Dow Jones và S&P 500 cùng giảm điểm

Thứ năm, 30/7/2009 | 16:13 GMT+7
Ngày 28/7, Dow Jones và S&P 500 đã giảm điểm nhẹ do giới đầu tư phản ứng tiêu cực trước báo cáo về niềm tin người tiêu dùng Mỹ trong tháng 7/2009.
Thứ Ba, Standard & Poor's/Case-Shiller công bố chỉ số giá nhà ở Mỹ trong tháng 5/2009 đã giảm 17,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong tháng 5/2009, chỉ số giá nhà ở 20 khu vực trung tâm tại Mỹ đã tăng 0,4% so với tháng 4/2009.
Cùng ngày, Tổ chức nghiên cứu Conference Board của Mỹ cho biết, chỉ số niềm tin của người tiêu dùng ở nước này trong tháng 7/2009 đã giảm xuống 46,6 điểm - thấp hơn so với mức dự báo 49 điểm của giới phân tích, từ mức 49,3 điểm trong tháng 6/2009.
 
Cũng theo nghiên cứu của Conference Board, chỉ có 3,6% số người được hỏi cho biết tìm việc là khá dễ dàng - mức thấp nhất kể từ tháng 2/1983, từ mức 4,5% trong tháng trước đó.
 
Kết quả nghiên cứu được công bố đã nhanh chóng tác động tiêu cực tới thị trường chứng khoán khi các lệnh bán bất ngờ tăng mạnh và đẩy các chỉ số giảm hơn 1%.
 
Nasdaq đảo chiều thành công
 
Dow Jones và S&P 500 đã giảm điểm nhẹ hôm thứ Ba vì giới đầu tư phản ứng tiêu cực trước báo cáo về niềm tin người tiêu dùng trong tháng 7/2009. Trong khi đó, chỉ số Nasdaq lại tăng điểm khi kết thúc ngày giao dịch.
 
Kịch bản của thị trường cũng gần giống như phiên trước đó khi gần hết thời gian giao dịch các chỉ số đều trong xu hướng giảm điểm, thậm chí biên độ giảm đã vượt quá -1,2%. Niềm tin người tiêu dùng giảm mạnh khiến giới đầu tư tăng mạnh bán cổ phiếu đẩy thị trường giảm khá sâu.
 
Thế nhưng, đến phiên giao dịch buổi chiều, giới đầu tư bắt đầu gom mua mạnh cổ phiếu khối bảo hiểm y tế, ngân hàng nên đã giúp hai chỉ số Dow Jones và S&P 500 rút ngắn được biên độ giảm điểm so với phiên buổi sáng.
 
Cổ phiếu Coventry Health Care đã tăng 12,7% sau khi hãng công bố lợi nhuận vượt dự báo, còn cổ phiếu Aetna duy trì được mức tăng 12,6% khi kết thúc ngày giao dịch. Trước sức tăng của hai cổ phiếu này, chỉ số lĩnh vực chăm sóc sức khỏe - Morgan Stanley Healthcare Payors - đã tăng được 6,5%, qua đó tạo được lực đỡ quan trọng cho thị trường.
 
Cổ phiếu một số ngân hàng đã có mức tăng điểm mạnh, trong đó cổ phiếu của Citigroup tăng thêm 10,41%, cổ phiếu Bank of America tiến thêm 1,91%. Lực đỡ quan trọng cho Dow Jones phiên này chính là mức tăng 2,4% của cổ phiếu Boeing và 1,62% của General Electric.
 
Theo giới phân tích nhận định, thị trường Mỹ đang trong giai đoạn tích lũy sau khi có đợt tăng điểm mạnh vừa qua. Qua hai phiên thị trường đã cho thấy sức cầu khá mạnh và luôn giữ được vị thế cân bằng dù chỉ số niềm tin người tiêu dùng Mỹ không khả quan.
 
Trong vài ngày tới, nhiều tập đoàn trong lĩnh vực năng lượng như ExxonMobil, Chevron sẽ công bố kết quả kinh doanh, đây được xem là yếu tố tích cực hỗ trợ thì trường bởi khối này được dự báo sẽ gặt hái nhiều thành công trong quý 2.
 
