Lắp đặt công tơ cho các hộ dân tại huyện đảo Phú Quốc. Ảnh: Đình Hoàng
Có điện, đổi đời
Ông Lê Phong Nhã - Phó Chủ tịch UBND xã Gành Dầu, Phú Quốc (Kiên Giang) - không giấu được nỗi vui mừng, khẳng định, kinh tế xã Gành Dầu sẽ có nhiều đổi thay từ khi có điện. Sau khi điện lưới quốc gia ra huyện đảo, hơn 1.100 hộ dân tại xã đang được Điện lực Phú Quốc (thuộc Cty Điện lực Kiên Giang) triển khai lắp đặt máy biến áp cho các phụ tải sản xuất kinh doanh.
Đối với các hộ sinh hoạt, điện lực cũng đang triển khai lắp đặt côngtơ mới, dự kiến trong tháng 3 sẽ hoàn thành khoảng 600 côngtơ còn lại cho các hộ dân ở thị trấn Dương Đông, An Thới và khu vực đồng bào Khmer. Trước đây, hầu hết các hộ dân trong xã được cung cấp điện từ nguồn diesel tại chỗ do một chủ cơ sở sản xuất nước đá cấp. Giá điện cao, bình quân khoảng 7.000-8.000đ/kWh nhưng chất lượng yếu. Có nơi, giá điện lên tới 25.000đ/kWh. Người dân nơi đây mong ngày, mong đêm có điện lưới quốc gia ra đảo để làm ăn kinh tế, có điều kiện đổi đời.
Chị Lê Thị Đào - ở ấp Gành Dầu - phấn khởi khoe vợ chồng chị vừa sắm thêm chiếc tủ lạnh mới để trữ lạnh thực phẩm, kết hợp kinh doanh giải khát và bán hàng xén. “Từ khi có điện, nhiều hộ dân trong ấp cũng bắt đầu sắm các thiết bị sử dụng điện như tivi, đầu video, tủ lạnh, quạt máy, máy bơm... Hơn 14 năm vào định cư tại Phú Quốc, đến bây giờ, lần đầu tiên, huyện đảo mới có điện lưới, mừng không kể xiết” - chị Đào tâm sự.
Nguồn sống chính của người dân đảo Phú Quốc là đánh bắt thuỷ hải sản và làm du lịch. Ông Trần Thanh Sơn - Phó GĐ Resost Cửu Long Phú Quốc - cho biết: Cty đang có kế hoạch nâng cấp hệ thống phòng ốc từ 60 phòng hiện tại lên 100 phòng vào năm 2015 để đón đầu lượng khách du lịch đến Phú Quốc.
Hiện để đón đầu sự phát triển của Phú Quốc khi có điện lưới, theo ông Lê Phong Nhã, nhiều nhà đầu tư đang triển khai các dự án nuôi trồng thuỷ sản, du lịch sinh thái, bất động sản nghỉ dưỡng. Điển hình là Cty Hoàn Cầu đầu tư nuôi trồng thuỷ sản chất lượng cao tại Rạch Vẹm, Cty JVC Ngọc Hải phát triển du lịch nhà vườn, và ngay trong năm nay (dự kiến tháng 11), Tập đoàn Vingroup sẽ đưa vào hoạt động dự án Vinpeal Phú Quốc với quần thể du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, khách sạn 5 sao, thu hút thêm nhiều khách du lịch đến Phú Quốc.
Vẫn khó khăn đưa điện ra đảo
Theo đại điện TCty Điện lực miền Nam (EVNSPC), đơn vị được EVN giao nhiệm vụ đưa điện ra đảo Phú Quốc thì hiện tại nhu cầu cấp điện tại Phú Quốc tăng rất nhanh. Tổng công suất dự kiến đưa vào sử dụng điện trong quý I/2014 là 16,468MW, trong đó bao gồm 10,375MW là các phụ tải đang bị hạn chế công suất. Sản lượng điện thương phẩm năm 2013 ước đạt 57,38 triệu kWh, đã tăng gấp 10 lần so với năm trước, nhưng mức tăng này cũng còn rất khiêm tốn so với nhu cầu thực tế của một huyện đảo xem phát triển du lịch là thế mạnh đột phá.
Như vậy, tính đến nay, EVN đã quản lý lưới điện tại 10/12 huyện đảo của cả nước. Tuy nhiên, hiện nay cả nước có hơn 3.000 đảo lớn, nhỏ, 1/6 số đảo đang có cư dân sinh sống, nhưng nhiều đảo vẫn chưa có điện. Mỗi năm nhà nước đã phải bù lỗ gần 300 tỉ đồng để cấp điện cho các huyện đảo nhằm tạo ra bước đột phá trong phát triển kinh tế biển.
Theo ông Trần Viết Ngãi - Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng VN - vấn đề cơ bản nhất hiện nay là để đảm bảo đủ điện cho các huyện đảo, với điều kiện mức đầu tư cao, trong khi lượng sử dụng điện còn hạn chế, để thống nhất giá điện trên toàn quốc, thì Nhà nước cần có cơ chế bù lỗ đồng thời với việc đầu tư hệ thống lưới truyền tải đưa điện lưới ra một số đảo gần bờ và hạch toán giá trị đầu tư vào giá thành thông qua việc trích khấu hao các đường điện ấy.
Đối với những nơi không kéo được điện lưới thì kết hợp giữa điện gió và mặt trời với điện chạy dầu diesel. Nhà nước nên khuyến khích cơ chế nội địa hóa trong đầu tư công nghệ điện gió, vừa góp phần đẩy mạnh các ngành công nghiệp cơ khí trong nước, vừa góp phần giảm suất đầu tư vào điện gió.
Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, để giải bài toán kinh tế cấp điện cho các đảo, việc xác định nguồn cấp điện cho các đảo không chỉ bao gồm yếu tố công suất, sản lượng mà còn phải đảm bảo giá điện hợp lý, bảo vệ môi trường. Ngoài việc xây dựng các nhà máy điện sạch với quy mô vừa đủ đảm bảo nguồn điện cấp tại chỗ đối với các đảo không thể nối lưới từ đất liền ra, phương án kéo điện ra các đảo bằng cáp ngầm (110kV, 22kV) cho thấy lợi thế hơn hẳn so với xây nhà máy nhiệt điện, điện gió hay năng lượng mặt trời.
Theo kế hoạch, vào cuối năm nay, huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) sẽ được nối lưới điện quốc gia, người dân trên đảo sẽ được hưởng giá điện như trong đất liền. Khi đó giá điện của Lý Sơn sẽ được thực hiện theo Quyết định số 2165/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về “khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân các năm 2013-2015” - nghĩa là được hưởng mức giá bán lẻ điện bình quân tối đa là 1.835 đồng/kWh - thay vì mức giá trung bình 2.700 đồng/kWh như hiện nay.