Mô hình điện mặt trời ESCO của DAT Solar lắp đặt cho khách hàng ở khu vực miền Nam.
Ông Nguyễn Văn Lý - Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) cho biết, thời gian qua, Tổng công ty tiếp tục phối hợp với các địa phương triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến về sử dụng điện an toàn và tiết kiệm như gia đình tiết kiệm điện, thí điểm đèn Led cho thanh long, thực hiện mô hình ESCO và hỗ trợ các hộ nuôi tôm... Nhờ đó, chỉ riêng trong năm 2019, EVNSPC đã tiết kiệm được 1 tỷ 458 triệu kWh điện, tương đương 2% sản lượng điện thương phẩm, tương ứng với giá trị tiết kiệm tiền điện hơn 2.597 tỷ đồng; bên cạnh đó giúp giảm công suất đỉnh của hệ thống nhằm đảm bảo tốt việc cung cấp điện.
Về Đề án thí điểm triển khai mô hình ESCO, theo ông Lý, sản lượng điện tiết kiệm năm 2019 đạt khoảng 650.000 kWh. Chỉ riêng mô hình ESCO hỗ trợ nông dân Lâm Đồng trồng hoa cúc, đã có 28 hợp đồng ESCO với 11.500 bóng đèn Led đã được thực hiện. Các dự án đầu tư hệ thống năng lượng mặt trời áp mái cho nhà điều hành các đơn vị trực thuộc và trạm 110kV (giai đoạn 1), EVNSPC đã đầu tư 179 vị trí, công suất 7.369,7kWp. Trong đó, 167 vị trí, công suất 6.979 kWp đã đưa vào vận hành; 1 vị trí di dời đến Trung tâm thí nghiệm điện Bạc Liêu (60kWp), đang nghiệm thu; 5 vị trí đang đấu thầu tại Công ty Điện lực Đồng Nai và 6 vị trí tại Công ty Điện lực Tiền Giang đang vận hành thử nghiệm.
Trong giai đoạn 2 (thực hiện trong năm 2020) sẽ đầu tư 218 vị trí, tổng công suất 7,24 MWp, trong đó 43 vị trí tại văn phòng các đơn vị điện lực, 175 vị trí tại trạm 110kV thuộc EVN SPC quản lý. Theo các chuyên gia về năng lượng, đầu tư năng lượng mặt trời ESCO là mô hình mang lại hiệu quả cho các đối tác cùng hợp tác đầu tư. Doanh nghiệp (DN) sở hữu nhà xưởng không cần phải bỏ vốn đầu tư và vận hành hệ thống mà vẫn có điện sạch giá rẻ để sử dụng...
Đại diện Tập đoàn Năng lượng Mặt Trời Bách Khoa (SolarBK) cho biết, sau khoảng 3 năm tham gia vào thị trường năng lượng sạch dưới hình thức đầu tư ESCO, các DN do Solar ESCO cùng tham gia đầu tư đều đánh giá cao tính hiệu quả mà dự án mang lại. Nhờ vào cam kết sản lượng điện mà hệ thống tạo ra thông qua các công ty bảo hiểm, kết hợp với việc sở hữu nhà máy sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời cùng đội ngũ kỹ thuật hơn 13 năm kinh nghiệm, SolarESCO đã xây dựng thành công sự an tâm cho DN khi cùng hợp tác đầu tư năng lượng mặt trời.
Xét riêng về lĩnh vực điện mặt trời áp mái, toàn bộ dự án đều đạt trên 90% về hiệu quả hoạt động so với số liệu tính toán ban đầu, đặc biệt là dự án mới lắp đặt từ năm 2019. Trong bối cảnh điện mặt trời được xem là giải pháp năng lượng hiệu quả góp phần giảm thiểu hiệu ứng nhà kính, đầu tư điện mặt trời theo hình thức ESCO đang là sự lựa chọn của nhiều DN khi không phải bỏ vốn đầu tư ban đầu, giúp tối ưu chi phí hoạt động và thân thiện với môi trường. Quy mô thị trường đang tăng trưởng và đạt khoảng 40 MW trong năm 2019.
Với những kết quả khả quan đã đạt được, Solar ESCO dự kiến sẽ tăng trưởng 25% về thị phần trong năm 2020. Công ty TNHH May Oasis (xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi) cũng vừa đóng điện dự án điện mặt trời áp mái theo mô hình ESCO có công suất 233,28 kWp, do Công ty cổ phần Solar ESCO (SolarBK) đầu tư với 90% nguồn vốn. Đây là dự án thứ 2 thành công của Solar ESCO từ chương trình của VIP IFC, trước đó là dự án điện mặt trời tại Công ty Cổ phần Tong Hong Tannery Việt Nam với công suất 460 kWp cũng đã được hiện. Gần đây, Công ty TNHH Kỹ Thuật Đạt (DAT Solar) và tổ chức tài chính đã giúp nhiều khách hàng tiếp cận với hình ESCO.
Ông Bùi Việt Phương - Trưởng Bộ phận maketing điện mặt trời DAT Solar cho biết, gần đây DAT đã triển khai nhiều dự án cho các DN nhà nước, DN thương mại, DN sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao, như dự án Công ty Yteco với công suất 208kWp, Công ty lưới điện cao thế TP. Hồ Chí Minh (1.8MW), Công ty Parapex (276kWp). Riêng dự án tại Công ty Cao Su Phương Hậu (982kWp), tạo ra lượng điện 117.936kWh/tháng, chỉ khoảng 4 năm là hoàn vốn. Bên cạnh việc khách hàng tự bỏ vốn đầu tư, khi khách hàng dùng điện mặt trời DN có thể lựa chọn hình thức đầu tư ESCO với giá 0 đồng. DAT Solar và đối tác tài chính đang có nguồn quỹ 150 triệu USD để đầu tư phát triển các hệ thống điện mặt trời quy mô lớn cho DN. Bằng cách tận dụng phần mái nhàn rỗi, DN không cần bỏ vốn đầu tư, toàn bộ kinh phí lắp đặt hệ thống điện mặt trời sẽ do đối tác tài chính của DAT Solar chi trả.
Mô hình ESCO giúp tối thiểu hóa rủi ro về kỹ thuật cũng như tài chính cho DN, trong khi nhu cầu sử dụng năng lượng sạch nhằm tiết kiệm chi phí, xây dựng hình ảnh và tạo lợi thế cạnh tranh xuất khẩu hàng hóa qua các thị trường khó tính ngày càng tăng cao.
Link gốc