Ðiện được kéo về vùng đồng bào dân tộc Khmer ở Sóc Trăng.
Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, một số vùng, một bộ phận dân cư còn gặp nhiều khó khăn trong phát triển sản xuất và đời sống. Thực hiện chủ trương, chính sách của Ðảng và Nhà nước về công tác an sinh xã hội cho đồng bào nghèo, vùng ÐBSCL đã có nhiều mô hình hoạt động hiệu quả, góp phần giúp đồng bào nghèo có nhiều cơ hội vươn lên.
Cần có giải pháp thích hợp, thực hiện đồng bộ
Chúng tôi về Sóc Trăng, tỉnh có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống. Nhiều năm qua, các cấp ủy Ðảng, chính quyền, đoàn thể ở Sóc Trăng luôn quan tâm cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số. Công tác xóa đói, giảm nghèo được đặt lên hàng đầu và dần trở thành việc làm thường xuyên của tất cả mọi người. Phương châm của Sóc Trăng là coi trọng việc đưa ra được giải pháp thích hợp, đi đôi với khai thác tiềm năng và huy động mọi nguồn lực sẵn có tại chỗ, đồng thời tạo được cơ chế phù hợp là động lực phát triển. Từ đó, chỉ đạo việc phối hợp giữa các ngành, các cấp từ tỉnh đến cơ sở chặt chẽ, đồng bộ để xây dựng kế hoạch cụ thể, và tổ chức điều hành quản lý thống nhất đối với từng mục tiêu, chính sách, dự án khi thực hiện.
Có thể thấy những mặt mạnh của Sóc Trăng trong công tác an sinh xã hội những năm qua là: Khi triển khai thực hiện, các cấp ủy Ðảng, chính quyền địa phương đã nhận rõ vai trò, tầm quan trọng của mục tiêu giảm nghèo trong chiến lược phát triển kinh tế của tỉnh. Qua đó đã cụ thể thành chương trình, nghị quyết và đề ra kế hoạch thực hiện đồng bộ ở nhiều đơn vị. 10 năm qua, Sóc Trăng đã triển khai rất nhiều chương trình, dự án về an sinh xã hội. Bên cạnh 15 chương trình mục tiêu quốc gia còn hơn 40 chương trình, dự án ưu đãi phục vụ cho hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách... với tổng số tiền gần 3.000 tỷ đồng. Chỉ tính riêng Chương trình 135, trong hơn 10 năm thực hiện, Nhà nước đã đầu tư hơn 525 tỷ đồng, để nâng cấp, làm mới hàng trăm công trình giao thông với chiều dài hơn 600 km; nạo vét và làm mới các công trình thủy lợi, công trình trường học, trạm y tế, nhà văn hóa, công trình điện sinh hoạt và nhiều công trình khác. Cùng với đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, các chính sách về nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt được triển khai nhanh, mạnh; các chương trình, dự án hướng dẫn người nghèo cách làm ăn và khuyến nông, khuyến ngư, các mô hình sản xuất có hiệu quả được nhân rộng... đã tạo điều kiện cho người nghèo vươn lên. Năm 2001, toàn tỉnh có 74.156 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 30,75%, đến 2010 giảm còn 8,26% (tương đương 24,31% theo tiêu chí 2010). Việc triển khai các chính sách như bảo hiểm y tế đã tạo cơ hội cho hộ nghèo, người nghèo có điều kiện tiếp cận các dịch vụ y tế, bà con nghèo vùng sâu, vùng xa có điều kiện khám, chữa bệnh tốt hơn. Chính sách về giáo dục giúp con em hộ nghèo có điều kiện để đi học, nâng cao dân trí cho bản thân và từ đó nâng cao dân trí cho cộng đồng, xã hội.
