Tin trong nước

Đưa điện về biên giới, hải đảo

Thứ sáu, 24/2/2023 | 13:43 GMT+7
Khu vực biên giới, hải đảo ở vùng đồng bằng sông Cửu Long có nhiều tiềm năng phát triển du lịch, dịch vụ và kinh tế biển. Các địa phương trong vùng đã huy động nhiều nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng điện, tạo động lực mới trong phát triển kinh tế - xã hội.

Dự án Ðường dây 220kV Kiên Bình - Phú Quốc vượt biển cấp điện áp 110kV giai đoạn 1 cho thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. (Ảnh Công ty Điện lực Kiên Giang).

Việc đưa vào khai thác các công trình, dự án trọng điểm của ngành điện góp phần bảo đảm an ninh năng lượng, bảo vệ chủ quyền quốc gia và cải thiện đời sống nhân dân vùng cửa ngõ Tây Nam của Tổ quốc,...

Cấp điện cho hơn 20.000 hộ

Tỉnh Trà Vinh hiện có hơn một triệu dân, với sự cộng cư của cộng đồng các dân tộc Kinh, Khmer, Hoa, Chăm; trong đó, đồng bào Khmer chiếm hơn 30% dân số. Việc thực hiện hiệu quả các chính sách đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo cùng nỗ lực vươn lên của người dân, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh hiện chỉ còn 1,88% so với tổng số hộ dân. Từ nguồn vốn của Trung ương, tỉnh Trà Vinh xúc tiến triển khai dự án cung cấp điện cho 20.000 hộ dân chưa có điện, chủ yếu là hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại 83 xã thuộc bảy huyện Càng Long, Cầu Kè, Tiểu Cần, Trà Cú, Duyên Hải, Cầu Ngang và Châu Thành, tổng mức đầu tư hơn 227 tỷ đồng. Hơn 50% số hộ nghèo được hưởng lợi từ dự án. Dự án gồm 53,8km đường dây trung áp một pha; 209km điện hạ áp và xây mới 131 trạm biến áp với công suất 2.955 kVA,... Dự án đưa vào khai thác, nâng tỷ lệ hộ đồng bào dân tộc thiểu số sử dụng điện từ 93,8% lên 97,4% và hộ có điện sử dụng của tỉnh từ 97,5% lên 98,6%, giúp cải thiện rõ rệt đời sống nhân dân.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Duyên Hải, Kim Chí Hòa cho biết, trước đây, huyện Duyên Hải có ba xã đặc biệt khó khăn gồm Ngũ Lạc, Ðôn Châu, Ðôn Xuân và hai xã Long Khánh, Long Vĩnh là xã bãi ngang ven biển, tỷ lệ hộ nghèo của huyện hơn 16,6% so với tổng số hộ. Thực hiện kế hoạch chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp, các cấp ủy, chính quyền cơ sở của huyện huy động mọi nguồn lực đầu tư hạ tầng điện, thủy lợi, giao thông phục vụ nuôi trồng thủy sản theo hướng hiệu quả, bền vững. Ủy ban nhân dân huyện đã rà soát, tổng hợp nhu cầu điện của hộ dân và trên cơ sở định hướng vùng quy hoạch nuôi thủy sản, ngành điện bố trí vốn xây mới lưới điện trung thế, nâng công suất các trạm biến thế, bảo đảm phục vụ nhu cầu sản xuất.

Qua khảo sát, xã Ngũ Lạc có 200 hộ dân có nhu cầu kéo điện phục vụ nuôi tôm thâm canh với 180ha mặt nước. Ðiện lực huyện Duyên Hải bố trí vốn đầu tư lưới điện trung thế dài 3,6km, xây 7 trạm biến áp với dung lượng 1.050kVA trên địa bàn hai ấp Ðường Liếu, Cây Xoài để phục vụ nhu cầu sản xuất của người dân.

Ông Trần Văn Chiến, Tổ trưởng Tổ hợp tác nuôi trồng thủy sản Kiên Cường, ấp Cây Xoài, xã Ngũ Lạc, huyện Duyên Hải, cho hay, tổ hợp tác thu hút 9 thành viên với 28ha mặt nước. Khi chưa có điện, chi phí nhiên liệu, thức ăn, thú y thủy sản chiếm 2/3 lợi nhuận. Ấp Cây Xoài có lưới điện quốc gia, mỗi thành viên tổ hợp tác đầu tư 30 triệu đồng hạ thế điện, áp dụng mô hình nuôi tôm thẻ thâm canh. Hiện, giá trị sản xuất thủy sản của các thành viên tổ hợp tác đạt mức bình quân 1,5 tỷ đồng/ha, lợi nhuận từ 500 triệu đồng/ha/năm trở lên. Hoàn thiện hạ tầng điện cùng với việc thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia, đến nay, huyện Duyên Hải cùng bảy huyện, thị trong tỉnh Trà Vinh đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Nhà máy Ðiện gió Ðông Hải 1 tại vị trí biển V1-7, xã Ðông Hải, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh được khởi công xây dựng vào cuối năm 2020 với tổng mức đầu tư gần 5.000 tỷ đồng. Với quy mô 25 tua - bin gió, tổng công suất 100MW, dự án Nhà máy Ðiện gió Ðông Hải 1 chính thức đưa vào vận hành thương mại vào tháng 1/2022, bổ sung khoảng 330 triệu kW giờ năng lượng xanh mỗi năm vào lưới điện quốc gia. Ðây là dự án điện gió biển đầu tiên của Trungnam Group và là dự án điện gió ngoài khơi có quy mô, công suất lớn nhất cả nước. Các dự án điện gió biển tại các vị trí V1-2, V1-3, V1-4, V1-5 ở các huyện Duyên Hải, thị xã Duyên Hải khi đưa vào vận hành, sẽ góp phần bảo đảm an ninh năng lượng khu vực đồng bằng sông Cửu Long và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Trà Vinh.

