được về tài chính...”.
Nói như vậy để thấy rằng, giá bán điện chính là “nút thắt” quan trọng nhất đảm bảo cho ngành Điện hoàn thành các mục tiêu đề ra trong Quy hoạch Điện VII. Và để giải quyết vấn đề này thì một mình ngành Điện không thể làm được mà cần có sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương, đặc biệt là sự chia sẻ từ phía người dân.