Xã hội hoá bảo vệ đường dây- những sáng kiến độc đáo.
|
Công nhân CTyTT2 bảo dưỡng DZ500kV địa phận Quảng Nam- Ảnh: Ngọc Hà
|
Đường dây 500 kV hầu hết đi qua rừng núi, nơi sinh sống của bà con dân tộc chủ yếu du canh du cư nên việc bảo vệ khá phức tạp. Tình hình vi phạm hành lang an toàn và mất cắp tại các trạm bảo vệ đường dây thường xuyên xảy ra, tình trạng đốt nương rẫy, cháy rừng là nguy cơ cao ảnh hưởng đến sự an toàn cho đường dây. Mùa khô bà con Tây Nguyên có tập quán tưới phun sương cho cây cà phê dưới hành lang điện gây nguy hiểm cho đường dây. Để đảm bảo an toàn lưới điện, các đơn vị Truyền tải điện khu vực đã đào tạo và hướng dẫn lực lượng bảo vệ, nhân dân địa phương học tập, nâng cao kiến thức về điện, công tác phòng cháy chữa cháy, an ninh nhân dân…Ở vùng trồng cà phê dưới hành lang điện, anh em hướng dẫn bà con thay phương pháp tưới phun sương bằng tưới dí, thay cây cao su, cà phê bằng cây mì (sắn).
Công ty truyền tải điện 1 còn ký quy chế phối hợp với chính quyền địa phương và các đơn vị quân đội đóng trên địa bàn, đưa công tác bảo vệ đường dây 500 kV vào tận nghị quyết của cấp huyện, xã nơi có đường dây đi qua. Nhiều địa phương ở Thanh Hoá còn chăng khẩu hiệu “tích cực bảo vệ hệ thống đường dây 500 kV”. Công ty còn phối hợp với địa phương tổ chức những cuộc thi tìm hiểu về đường dây 500 kV với hàng ngàn người tham gia, trong đó có cả cụ già đã 80 tuổi, em nhỏ 14 tuổi cũng tham gia.
Ông Đỗ Đức Hùng, chủ tịch công đoàn Công ty truyền tải điện 1 tự hào “khoe khéo”: Không ngờ nhiều người tham gia đến thế, anh em phải mang cả ô tô để chở bài thi. Cũng tưởng chỉ khuấy động phong trào giáo dục ý thức bảo vệ đường dây là chính nhưng thực sự là bà con rất có ý thức tìm hiểu vấn đề. Ở Nghệ An nổi bật với phong trào “Không vi phạm an toàn đường dây” phát triển sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân. Những sự cố liên quan đến đường dây như sét đánh, sứ vỡ, sạt lở chân móng cột, đốt nương rẫy…đều được nhân dân thông báo kịp thời. Bà con bảo nhau không khai thác đất, đá, sỏi gần móng chân cột, chặt bỏ cây trồng gần hành lang có nguy cơ gây mất an toàn cho đường dây.
Đặc biệt, công ty còn vận động nhân dân địa phương chuyển đổi cơ cấu kinh tế cây trồng dưới hành lang. Vận động địa phương, các nông, lâm trường, đơn vị chủ quản tạo điều kiện cho nhân dân canh tác trong hành lang lưới điện an toàn được vay vốn ưu đãi để bà con chuyển từ cây mía sang trồng các loại cây khác, tạo thuận lợi cho quá trình quản lý vận hành đường dây. Việc khoán quản cột điện cho từng người cũng làm cho anh em có ý thức hơn. Ở nhiều nơi, anh em ghi số điện thoại lên các thân cột điện để khi có sự cố bà con có thể gọi điện được nhanh chóng.
Các công ty truyền tải điện 2,3,4 cũng rất chú trọng công tác tuyên truyền đến tận người dân, tổ chức những buổi giao lưu văn nghệ kết hợp tuyên truyền, mời bà con cùng tham gia quản lý và có chính sách đãi ngộ thoả đáng. Tăng cường mối quan hệ, gây cảm tình với người dân. Không chỉ thăm hỏi tặng quà lúc đau ốm, hiếu hỉ, lễ tết mà còn phải hết lòng với bà con những lúc khó khăn hoạn nạn. Trận bão lũ năm 2008 ở Lào Cai nhiều móng cột bị sạt lở trong khi ô tô ứng cứu không vào được, nếu không có bà con ra giúp chằng néo cột thì hậu quả không tính hết được. Tại vị trí cột 2831 của truyền tải điện ĐakLak (công ty truyền tải điện 3), khi bị lũ cột có nguy cơ bị đổ, bà con không quản nguy hiểm bơi qua suối báo cho đội kịp thời, cứu một “bàn thua trông thấy” cho ngành điện và cả xã hội. Vì chỉ cần một cột bị sập là toàn hệ thống điện sẽ bị tê liệt để chờ sửa chữa hàng tuần, thậm chí hàng tháng, tổn hại kinh tế sẽ rất lớn. Đó là chưa kể những tai nạn về người có thể xảy ra.
