Sự kiện

An toàn hồ đập phải đưa lên hàng đầu

Thứ hai, 13/8/2012 | 08:39 GMT+7
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, hiện cả nước có 1.097 dự án thủy điện đã được phê duyệt với tổng công suất phát điện trên 24.000 MW, trong đó đã đưa vào vận hành 51 dự án có công suất từ 30MW - 2400MW và 151 dự án có công suất <30MW, chiếm 1/3 tổng công suất đặt của hệ thống điện Việt Nam.

Bên cạnh những đóng góp đáng kể vào việc cung ứng điện cho đất nước, vấn đề an toàn hồ đập thủy điện cũng đang  được dư luận đặc biệt quan tâm, nhất là việc tích nước và xả lũ vào thời điểm xảy ra bão lũ.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho biết, nhiều năm qua, việc quản lý an toàn đập chưa được quan tâm đúng mức. Từ năm 2010, sau khi Bộ Công Thương ban hành Thông tư quy định về quản lý an toàn đập của công trình thủy điện, công tác này đã có chuyển biến nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. Nhiều đập và hồ chứa thủy điện đang tiềm ẩn những rủi ro cho vùng hạ du do thiếu phương án phòng chống lũ lụt hoặc không báo cáo quy trình vận hành hồ chứa. Cụ thể, trong số 51 dự án có công suất >30MW , chỉ có 45/51 dự án đăng ký an toàn đập, 29/51 dự án báo cáo hiện trạng an toàn đập, 43/51 dự án thực hiện quan trắc đập, 33/51dự án có phương án bảo vệ đập, 42/51 dự án có phương án phòng chống lụt bão bảo đảm an toàn đập, 8/51 dự án có phương án phòng chống lũ lụt cho hạ du đập, 42/51 dự án có quy chế phối hợp với địa phương.

Với các dự án công suất nhỏ, tỷ lệ vi phạm còn lớn hơn. Trong số 151 dự án <30MW, chỉ có 63/151 dự án có quy trình vận hành hồ chứa, 32/151 dự án có đăng ký an toàn đập, 19/151 dự án có báo cáo hiện trạng an toàn đập, 18/151 dự án có quan trắc đập, 16/151 dự án có phương án bảo vệ đập, 18/151 dự án có phương án phòng chống lụt bão bảo đảm an toàn đập, 20/151 dự án có phương án phòng chống lũ lụt cho hạ du đập.

Đặc biệt, trong tổng số 66 dự án đã đến kỳ phải kiểm định an toàn đập, hiện chỉ có 15/66 đập đã kiểm định, 5/66 đập đang kiểm định còn 46/66 đập chưa kiểm định.

Theo Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng, nếu không thực hiện tốt công tác quản lý vận hành an toàn đập và hồ chứa thì sẽ rất nguy hiểm.

Về nguyên nhân của tình trạng vi phạm, các chuyên gia cho rằng, bên cạnh sự chủ quan, thiếu trách nhiệm của các chủ đập còn có sự thiếu kiến thức chuyên môn của các cơ quan chức năng dẫn đến tình trạng quản lý giám sát thiếu chặt chẽ khiến cho tình trạng vi phạm an toàn đập và hồ chưa thường xuyên diễn ra. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến những sự cố mất an toàn trong mưa bão.

Theo ông Cao Anh Dũng- Phó Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và môi trường công nghiệp, muốn  nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý an toàn đập thủy điện, trước hết, các Sở Công Thương là cơ quan quản lý nhà nước tại các địa phương phải nắm chắc các quy định của pháp luật về quản lý an toàn đập thủy điện. Vì vậy, Bộ Công Thương giao Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp có nhiệm vụ tổ chức những  hội nghị tập huấn cho cán bộ của các Sở Công Thương về công tác quản lý an toàn đập thủy điện, kỹ năng kiểm tra việc thực hiện các quy định của chủ đập về an toàn đập. Trong đó chú trọng đến các nội dung như: đăng ký, báo cáo hiện trạng an toàn đập, quan trắc đập, kiểm định an toàn đập, bảo đảm an toàn đập và vùng hạ du đập… để nâng cao chất lượng và hiệu quả về công tác quản lý an toàn đập thủy điện...

Tại Hội nghị tập huấn về công tác quản lý an toàn đập thủy điện do Bộ Công Thương tổ chức ngày 8/8 vừa qua tại Đà Nẵng, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng đã giao nhiệm vụ cho các Sở Công thương tiến hành kiểm tra việc thực hiện các quy định về quản lý an toàn đập thủy điện khắp cả nước. Những hồ chứa thật sự thiếu an toàn, kiên quyết không tích nước ở mức cao. Đối với các hồ chứa loại vừa và lớn có khả năng thiếu an toàn khi gặp mưa lớn, phải làm thêm đập tràn sự cố, tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra, phát hiện sớm sự cố hư hỏng và có phương án chủ động sơ tán dân vùng hạ lưu khi cần thiết. Các hồ chứa thủy điện xây dựng theo kiểu bậc thang trên các dòng sông cần có phương án xả lũ, điều tiết liên hồ hợp lý, tránh tình trạng vỡ đập dây chuyền gây thảm họa ở vùng hạ lưu.

Thứ trưởng cũng giao EVN chỉ đạo các chủ hồ thủy điện xây dựng quy chế phối hợp vận hành hồ, xả lũ theo quy trình được duyệt, góp phần cắt giảm lũ cho hạ du. Đánh giá tình trạng an toàn hồ, đập để xếp thứ tự ưu tiên sửa chữa, nâng cấp các hạng mục công trình, đảm bảo phòng, chống lũ an toàn trong mùa mưa bão năm 2012. Tăng cường phối hợp với chính quyền, Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão địa phương để thực hiện và giám sát tốt công tác vận hành xả lũ, phòng chống lụt, bão và thiên tai. Thực hiện nghiêm việc cung cấp thông tin liên quan đến hồ chứa theo quy định cũng như công tác tuyên truyền phòng chống lũ lụt, thông báo xả lũ tới các vùng hạ du.
 
Báo Công Thương Online