Điểm qua kết quả giao dịch ngày 28/7: chỉ số Dow Jones giảm 11,79 điểm, tương đương -0,13%, chốt ở mức 9.096,72.
 
Chỉ số Nasdaq phiên này lên 7,62 điểm, tương đương 0,39%, chốt ở mức 1.975,51.
 
Cuối cùng, chỉ số S&P 500 hạ 2,56 điểm, tương đương -0,26%, đóng cửa ở mức 979,62.
 
Khối lượng giao dịch trên sàn New York đạt 1,24 tỷ cổ phiếu, thị trường cứ có 8 cổ phiếu giảm điểm thì có 7 cổ phiếu tăng điểm. Khối lượng khớp lệnh thành công trên sàn Nasdaq đạt 2,23 tỷ cổ phiếu, thị trường cứ có 7 cổ phiếu tăng điểm thì có 6 cổ phiếu giảm điểm.
 
Chuỗi 11 phiên tăng điểm của chứng khoán châu Á

 
Chỉ số MSCI châu Á - Thái Bình Dương hôm Ba đã tăng 1,3% lên 110,44 điểm. Chỉ số này đã tăng được 13% trong 11 phiên tăng điểm gần đây.
 
Trái ngược với diễn biến của thị trường khu vực, chứng khoán Việt Nam đã giảm điểm trong sự tiếc nuối của giới đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân.
 
Trong lúc nhiều nhà đầu tư cá nhân lo không mua được cổ phiếu tốt thì thị trường lại đón nhận nguồn cung lớn, qua đó tạo áp lực đẩy thị trường đi xuống. Rõ ràng thị trường đang tạo nên nhiều bất ngờ.
 
Chuyển qua diễn biến thị trường Nhật, chỉ số Nikkei 225 đã giảm điểm nhẹ, qua đó chấm dứt chuỗi 9 phiên tăng điểm liên tiếp với tổng mức tăng lên tới 11,5%. Cổ phiếu khối ngân hàng lên điểm trong khi cổ phiếu khối công nghệ mất điểm tạo nên thế căn bằng cho thị trường.
 
Dù mất điểm nhưng biên độ giảm không đáng kể cho thấy đây chỉ là một phiên điều chỉnh nhẹ của thị trường. Giới phân tích cho rằng về cơ bản đà tăng điểm của thị trường vẫn còn bởi triển vọng kết quả kinh doanh của nhiều tập đoàn lớn ở Nhật và Mỹ sẽ khá khả quan.
 
Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số Nikkei 225 giảm 1,4 điểm, tương đương -0,01%, chốt ở mức 10.087,26. Khối lượng giao dịch đạt 1,8 tỷ cổ phiếu, thị trường có 994 cổ phiếu giảm điểm và có 569 cổ phiếu lên điểm.
 
Liên quan đến thị trường Ấn Độ, Ngân hàng Trung ương nước này vừa đưa ra quyết định giữ nguyên mặt bằng lãi suất cơ bản ở mức 3,25%, đồng thời đưa ra dự báo lạm phát trong năm tài khóa kết thúc vào ngày 31/3/2010 có thể lên khoảng 5%, từ mức 4% được đưa ra trước đó.
 
Đầu tháng 7, Chính phủ Ấn Độ đã công bố kế hoạch phát hành lượng trái phiếu để huy động 4,51 tỷ Rupees (94 tỷ USD) để đầu tư xây dựng cầu đường, nhà máy điện và hỗ trợ cho người nghèo. Thâm hụt ngân sách của Ấn Độ được dự báo sẽ bằng 6,8% so với GDP trong năm tài khóa 2009.
 
Trên thị trường chứng khoán, chỉ số BSE 30 đã tăng điểm nhẹ với biên độ 0,06%, chốt ở mức 15,383.98.
 
Điểm qua các thị trường khác: chỉ số Taiwan Weighted của Đài Loan lên 1,62%. Chỉ số VN-Index của Việt Nam hạ 1,43%. Chỉ số ASX của Australia tiến thêm 0,63%. Chỉ số Straits Times của Singapore nhích 1,7%. Chỉ số KOSPI của Hàn Quốc tăng 0,13%. Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông lên 1,84%. Chỉ số Shanghai Composite của Trung Quốc nhích 0,09%.
Theo: VNE