Chuyện tình theo những tuyến đường dây
Ấn tượng đầu tiên của tôi là hầu như “lính truyền tải” hầu hết đều ở vùng đồng bằng tự nguyện lên vùng sâu, vùng xa ở lại với đường dây tải điện. Tôi tranh thủ ghé thăm khu tập thể của đội đường dây 500 kV Bình Phước (Công ty Truyền tải Điện 4).
Gọi là khu tập thể nhưng chỉ có 4 gia đình và 3 anh chàng “lính phòng không”. Khu tập thể và trường cấp 1 chỉ cách nhau 1 bức tường rào. Thật thú vị khi biết rằng cả 4 vị nội tướng của 4 gia đình đều là các cô giáo được “câu” từ bên kia hàng rào về. Tất cả đều quê ở Nghệ An, Thanh Hoá, Hải Phòng lên đây lập nghiệp.
Anh Hàn Thạch Quang, trưởng truyền tải điện Kon Tum- Gia Lai cho biết, dọc theo tuyến đường Trường Sơn có rất nhiều ngôi làng truyền tải với những đôi lứa nên duyên từ các chàng trai truyền tải và các cô giáo, có lẽ họ dễ đồng cảm với nhau do cùng phải công tác xa nhà. Cuộc sống ở rừng Trường Sơn dẫu còn khó khăn, vất vả, thiếu thốn nhưng cuộc sống của những gia đình công nhân ở đây thật vui vẻ, ấm áp. Không chỉ có những mối tình “thợ điện- nhà giáo” mà những mối tình “công- nông liên minh” cũng không ít. Anh Lê Đức Hiếu (truyền tải điện Kon Tum) quê ở Nghệ An, sau những lần đi tuyến đã cưới 1 cô gái Bình Định đưa lên Kon Tum lập nghiệp và đến nay họ đã yên phận, “có đuổi cũng không về quê” như Hiếu nói.
Tôi còn nhớ câu chuyện của một anh cán bộ tổ chức đã có phải tiếp một “mế” trong bản ra bắt vạ: con A Mai nhà tao đang doạ ăn lá ngón vì một “cán bộ điện” cứ đến chọc sàn nó, giờ lại không thấy đâu nữa. Anh toát cả mồ hôi vì lý lịch, hoàn cảnh gia đình, tính nết của tất cả mọi người anh đều nắm hết nhưng còn chuyện anh chàng nào đi chọc sàn nhà cô nào thì anh “bó tay”. Dò hỏi mãi anh cũng tìm ra “thủ phạm” nhưng vấn đề là anh chàng kia chỉ đi chọc sàn cho vui chứ không có ý định nghiêm túc. Nếu không giải quyết được vụ này thì mất hết “tình nghĩa công- nông”. Rất may là cuối cùng anh chàng kia cũng xiêu lòng và bây giờ họ đã 2 con, sống rất hạnh phúc.
Bản thân anh Quang cũng đã “bén rễ xanh cây” ở một nhà dân. Không những thế anh còn “rủ rê” thêm 2 anh trong đội về làm anh em cọc chèo với mình “vừa để có người uống rượu, vừa phòng khi sự cố còn ứng cứu cho nhau” - anh cười hóm hỉnh. Còn những ai quyết bám trụ ở quê hương như anh Minh, anh Thắng thì đành mỗi năm đôi lần nghỉ phép, nghỉ tết. Mọi việc chăm sóc mẹ già con nhỏ đành phó mặc cho vợ. Anh Thắng tâm sự: Thương vợ con lắm nhưng chẳng biết làm sao, có lẽ chờ đến khi về hưu rồi mới bù đắp được cho vợ. Đúng là những hy sinh chỉ người trong cuộc mới hiểu.
Kỳ III: Trưởng thành