Doanh nghiệp linh hoạt trước tác động của biến đổi khí hậu

Thứ tư, 19/8/2020 | 15:34 GMT+7
Điện mặt trời áp mái nhà được xem là một trong những hướng đi mới, tại Hà Tĩnh nhiều doanh nghiệp đã không ngại áp dụng trong tình hình biến đổi khí hậu đang diễn ra mạnh mẽ. 
 

 
Đầu năm 2020, với chi phí đầu tư 2,6 tỷ đồng, Hợp Tác xã Môi trường và Thương mại tổng hợp Đức Bồng đã tiến hành lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái nhà tại đình chợ Bộng (địa chỉ ở xã Đức Bồng, huyện Vũ Quang, Hà Tinh). Với 468 tấm pin năng lượng mặt trời, thông qua bộ chuyển đổi nguồn Inverter sẽ chuyển hóa từ điện 1 chiều sang điện xoay chiều và hòa vào lưới điện hệ thống. Khi sử dụng, nếu công suất pin điện mặt trời thiếu thì đơn vị sẽ mua thêm điện của ngành điện, còn nếu thừa sẽ bán điện trở lại cho ngành điện.
 
Ông Nguyễn Ngọc Long- Chủ nhiệm HTX Môi trường và Thương mại tổng hợp Đức Bồng (đơn vị được giao tổ chức, quản lý hoạt động chợ Bộng) chia sẻ: “Ưu điểm của công nghệ mới này là càng nắng nóng thì càng thu được nhiều điện. Với số tiền đầu tư như đơn vị đang triển khai, trừ chi phí sử dụng, ngày cao điểm còn thu về 2-3 triệu đồng/ngày…”.
 
“Tính những tháng nắng nóng, bình quân HTX Môi trường và Thương mại tổng hợp Đức Bồng thu được khoảng 60-70 triệu đồng/ tháng điện năng lượng mặt trời. So với nguồn thu nhỏ lẻ từ hoạt động buôn bán ở chợ để thấy rất hiệu quả, đặc biệt, với đặc thù ở huyện miền núi, xu hướng nền nhiệt tăng cao thì đây là một ưu điểm để thích nghi”.
 
Được biết, trong vòng một năm trở lại nay, trên địa bàn huyện Vũ Quang cũng đã có rất nhiều doanh nghiệp nhận ra cơ hội để phát triển kinh tế trước biến đổi khí hậu, đầu tư vào nguồn năng lượng điện mặt trời. Ông Nguyên Trọng Nghĩa- Quyền Trưởng Phòng TN&MT huyện Vũ Quang cho biết: “Các chủ trang trại chăn nuôi có quy mô lớn trên địa bàn đã bắt đầu nắm bắt được cơ hội này, trong số đó có những trường hợp đã triển khai, áp dụng”.
 
Theo báo cáo của Sở TN&MT Hà Tĩnh, tình trạng nắng nóng tại Hà Tĩnh trong vòng 20 năm trở lại đây đang có chiều hướng gia tăng. Nắng nóng gay gắt kéo dài, nhiệt độ phổ biến từ 36 – 40 độ C, có thời điểm vượt ngưỡng 40 độ C. Trong khi đó, lượng mưa lại có xu hướng giảm rõ rệt, mưa có sự biến động lớn cả không gian và thời gian xuất hiện cũng như cường độ, hiện tượng mưa dầm trong vài thập kỷ gần đây ít khi xuất hiện hơn, mùa mưa thường xuất hiện muộn và kết thúc sớm.
 
Trong điều kiện nắng nóng bất thường, nhiệt độ gia tăng như hiện nay thì việc sử dụng công nghệ năng lượng điện mặt trời là một phương án phù hợp với mọi đối tượng khách hàng, nhất là những khách hàng lớn như doanh nghiệp, đơn vị sản xuất trong tiết kiệm chi phí. Được biết, ngoài huyện Vũ Quang, một số địa phương khác tại Hà Tĩnh như Cẩm uyên, Can Lộc, TX Kỳ Anh… cũng đã có nhiều doanh nghiệp linh hoạt khai thác nguồn năng lượng mặt trời.
 
Theo ông Lê Đức Thắng- Chủ tịch Hội doanh nghiệp Hà Tĩnh chia sẽ: Thích ứng biến đổi khí hậu dựa vào nguồn năng lượng điện mặt trời là một cách tiếp cận mới mẻ, tuy nhiên, thời gian qua một số doanh nghiệp trên địa bàn Hà Tĩnh đã rất linh hoạt áp dụng và đem lại hiệu quả kinh tế xã hội như Tập đoàn Hoành Sơn đưa Nhà máy điện mặt trời Cẩm Hòa vào khai thác với công suất 50 MWp…
 
“Việc lồng ghép chiến lược thích ứng biến đổi khí hậu trong phát triển kinh tế, các doanh nghiệp cần có những giải pháp lâu dài, đảm bảo môi trường. Thời gian tới Hội sẽ lấy ý kiến cộng đồng doanh nghiệp tại Hà Tĩnh tổ chức các cuộc hội thảo để nâng cao kiến thức trước diễn biến của biến đổi khí hậu, qua đó doanh nghiệp có bước đi hiệu quả hơn...”, ông Thắng nói.
Theo: TN&MT