Về xã Thới An Hội, huyện Kế Sách, chúng tôi vui lây với nhiều hộ nghèo nơi đây, vì các hộ không chỉ được hỗ trợ nhà ở mà còn được Nhà nước kéo điện đến tận nơi sử dụng. Mọi người trong xã nghe chúng tôi hỏi chuyện đều cảm ơn Ðảng và Nhà nước. Từ khi có điện, bà con trong xã đã mua mô-tơ điện về bơm nước tưới cho vườn cây ăn trái. Công việc làm rẫy đỡ phần cực nhọc... "Dự án cung cấp điện cho các hộ dân chưa có điện, chủ yếu là đồng bào Khmer tỉnh Sóc Trăng" sẽ kết thúc vào cuối năm nay. Lúc ấy có thêm hơn 20 nghìn hộ có điện sử dụng, sẽ nâng tỷ lệ hộ Khmer có điện từ 67,2% tăng lên 93,3%.
Sử dụng hiệu quả Quỹ an sinh xã hội
Bên cạnh việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Ðảng và Nhà nước về công tác an sinh xã hội, đầu tháng 7-2009, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh ra quyết định thành lập Ban điều hành Quỹ an sinh xã hội của tỉnh. Theo đó, Ban sẽ kết hợp các sở, ban, ngành trong tỉnh và các huyện, thị xã đẩy mạnh cuộc vận động "Ngày vì an sinh xã hội" được các tổ chức và cá nhân trong và ngoài tỉnh nhiệt tình ủng hộ, góp phần thực hiện tốt hơn việc chăm lo các đối tượng chính sách, gia đình có công với nước, hộ nghèo, hộ cận nghèo gặp hoàn cảnh khó khăn từng bước vươn lên có cuộc sống tốt hơn. Qua gần ba năm vận động, đã có 613 tổ chức và cá nhân đăng ký ủng hộ Quỹ an sinh xã hội số tiền gần 170 tỷ đồng. Trong đó, đăng ký ủng hộ bằng xây dựng các công trình an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh hơn 98 tỷ đồng.
Người Việt Nam ta luôn giàu lòng nhân ái, việc "nhường cơm sẻ áo", "lá lành đùm lá rách"... đã trở thành truyền thống tốt đẹp từ bao đời nay. Vì vậy, việc vận động các nhà hảo tâm đóng góp vào Quỹ an sinh xã hội không còn là trở ngại lớn. Nhưng theo Ban điều hành Quỹ an sinh xã hội tỉnh thì việc sử dụng Quỹ sao cho thật hiệu quả mới là điều quan trọng. Trên tinh thần đó, trong cuộc vận động gây Quỹ an sinh xã hội của tỉnh, Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam đăng ký ủng hộ 20 tỷ đồng và chỉ định dùng để xây dựng 1.000 căn nhà tình nghĩa, tình thương tặng những hộ đang gặp khó khăn về nhà ở. Bằng sự phối hợp nhịp nhàng giữa ngân hàng và ban điều hành quỹ, chưa đầy một năm, từ việc bình chọn đối tượng, lập hồ sơ thiết kế, xây dựng... 1.000 căn nhà đã hoàn thành đáp ứng được các yêu cầu về thẩm mỹ và chất lượng. Trong buổi lễ bàn giao, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam xúc động và phấn khởi vì số tiền ít ỏi trích ra từ nguồn quỹ phúc lợi của tập thể cán bộ ngân hàng đã thật sự trở thành niềm vui lớn của hàng nghìn người nghèo đang được sống trong những ngôi nhà mới; và cũng ngay buổi lễ trao tặng nhà mới, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam quyết định ủng hộ thêm 20 tỷ đồng để xây thêm 1.000 ngôi nhà giúp đồng bào nghèo trong tỉnh. Hàng chục công trình đầu tư trực tiếp của các đơn vị, cá nhân thông qua cuộc vận động Quỹ an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh đều tăng vốn so dự kiến ban đầu và được triển khai nhanh chóng, hiệu quả, sớm đưa vào sử dụng đã góp phần giải quyết tốt vấn đề an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh. Tính đến nay, tổng số tiền đầu tư trực tiếp bằng công trình đã là hơn 130 tỷ đồng, đạt 132% so đăng ký ban đầu.