Ảnh minh họa.
Cuốn sổ tay, tập trung vào Phát triển Dự án (Tập 1) và Tài chính Dự án (Tập 2), được cho là một tài liệu quý cho tất cả các bên liên quan tham gia vào quá trình phát triển và đầu tư điện gió ở Việt Nam.
Năm 2015, điện tái tạo (sinh khối, gió, mặt trời) chiếm 5,4% trong tổng công suất sản xuất điện 39 GW. Theo quy hoạch điện VII đã điều chỉnh được Chính phủ phê duyệt, năm 2030, điện tái tạo sẽ chiếm 21% trong tổng công suất điện, trong đó điện sinh khối 2.000 MW, điện gió 6.000 MW, điện mặt trời 12.000 MW.
Tại buổi hội thảo giới thiệu cuốn sổ tay "Hướng dẫn đầu tư điện gió" ở TPHCM ngày 29-9, ông Peter Cattelaens, quản lý dự án ”Hỗ trợ mở rộng quy mô điện gió”, cho rằng đây là mục tiêu rất tham vọng, khẳng định cam kết của Chính phủ Việt Nam với các nguồn năng lượng sạch.
Nhưng ông Peter cho rằng để thực hiện mục tiêu này, Chính phủ phải giúp các doanh nghiệp vượt qua một số rào cản: giá mua điện gió đang thấp, hạn chế các khoản huy động vốn (vì giá mua điện gió thấp, chưa hấp dẫn nhiều nhà đầu tư và các ngân hàng), thiếu thể chế và các khung pháp lý hỗ trợ doanh nghiệp tham gia điện gió, hạn chế về truyền tải và phân phối điện.
Ông Bùi Văn Thịnh, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty điện gió Thuận Bình, cho biết để xây dựng nhà máy điện gió, công ty ông phải mất 6 năm để khảo sát và xin cấp 7 giấy phép. Những giấy phép cơ bản từ tỉnh và Bộ Công Thương xin không khó lắm, nhưng những giấy phép tưởng chừng là thứ yếu lại xin rất khó khăn, như xin phép đấu nối địa bàn dự án với đường quốc lộ, giấy phép xin độ cao tuabin để không ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng, giấy phép sử dụng chất nổ để đào móng trụ tuabin, giấy phép xin vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng...
Công ty Thuận Bình vừa đưa nhà máy điện gió Phú Lạc có tổng công suất 24 MW, xây dựng trên diện tích 400 ha tại xã Phú Lạc, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận vào hoạt động chỉ sau thời gian 10 tháng thi công, chính thức hòa điện lưới quốc gia ngày 1-9-2016. Toàn bộ công việc thi công công trình trong thời gian rất ngắn này đều do các nhà thầu Việt Nam đảm nhận, chứng tỏ đội ngũ kỹ thuật Việt Nam đã đủ trình độ để phục vụ cho chiến lược phát triển điện gió quốc gia.
Dự án ”Hỗ trợ mở rộng quy mô điện gió” có tổng kinh phí 6,9 triệu euro được GIZ triển khai từ năm 2014 đến năm 2018 với sự tài trợ của Chính phủ Đức nhằm hỗ trợ chính phủ Việt Nam phát triển thị trường điện gió thông qua ba lĩnh vực hoạt động chính là: xây dựng khung pháp lý, nâng cao năng lực và hợp tác công nghệ. Từ năm 2014 đến nay, dự án đã đào tạo, tư vấn cho nhiều người hoạt động trong các lĩnh vực liên quan đến điện gió ở Việt Nam.