Sự kiện

Tăng giám sát để đảm bảo thị trường điện minh bạch

Thứ năm, 9/8/2012 | 08:36 GMT+7
Mặc dù đạt được mục tiêu đề ra là thu hút được đông đảo các nhà máy phát điện tham gia cạnh tranh chào giá nhưng sau hơn một tháng vận hành, thị trường phát điện cạnh tranh cũng bộc lộ một số vướng mắc cần sớm giải quyết để đảm bảo minh bạch cũng như nâng cao tính cạnh tranh.
 

Xung quanh vấn đề này, phóng viên chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn với ông Đinh Thế Phúc, Phó Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực thuộc Bộ Công Thương.

- Xin ông đánh giá kết quả đạt được sau hơn một tháng vận hành thị trường phát điện cạnh tranh?

Ông Đinh Thế Phúc, Phó Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực - Bộ Công Thương
Ông Đinh Thế Phúc: Tính đến ngày 31/7 vừa qua, thị trường phát điện cạnh tranh đã thu hút được sự tham gia của 32 nhà máy với tổng công suất khoảng 9.300MW, chiếm gần 39% công suất đặt toàn hệ thống. Đây là các nhà máy thủy điện, nhiệt điện than, tuabin khí thuộc sở hữu của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN), Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) và một số doanh nghiệp khác. Như vậy, ở cấp đầu tiên trong ba cấp độ thị trường điện theo Quyết định 26 của Thủ tướng Chính phủ, thị trường phát điện cạnh tranh đã có nhiều đơn vị cạnh tranh chào giá để được bán điện trên thị trường, tức là đã có cạnh tranh trong khâu phát điện.

Theo quan điểm của Cục Điều tiết Điện lực, việc cạnh tranh phát điện trong thị trường điện là rõ ràng, minh bạch; trong đó, các nhà máy điện được huy động theo giá chào trên thị trường: Nhà máy chào giá thấp được huy động (phát điện) trước các nhà máy chào giá cao cho đến khi đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng điện. Bên cạnh đó, cơ chế huy động các nhà máy hoàn toàn dựa trên giá do tự các nhà máy chào bán trên thị trường nên đã tạo động lực cho các nhà máy giảm chi phí, nâng cao hiệu quả, tích cực để đưa tổ máy sớm vào vận hành sau sửa chữa, sự cố.

Ngoài ra, theo quy định các nhà máy có thể chào các giá khác nhau trong một ngày cũng như theo mùa, nguồn nhiên liệu sơ cấp được sử dung tối ưu hơn. Cụ thể, vào mùa lũ, các nhà máy thủy điện có chiến lược giảm giá bán về giá sàn tại các giờ thấp điểm để tận dụng tối đa nguồn nước sẽ được huy động cao nhất. Nhờ vậy các nhà máy này giảm được giá thành khâu phát điện, giảm được việc sử dụng các nguồn nhiên liệu hóa thạch như than, khí và qua đó giảm thiểu được khí thải ra môi trường, giảm bớt sự khai thác các nguồn nhiêu liệu hóa thạch để sử dụng trong tương lai.

Như vậy có thể khẳng định việc chuyển đổi cơ chế huy động các nhà máy từ cơ chế truyền thống trước đây sang cơ chế theo thị trường điện đã nâng cao tính minh bạch trong giá thành khâu phát điện, tạo động lực cho các nhà máy tiết kiệm chi phí, hoạt động có hiệu quả hơn để có thể được huy động nhiều; sử dụng tối ưu hơn nguồn nhiên liệu sơ cấp như nước, than, khí. Đây là một số mục tiêu chính mà bất kì một thị trường điện nào cũng mong muốn đạt được.

- Vậy trong quá trình vận hành có bộc lộ những vướng mắc gì cần phải giải quyết không thưa ông?

Ông Đinh Thế Phúc: Một số cơ quan chuyên môn, đơn vị điện lực tham gia thị trường có phản ánh một số vấn đề về an ninh hệ thống, việc đảm bảo nước cho hạ lưu của các nhà máy thủy điện, điều độ về sản lượng điện của các loại nguồn phát, công tác tính toán thanh toán sau vận hành…. Các vấn đề này thực tế cũng vẫn xuất hiện trong vận hành hệ thống điện khi thị trường điện chưa hoạt động.

