Sự kiện

Đổi thay ở Buôn Ja Wầm

Thứ năm, 30/8/2012 | 10:00 GMT+7
Buôn Ja Wầm thực sự đổi thay từ ngày có điện. Điện đi trước một bước góp phần xua đi tăm tối, lạc hậu và nâng cao dân trí. Cùng với đường giao thông, điện là cầu nối rút ngắn khoảng cách quá chênh lệch giữa miền núi và miền xuôi, mở rộng giao lưu kinh tế để cuộc sống người dân miền núi vùng sâu, vùng xa này không ngừng được nâng lên.
 
 

Buôn Ja Wầm thuộc xã EaKiết, huyện CưM’gar, tỉnh Đắk Lắk, cách thành phố Buôn Ma Thuột 50 km về phía tây bắc. Chỉ nghe cái tên thôi cũng thấy xa xôi và cách trở. Đường đến Buôn Ja Wầm đi qua rừng nguyên sinh Epôk rộng lớn với nhiều loại cây quý hiếm như lim, sến, tếch, trắc, gụ. Mỗi cây có một tấm biển ghi tên loại cây, năm tuổi. Rừng nguyên sinh Epốk nằm trên khu đất bằng phẳng không chỉ quý hiếm ở tài sản vốn có mà còn là nơi có cảnh quan đẹp, bảo tồn tốt môi trường sinh thái. Dọc hai bên đường đến Buôn Ja Wầm là những cánh rừng cao su bạt ngàn. Có những cánh rừng cao su mới trồng nhưng cũng có những cánh rừng cao su già - nơi tập kết xe tăng, bộ binh của ta làm nên trận mở màn chiến lược, giải phóng Buôn Ma Thuột tháng 3 năm 1975…

Thực hiện chủ trương đưa điện về các buôn làng xa xôi, hơn 14 năm trước, Ban Quản lý dự án lưới điện được Công ty Điện lực 3 (nay là Tổng Công ty Điện lực miền Trung) giao quản lý đầu tư xây dựng dự án: Đường dây 35 kV Cư M’gar – Buôn Ja Wầm dài 20,5 km và các TBA với tổng công suất 2.960 kVA. Ngày ấy, khi đến đây công tác tôi có viết bài “Đưa điện về Buôn Ja Wầm” đăng trên Báo Nhân Dân ngày 30/3/1998. Hơn 14 năm, tôi mới có dịp trở lại. Ấn tượng đầu tiên của tôi là đường giao thông tốt hơn rất nhiều. Trước đây đường khúc khuỷu, gập ghềnh, bụi mù mịt nay được nâng cấp, thảm nhựa đi lại rất thuận lợi. Tiếp đến là đường điện dọc ngang khắp buôn làng cùng nhiều nhà được xây dựng mới, khang trang…

Ông Nguyễn Tuấn Anh, chủ tịch UBND xã Ea Kiết cho biết: Toàn xã có 13 thôn buôn, 1.900 hộ. Kinh tế của người dân chủ yếu trồng cây cà phê, cao su, hồ tiêu. 100 % các hộ đều sử dụng điện không chỉ cho sinh hoạt, đời sống mà còn dùng bơm tưới. Hầu hết các hộ đã mua sắm ti vi và các thiết bị dùng điện khác. Từ ngày có điện đời sống vật chất, văn hóa của nhân dân không ngừng nâng lên, thực sự đổi thay và thoát nghèo. Trước đây Ea Kiết là xã thuộc vùng 3 đặc biệt khó khăn. Từ năm 2008 xã đã thoát khỏi vùng 3. Qua ti vi và các phương tiện truyền thông, người dân học hỏi cách làm ăn hay của các vùng miền để áp dụng, mong muốn cuộc sống tốt đẹp hơn…

 


Đường đến Buôn Ja Wầm

Ngoài việc đáp ứng tốt nhu cầu về điện phục vụ sinh hoạt, đời sống của nhân dân tại xã EaKiết, điện còn đáp ứng tốt nhu cầu sản xuất, chế biến, dịch vụ như: Nhà máy chế biến phân vi sinh; Nhà máy chế biến tinh bột sắn; Nhà máy chế biến mủ cao su, cà phê; Nhà máy sản xuất đá, các cơ sở gò hàn...Tôi ngắm nhìn không chán mắt cảnh người dân dùng điện để bơm tưới, đưa nước từ độ sâu vài chục mét lên tưới những vườn cà phê, cao su trải rộng. Khi chưa có điện, người dân ở đây dùng máy diezen để bơm tưới. Những nơi ở xa nguồn nước phải dùng cùng lúc nhiều máy để bơm trung chuyển. Dùng nhiều máy đầu tư lớn, máy móc hư hỏng, tốn nhiều dầu, giá thành cao, hiệu quả thấp. Dùng điện đưa thẳng nguồn nước từ giếng sâu, từ sông suối, ao hồ để bơm tưới cho cây cà phê, cao su nhanh, kinh tế và tiện lợi.
 
Tạp chí Công nghiệp