Quản lý năng lượng

Dồn dập đón dự án năng lượng tái tạo nghìn tỷ

Thứ năm, 8/6/2017 | 09:25 GMT+7
Số lượng dự án nhà máy năng lượng tái tạo có tổng mức đầu tư phổ biến khoảng 1.200-1.400 tỷ đồng không ngừng tăng lên.
 
Mục tiêu tổng công suất điện gió và điện mặt trời đến năm 2030 lần lượt đạt 6.000 MW và 12.000 MW.
 
Mới đây, UBND tỉnh Bình Thuận đã trao quyết định và tiếp nhận cam kết đầu tư vào mảng năng lượng tái tạo của 20 doanh nghiệp nhằm đa dạng hóa hình thức sản xuất năng lượng, từng bước thực hiện mục tiêu trở thành trung tâm năng lượng lớn của cả nước trong vài năm tới. 
 
Nổi bật trong số này là bản cam kết xây dựng 3 nhà máy sản xuất điện gió và điện mặt trời của Tập đoàn Đức Long Gia Lai với tổng vốn đầu tư gần 13.800 tỷ đồng. Riêng dự án lớn nhất với công suất thiết kế 200MW đặt tại TP. Phan Thiết ước tính lên đến 6.000 tỷ đồng. Ban lãnh đạo doanh nghiệp này cho biết, đây chỉ là bước đầu tiên của chiến lược rót khoảng 30.000 tỷ đồng vào các dự án năng lượng tái tạo kết hợp du lịch, giai đoạn từ nay đến năm 2020. 
 
Trước đó, Tổng công ty Phát điện 3 cũng đề xuất UBND tỉnh Ninh Thuận đăng ký đầu tư dự án điện năng lượng mặt trời với công suất lắp đặt phát điện dự kiến 350MW. Tổng mức đầu tư dự án này khoảng 9.576 tỷ đồng, dự kiến triển khai từ giữa 2018 đến đầu năm 2021. 
 
Hiện Bình Thuận và Ninh Thuận là hai địa phương dẫn đầu cả nước trong thu hút đầu tư năng lượng tái tạo nhờ phần lớn diện tích có cường độ bức xạ nhiệt trung bình khoảng 5 kWh/1m2, ít mưa và số giờ nắng luôn duy trì ở mức lý tưởng.
 
Dù điều kiện tự nhiên không thuận lợi bằng, nhưng một số địa phương lân cận như Khánh Hoà, Quảng Trị, Bình Định… cũng thu hút nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước cam kết rót vốn. Cách đây không lâu, UBND tỉnh Khánh Hoà đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho hai dự án năng lượng mặt trời do Tổng công ty Điện lực miền Trung và một doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh làm chủ đầu tư, ước tính tổng vốn trên 4.300 tỷ đồng. 
 
Mới đây nhất, Công ty Fujiwara (Nhật Bản) cũng nhận được giấy phép đầu tư dự án nhà máy điện mặt trời và điện gió tại Bình Định với tổng vốn tương đương 1.446 tỷ đồng. Theo tiến độ đăng ký đầu tư, dự án sẽ triển khai ngay trong năm nay và dự kiến hoàn thành giai đoạn đầu vào quý I/2019. 
 
Thời gian gần đây, ngày càng nhiều doanh nghiệp ngoài ngành cũng không giấu tham vọng lấn sân vào mảng năng lượng tái tạo. Ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bamboo Capital cho biết, doanh nghiệp này dự kiến huy động nguồn vốn 300 triệu USD thông qua phát hành trái phiếu, chứng quyền với quyền mua cổ phần nắm giữ giai đoạn từ năm 2017-2020. Trong đó, khoảng 100 triệu USD sẽ rót vào các dự án năng lượng tái tạo.
 
Theo tờ trình kế hoạch hoạt động trong năm nay, công ty sẽ thúc đẩy thủ tục để triển khai xây dựng nhà máy điện năng lượng mặt trời có công suất thiết kế 140 MW tại tỉnh Long An. Bên cạnh đó, công ty đang xin chủ trương đầu tư dự án điện mặt trời tại hồ Phú Ninh (Quảng Nam) và Ninh Thuận, đồng thời tận dụng lợi thế quan hệ quốc tế nhằm thu hút nguồn vốn và kinh nghiệm từ các nhà đầu tư nước ngoài.
 
“Chúng tôi dự kiến năm 2018 sẽ chính thức bán điện và ghi nhận doanh thu từ mảng năng lượng. Đến năm 2020, mảng kinh doanh này được vận hành hiệu quả sẽ mang lại bước đột phá lớn về nguồn thu cho công ty”, ông Hùng chia sẻ. 
 
Ông Nguyễn Anh Tuấn - Giám đốc Trung tâm Năng lượng tái tạo (Viện Năng lượng) lý giải việc doanh nghiệp đua nhau lập kế hoạch, cam kết đầu tư và trực tiếp đầu tư vào năng lượng tái tạo xuất phát từ nhiều yếu tố. Trước hết là do nhu cầu năng lượng tăng cao, trong khi nguồn cung từ nhiên liệu hoá thạch ngày càng đắt đỏ và cạn kiệt. 
 
Bên cạnh đó, công nghệ bước vào giai đoạn chín muồi giúp doanh nghiệp tiếp cận dễ hơn, đồng thời thu hẹp chênh lệch chi phí năng lượng quy dẫn (LCOE) so với nhiệt điện. Cách đây vài năm, chi phí sản xuất điện gió khoảng 3.500 đồng một kWh thì nay giảm xuống còn 2.200-2.500 đồng.
 
“Cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời vừa được ban hành hồi tháng 4 năm nay cũng phần nào tác động đến quyết định đầu tư của doanh nghiệp. Hiện giá mua điện tại điểm giao nhận điện nâng lên 2.086 đồng (tương đương 9,35 cent một kWh). Ngoài ra, chủ đầu tư còn được hưởng nhiều ưu đãi thuế suất như miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định, miễn giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, tiền thuê mặt nước tại vị trí công trình, đường dây, trạm biến áp đấu nối với lưới điện”, ông Tuấn nói và dự đoán trong tương lai ngắn hạn, nhiều khả năng Chính phủ cũng sẽ cân nhắc việc tăng giá điện gió để hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy đầu tư nhằm hoàn thành mục tiêu tổng công suất 6.000 MW vào năm 2030. 
Báo Công thương