Tuy nhiên, phần lớn các vướng mắc này đã được Bộ Công Thương, Cục Điều tiết Điện lực chỉ đạo đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện là Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia (A0) giải quyết kịp thời. Tuy nhiên, do việc chuyển đổi vận hành từ cơ chế truyền thống sang cơ chế thị trường, các phát sinh vẫn tiếp tục xuất hiện. Tùy theo từng vấn đề mà Bộ Công Thương, Cục Điều tiết Điện lực sẽ có các chỉ đạo hướng dẫn để xử lý kịp thời dựa trên nguyên tắc là ưu tiên đảm bảo an toàn cung ứng điện, nước cho hạ du, sử dụng tối ưu nguồn nhiên liệu sơ cấp như nước, than, khí… và đảm bảo sự rõ ràng minh bạch trong vận hành thị trường điện, cũng như đảm bảo lợi ích hài hòa giữa các bên tham gia thị trường.

- Dư luận cho rằng tổng chi phí mua điện của EVN thanh toán theo thị trường thấp hơn so với thanh toán theo giá hợp đồng mua bán, nhưng lợi ích này chưa được chia sẻ với các hộ tiêu thụ điện thông qua giá bán lẻ điện. Thêm vào đó, đơn vị quyết định việc huy động các nhà máy điện trên thị trường là A0 vẫn trực thuộc EVN sẽ tạo ra sự đối xử không bằng giữa các nhà máy điện trong và ngoài EVN. Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?

Ông Đinh Thế Phúc: Trước tiên phải khẳng định đã là thị trường điện thì các nhà máy chào giá và đơn vị mua điện sẽ huy động theo giá chào đến khi đáp ứng nhu cầu hệ thống theo các quy định công khai minh bạch về thị trường.

Hiện đang là mùa lũ nên các nhà máy thủy điện thường có xu hướng giảm giá chào vào giờ thấp điểm để được phát điện tối đa nên dẫn đến tổng chi phí mua điện theo thị trường có thể thấp hơn so với việc thanh toán theo một giá hợp đồng đã ký. Điều này đã được dự đoán khi thiết kế thị trường điện. Tuy nhiên, việc lỗ, lãi của EVN không thể xác định ngay sau một số ngày vận hành thị trường điện mà phải dựa trên kết quả vận hành trong giai đoạn dài hơn. Hơn nữa, việc tăng giá bán lẻ điện thêm 5% vào ngày 1/7 vừa qua là trong phạm vi theo Quyết định 24/2011/QĐ-TTg ngày 15/4/2011 của Thủ tướng Chính phủ, không liên quan đến việc mua điện trên thị trường điện trong tháng Bảy vừa qua.

Dù nằm trong hay ngoài EVN thì A0 cũng không thể sắp xếp huy động các nhà máy điện trong thị trường theo ý muốn chủ quan mà phải dựa theo các quy định hiện hành của các văn bản quy phạm pháp luật như Thông tư 18/2010/TT-BCT, Thông tư 45/2011/TT-BCT...

Đặc biệt, để đảm bảo tính minh bạch cao nhất của thị trường điện khi A0 vẫn thuộc EVN cũng như các nhà máy thủy điện có giá bán thấp phần lớn thuộc EVN, Bộ Công Thương đã giao Cục Điều tiết Điện lực nhiệm vụ kiểm tra giám sát A0, các đơn vị tham gia thị trường điện theo quy định của pháp luật. Thời gian qua, Cục Điều tiết Điện lực đã thường xuyên tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để phân tích đánh giá các hoạt động của thị trường điện theo đúng yêu cầu trong Thông tư số 18/2012/TT-BCT Quy định giám sát Thị trường điện cạnh tranh. Cục Điều tiết Điện lực cũng đã liên tục báo cáo Bộ và ban hành các văn bản chỉ đạo các vấn đề thuộc thẩm quyền để xử lý kịp thời các vướng mắc, bất cập xảy ra trong thời giai vận hành thị trường điện vừa qua.

Giải pháp hữu hiệu nhất theo tôi vẫn là tập trung vào khâu giám sát để đảm bảo sự minh bạch cao nhất. Ngoài việc giám sát của Cục Điều tiết Điện lực, các nhà máy điện cũng có thể theo dõi hoạt động của thị trường điện qua thông tin được công bố trên trang Web: www.nldc.evn.vn.

