|
Công nhân vận hành trạm 500 kV Pleiku. Ảnh: Ngọc Hà
|
Sau 15 năm vận hành, những người thợ truyền tải đã “lớn lên” từng ngày, đã không còn tình trạng hơi hỏng đường dây là phải cắt điện toàn tuyến để chờ sửa chữa. Những sự cố đường dây và trạm biến áp giảm dần. Có được như vậy là nhờ sự tìm tòi sáng tạo của đội ngũ cán bộ công nhân viên ngành điện cũng như sự nỗ lực đầu tư tiếp cận khoa học công nghệ mới trong việc quản lý vận hành đường dây của EVN.
Quản lý đường dây bằng công nghệ hiện đại
Với sự có mặt của đường dây 500 KV mạch 1 và mạch 2, hiện nước ta đang có 2 đường dây 500 KV dài nhất Đông Nam Á. Bên cạnh niềm tự hào còn nỗi lo thử thách về quá trình quản lý, vận hành đòi hỏi kỹ thuật hiện đại, cần đội ngũ kỹ thuật năng động, trí tuệ và bản lĩnh. Phải thừa nhận, những ngày đầu xây dựng và vận hành đường dây 500 kV mạch 1, cán bộ công nhân ngành điện còn khá lúng túng. Như lời một cán bộ ngành điện: lúc đó bên điều độ chỉ làm mỗi việc cắt điện.
Nhờ sự tìm tòi, sáng tạo, quyết tâm học hỏi mà đội ngũ cán bộ công nhân ngành điện ngày càng trưởng thành. Tới khi đường dây 500KV mạch 2 đi vào hoạt động đã thực sự đưa hệ thống điện Việt Nam lên tầm cao mới cả về quy mô và kỹ thuật, đánh dấu sự trưởng thành của cán bộ công nhân viên ngành điện, chứng tỏ khả năng làm chủ công nghệ hiện đại, tiên tiến ngang bằng với trình độ của thế giới trong truyền tải điện siêu cao áp và điều khiển hệ thống điện hợp nhất. Từ chỗ phải dựa vào tư vấn nước ngoài trong thiết kế, tính toán, giám sát xây dựng, thí nghiệm, vận hành đường dây siêu cao áp 500 kV, đến nay, ngành điện đã có thể chủ động tự mình xây dựng thêm nhiều tuyến đường dây siêu cao áp mới như đường dây 500 kV Pleiku-Yaly, đường dây 500 kV Phú Mỹ-Nhà Bè-Phú Lâm, đường dây 500 kV Pleiku-Phú Lâm mạch 2, đường dây Pleiku-Dốc Sỏi-Đà Nẵng, Đà Nẵng-Hà Tĩnh và Hà Tĩnh- Nho Quan- Thường Tín và hàng loạt công trình 500 kV khác đang được khẩn trương đầu tư ở các miền nhằm hoàn thiện hệ thống truyền tải siêu cao áp và giải phóng công suất của các nhà máy điện đã và đang xây dựng. Chỉ trong một thời gian rất ngắn, các cán bộ kỹ sư ngành điện đã đủ sức tự mình điều hành, tính toán nghiên cứu hệ thống, chỉnh định rơ le bảo vệ, thí nghiệm, bảo dưỡng và sửa chữa đường dây.
Từ cuối năm 1999, EVN bắt đầu triển khai công nghệ sửa chữa nóng đường dây 500 kV và đến nay, công nghệ này đã được áp dụng thường xuyên trên hệ thống. Hệ thống thông tin quang lần đầu trang bị trên hệ thống 500 kV phục vụ cho thông tin ngành điện và viễn thông công cộng cũng như an ninh quốc phòng đã được vận hành tốt, đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật. Đến nay, ngành điện đã phát triển thêm nhiều tuyến thông tin quang khác, nâng cấp thông tin đường trục Bắc- Nam lên 2.5 Gbit/s thay cho 34 Mbit/s và triển khai nhiều dịch vụ viễn thông trên các tuyến thông tin quang của mình. Khai thác công nghệ SCADA giúp tự động hoá quá trình quản lý lưới điện truyền tải, tăng độ tin cậy của hệ thống. Công nghệ hàn Cadweld trong xử lý các mối nối tiếp xúc, sử dụng hoá chất Gem nhằm giảm trị số điện trở của hệ thống tiếp địa, việc trang bị thiết bị Corocam ghi hình vầng quang điện trên chuỗi sứ giúp kịp thời ngăn chặn sự cố do phòng điện bề mặt sứ.
Công nhân vận hành trạm biến áp 500 kV Đà Nẵng thường xuyên kiểm tra kỹ thuât thiết bị, phòng ngừa sự cố. ảnh : Ngọc Hà
Đặc biệt, công ty truyền tải điện 3 đang thí điểm sử dụng sứ composit lắp cho đường dây 500 kV đã có hiệu quả đặc biệt vì tiếng kêu phóng điện êm hơn, cách điện tốt hơn, giảm hẳn khả năng bám bụi, không phát hồ quang điện. Công ty truyền tải điện 1 lắp đặt chống sét van cho các đường dây đã giảm hẳn sự cố do sét đánh. Bên cạnh đó, công nghệ lắp đặt hệ thống trụ dự phòng khẩn cấp (trụ Kema) để thay thế đường dây trong thời gian sửa chữa ở công ty truyền tải điện 2 đã giảm hẳn thời gian cắt điện trên đường dây, công nghệ giám sát dầu online và phóng điện cục bộ MBA để sớm phát hiện nguy cơ gây sự cố MBA ở các đơn vị đã làm cho quá trình vận hành MBA 500 kV tốt hơn…
Nỗi niềm người trong cuộc
Để bảo vệ được các chân cột điện 500 kV, “dân truyền tải” không chỉ lo phát cây, phòng cháy để giữ hành lang tuyến mà còn phải chống lũ phòng sạt lở. Truyền tải điện Phước Sơn (Công ty truyền tải điện 2) có một số vị trí cột nằm cheo leo trên đỉnh Trường Sơn. Để giữ mỗi cột điện, anh em phải huy động hàng trăm người, vận chuyển hơn 700 m3 bê tông (chưa kể đá sỏi) làm việc trong 3 tháng trời để xây kè dẫn dòng tránh xói lở. Khó khăn là ở chỗ đường lên chân cột rất khó khăn.
Trong chuyến đi này, chúng tôi có dịp đến chân cột 2603 tại xã Cư Né, huyện Krông Búc (ĐăkLăk) là nơi đã từng bị sạt lở chân móng năm 2007. Chân cột chỉ cách đường quốc lộ 14 có gần 300 m, lại chưa phải mùa mưa mà chúng tôi vