Ông Nguyễn Hoàng Hiệp.
PV: Thưa ông, đợt xả nước đổ ải vụ Đông Xuân năm 2022-2023 có sự khác biệt nào so với những năm trước đây?
Ông Nguyễn Hoàng Hiệp: Vụ Đông Xuân năm 2022-2023, Bộ NN&PTNT chỉ đạo các địa phương chỉ lấy nước hai đợt (các năm trước đây thường lấy 3 đợt). Do đó, ngay từ những ngày đầu của đợt 1, nhiều địa phương đã bắt đầu tập trung lấy nước với nhiều giải pháp khác nhau. Đến thời điểm này, tình hình lấy nước ở một số địa phương là khá tốt như Hà Nam, Phú Thọ… Với tốc độ này, sau đợt một, chúng tôi hy vọng một số địa phương vùng ven biển và trung du có thể đạt bình quân khoảng 70% diện tích; một số địa phương sẽ tập trung vào lấy nước đợt hai.
Trong những ngày tới, các địa phương không nên chỉ trông chờ vào việc xả nước từ hồ Thủy điện Hòa Bình, đặc biệt là những địa phương ở vùng triều nên tranh thủ khi triều lên để lấy nước vào ruộng và tăng cường lấy nước ngược.
Bộ NN&PTNT cũng đã chỉ đạo các địa phương tập trung cấy vào cùng một thời điểm; vận động bà con cùng nhau ra đồng…, có như vậy việc lấy nước mới tập trung và mang lại hiệu quả.
PV: Năm nay mực nước về các hồ thủy điện thấp hơn trung bình nhiều năm điều này có ảnh hưởng gì đến việc xả nước đổ ải không, thưa ông?
Ông Nguyễn Hoàng Hiệp: Những năm qua, EVN phối hợp với Bộ NN&PTNT và các đơn vị trực thuộc bộ thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ về công tác lấy nước đổ ải.
Riêng 2023, mực nước ở hồ Thủy điện Hòa Bình thấp hơn so với cùng kỳ những năm trước. Tuy nhiên, EVN đang thực hiện rất nghiêm túc công tác xả nước phục vụ đổ ải. Trong đợt 1, ngay những ngày đầu tiên, mực nước bình quân đã đạt 1,65m, có thời điểm cao nhất đã đạt 1,90m tại Hà Nội.
Thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp chặt chẽ với EVN để cố gắng tiết kiệm nhất có thể lượng nước xả, vừa đảm bảo vừa phục vụ sản xuất của bà con vừa phục vụ việc phát điện, vì mục tiêu phát triển chung của đất nước.
Dự kiến, nếu thực hiện tốt, vụ đổ ải năm nay có thể tiết kiệm được khoảng từ 1,5-2 tỷ m3.
PV: Ông có khuyến cáo gì tới chính quyền các địa phương cũng như người dân trong việc lấy nước, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả?
Ông Nguyễn Hoàng Hiệp: Để lấy nước hiệu quả có 2 yếu tố. Thứ nhất, phải thực hiện đúng các chỉ đạo của Bộ NN&PTNT, các cam kết của địa phương. Trước khi lấy nước, phải chuẩn bị đầy đủ các khu tích nước, nạo vét kênh mương.
Thứ 2, đối với các địa phương vùng ven sông, ven triều…, cần tăng cường lấy nước ngược từ sông, để không phụ thuộc quá nhiều vào việc xả nước từ Thủy điện Hòa Bình.
Còn để sử dụng nước hiệu quả, Bộ NN&PTN đã chỉ đạo các thay đổi tập quán sản xuất. Thứ nhất, bà con ở khu vực Đồng bằng sông Hồng nên tổ chức xuống đồng cùng một thời điểm, bởi nếu rải vụ thời gian dài thì việc đảm bảo nước là rất khó. Về vấn đề này, hiện các địa phương đang thực hiện tốt.
Bên cạnh đó, cần phải ứng dụng khoa học kỹ thuật vào hoạt động sản xuất nông nghiệp như các cánh đồng mẫu lớn, cơ giới hóa… vừa nâng cao giá trị sản xuất, giảm sức lao động nhưng mà quan trọng hơn nữa là cũng hỗ trợ cho việc lấy nước tốt hơn.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Thời gian lấy nước vụ Đông Xuân năm 2022-2023 gồm 2 đợt, tổng cộng 12 ngày.
+ Đợt 1 từ 0h ngày 6/1 - 24h ngày 9/1 (4 ngày);
+ Đợt 2 từ 0h ngày 1/2 - 24h ngày 8/2 (8 ngày).
|