- Để đảm bảo các tiêu chí quan trọng nhất của thị trường điện là cạnh tranh và minh bạch, với góc độ là đơn vị quản lý nhà nước, theo ông cần có thêm các chế tài gì?

Ông Đinh Thế Phúc: Hiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đảm bảo cho thị trường điện vận hành theo các tiêu chí minh bạch, cạnh tranh đã khá đầy đủ nhưng trong quá trình triển khai thực tế nếu nảy sinh vướng mắc, bất cập thì vẫn cần phải ban hành bổ sung và có chế tài xử lý liên quan.

Một điểm cần lưu ý là tính đến thời điểm vận hành chính thức thị trường phát điện cạnh tranh, việc tái cấu trúc ngành điện cũng đã đạt được một số bước tiến quan trọng: Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia được thành lập năm 2008 do Nhà nước sở hữu 100% vốn; ba Tổng công ty phát điện được thành lập năm 2012, hoạt động hạch toán độc lập với EVN và có lộ trình để độc lập hoàn toàn và được cổ phần hóa. Như vậy, trong thị trường phát điện cạnh tranh hiện nay, EVN không còn độc quyền trong khâu phát điện mà chỉ còn độc quyền trong khâu truyền tải, phân phối và bán lẻ điện.

Hiện thị trường điện mới có 32 nhà máy trực tiếp tham gia chào giá trên thị trường. Tuy nhiên, từ nay đến cuối năm nay, tổng số nhà máy điện trực tiếp chào giá trên thị trường điện dự kiến sẽ tăng lên 67 nhà máy với tổng công suất đặt chiếm khoảng 56,3% tổng công suất đặt toàn hệ thống điện. Các nhà máy điện tham gia thị trường phát điện đa dạng về công nghệ phát điện và thuộc sở hữu của nhiều đơn vị khác nhau, bao gồm cả nhà nước và tư nhân nên chắc chắc tính cạnh tranh sẽ cao hơn nhiều.

- Với những tồn tại sau hơn một tháng triển khai thị trường phát điện cạnh tranh, liệu thời điểm thị trường điện cạnh tranh hoàn chỉnh có thể đạt được trước năm 2022?

Ông Đinh Thế Phúc: Lộ trình tiến tới thị trường bán lẻ điện cạnh tranh dài hay ngắn phụ thuộc vào rất nhiều điều kiện về kinh tế xã hội cụ thể. Do điện là loại hàng hóa đặc biệt, là đầu vào của nhiều ngành nghề nên việc chuyển lên các cấp độ thị trường điện cao hơn như thị trường bán buôn cạnh tranh và đặc biệt thị trường điện bán lẻ cạnh tranh cần phải thực hiện hết sức cẩn trọng. Dù ở cấp độ thị trường nào cũng phải đảm bảo được cung ứng điện cho phát triển kinh tế xã hội, bảo vệ được quyền lợi người sử dụng điện, nhà đầu tư. Do vậy, sự thận trọng là hết sức cần thiết. Ngay cả một số nước tiên tiến cũng rất thận trọng khi chuyển đổi sang thị trường bán lẻ điện cạnh tranh.

Để tiến tới thị trường bán lẻ điện, cần phải có hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hết sức chặt chẽ vì hầu hết cả hộ sử dụng điện về lý thuyết có thể mua điện từ bất cứ nhà máy điện nào, hoặc từ thị trường điện giao ngay hoặc từ các đơn vị bán buôn, bán lẻ tùy theo mức độ sử dụng. Ngoài ra, hệ thống côngtơ đo đếm, hệ thống quản lý giao dịch, quản lý khách hàng sẽ phải đầu tư nâng cấp để đáp ứng được yêu cầu chuyển đổi nhà cung cấp điện của người sử dụng một cách kịp thời và minh bạch, bảo vệ quyền lợi không chỉ của người sử dụng mà cả của đơn vị bán điện.

Bộ Công Thương đang chỉ đạo Cục Điều tiết Điện lực triển khai các công tác chuẩn bị cần thiết để hình thành thị trường bán buôn điện vào năm 2015 và nghiên cứu để nếu có thể thì rút ngắn thời điểm vận hành thị trường điện bán lẻ cạnh tranh trước một số năm.

- Xin cảm ơn ông!
 
Mai Phương - Kim Anh (TTXVN)