Ảnh hưởng của quá trình CNH – HĐH
Hệ số đàn hồi điện/GDP (hệ số đàn hồi) phụ thuộc vào từng giai đoạn phát triển của mỗi quốc gia. Trong giai đoạn thực hiện CNH, tốc độ tăng trưởng điện năng thường tăng cao hơn so với tốc độ tăng trưởng kinh tế do phát triển các ngành tiêu thụ nhiều năng lượng như cơ khí, luyện kim, chế tạo máy… Tuy nhiên, khi quá trình công nghiệp hóa cơ bản hoàn thành, cơ cấu kinh tế có sự thay đổi, từng bước chuyển sang phát triển các ngành tiêu thụ ít năng lượng nhưng mang lại hiệu quả cao, khi đó hệ số đàn hồi sẽ có xu hướng giảm..
Cụ thể, từ năm 2000 - 2005, tăng trưởng kinh tế đạt tốc độ cao và ổn định, GDP bình quân mỗi năm đạt 7,5%, trong đó ngành sản xuất công nghiệp luôn đạt tốc độ tăng trưởng nhanh nhất, tiếp đó là ngành dịch vụ. Tuy nhiên, các phương tiện máy móc, trang thiết bị, công nghệ phục vụ cho các ngành sản xuất công nghiệp trong giai đoạn này còn khá lạc hậu, hiệu suất thấp, tiêu tốn nhiều năng lượng. Vì vậy, hệ số đàn hồi luôn ở mức trên dưới 2,0.
Trong giai đoạn 2005 - 2007, tốc độ tăng trưởng GDP đạt 8,3%, bình quân đầu người trên 10 triệu đồng, tương đương với 640 USD. Từ một nước thiếu lương thực, mỗi năm phải nhập khẩu hơn 50 vạn – 1 triệu tấn lương thực, Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu gạo lớn trên thế giới. Cơ cấu kinh tế bắt đầu có sự thay đổi, các ngành sản xuất công nghiệp dần chiếm tỷ trọng cao, kéo theo đó là sự giảm dần của hệ số đàn hồi điện. Mặc dù trung bình vẫn ở mức cao so với nhiều nước khác trong khu vực (bình quân là 1,6), nhưng đã giảm đáng kể so với giai đoạn trước.
Năm 2011, hệ số đàn hồi điện/GDP là 1,75, giảm đáng kể so với năm 2010 là 2,03. Tuy nhiên, nếu so với các nước khác thì vẫn tương đối cao. Do đó, đối với các ngành sản xuất cần phải đẩy mạnh việc nâng cao công nghệ để giảm hệ số đàn hồi xuống thấp hơn nữa, từ đó, giảm gánh nặng cho ngành năng lượng.
Sử dụng điện kém hiệu quả
Đằng sau hệ số đàn hồi cao của nền kinh tế là việc sử dụng điện lãng phí và kém hiệu quả; thiết bị lạc hậu, hiệu suất thấp, tiêu tốn nhiều năng lượng; lãng phí điện trong sản xuất công nghiệp, sinh hoạt; ý thức tiết kiệm chưa cao.
Năm 2006, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã được ban hành và có hiệu lực từ ngày 1/1/2011, các dự án hợp tác quốc tế về sử dụng tiết kiệm và hiệu quả năng lượng cũng đã được triển khai…
Song, theo GS. VS Trần Đình Long, các văn bản pháp lý đã có nhưng năng lực để triển khai các cơ chế hỗ trợ, giám sát và thực hiện các biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả còn yếu, sự phối hợp giữa cơ quan trung ương và địa phương còn chưa được tốt. Giá năng lượng quá thấp không khuyến khích người tiêu dùng tiết kiệm. Các biện pháp xử phạt còn chưa đủ tính răn đe và thiếu đồng bộ. Các cơ chế tài trợ chưa có tính hấp dẫn cao. Trong nhân dân cũng như đối với các chủ doanh nghiệp, ý thức về sử dụng hiệu quả và tiết kiệm năng lượng còn hạn chế, thiếu thông tin về thiết bị có hiệu suất sử dụng năng lượng cao để thực hiện các dự án tiết kiệm năng lượng, thiếu nghiệp vụ trong đánh giá và theo dõi dự án.
Trong Quy hoạch điện VII, Thủ tướng Chính phủ đã đề ra mục tiêu giảm hệ số đàn hồi xuống 1,5 vào năm 2015 và còn 1,0 vào năm 2020. Đồng thời, Việt Nam cũng đang trong lộ trình thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, mà một trong những mục tiêu cụ thể phải đạt được trong năm 2020 là năng suất tổng hợp đóng góp vào tăng trưởng đạt khoảng 35%, giảm tiêu hao năng lượng tính trên GDP từ 2,5 – 3% hằng năm. Đây được coi là chiến lược quan trọng nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững của nền kinh tế.