Động lực phát triển kinh tế - xã hội

Chị Ðinh Thị Thúy, chủ khách sạn Phú Hồng ở thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang cho biết, điện là vấn đề nan giải của "đảo ngọc". Trước đây, hộ kinh doanh khách sạn luôn lo lắng, không biết điện ngưng phát lúc nào, do nguồn điện chạy bằng động cơ diesel. Tháng 2/2014, thành phố Phú Quốc có điện lưới quốc gia nhưng chưa đáp ứng nhu cầu, người dân, doanh nghiệp mong mỏi có nguồn điện ổn định, lâu dài để mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Giữa tháng 7/2022, đại diện Tập đoàn Vingroup cùng nhiều tập đoàn, doanh nghiệp đầu tư vào thành phố Phú Quốc bày tỏ ý kiến lo ngại do khó khăn về điện với Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang. Ðại diện Vingroup cho biết, bên cạnh Vinpearl Phú Quốc, VinEco, Vinmec, Casino Corona được xây dựng thời gian qua, hiện nay, Grand World Phú Quốc, VinWondes Phú Quốc là những dự án mới, quy mô lớn đi vào hoạt động, rất cần nguồn điện ổn định lâu dài. Tỉnh Kiên Giang ghi nhận ý kiến của doanh nghiệp và chỉ đạo các đơn vị liên quan xúc tiến triển khai.

Ngày 14/10/2022, tại phường An Thới, Tổng Công ty Ðiện lực miền nam chính thức vận hành cấp điện áp 110kV giai đoạn I thuộc công trình đường dây 220kV vượt biển Kiên Bình - Phú Quốc. Ðây là công trình vượt biển trên không, cấp điện áp 220kV dài nhất khu vực Ðông Nam Á, được triển khai lần đầu tại Việt Nam với tổng mức đầu tư hơn 2.221 tỷ đồng. Công trình gồm 2 mạch, dài 80,4km, 169 vị trí cột; trong đó, đoạn trên biển dài 64,7km, 117 vị trí cột. Ðây thật sự là niềm vui lớn đối với nhân dân thành phố Phú Quốc. 

Tổng Giám đốc Tổng công ty Ðiện lực miền Nam, Nguyễn Phước Ðức thông tin, việc vận hành cấp điện áp 110kV an toàn giúp cung cấp điện ở thành phố Phú Quốc cải thiện tốt hơn về chất lượng, kịp thời san tải cho đường dây cáp ngầm 110kV hiện hữu đang vận hành ở mức tải rất cao. Nhờ đó, năng lực cung cấp điện cho đảo Phú Quốc tăng khoảng 6 lần và với tầm nhìn có thể đáp ứng nhu cầu điện trên đảo đến năm 2035. Trước đó, vào tháng 2/2014, cũng đánh dấu bước ngoặt của ngành điện Việt Nam với việc điện lưới quốc gia được đưa ra cấp điện cho "đảo ngọc" Phú Quốc bằng đường cáp ngầm xuyên biển 110kV Hà Tiên - Phú Quốc thay thế hoàn toàn nguồn điện diesel tại chỗ. Ðến nay, thành phố Phú Quốc có 324 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư với vốn đăng ký gần 388.000 tỷ đồng, có 52 dự án đi vào hoạt động. Năm 2022, thành phố Phú Quốc thu ngân sách nhà nước gần 6.000 tỷ đồng, chiếm hơn 51% thu ngân sách của tỉnh Kiên Giang.

Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Phú Quốc Huỳnh Quang Hưng, công trình đường dây 220kV vượt biển Kiên Bình - Phú Quốc đưa vào khai thác sẽ tạo điều kiện quan trọng cho địa phương phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời góp phần giữ vững chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Nguồn điện vượt biển được ví như "mạch máu" đã khơi thông và đi trước một bước, giúp cho "đảo ngọc" Phú Quốc chắp thêm đôi cánh bay xa hơn nữa trên con đường trở thành trung tâm nghỉ dưỡng sinh thái, giải trí cao cấp quốc gia, khu vực và quốc tế,... 

Link gốc

 

Theo: Nhân dân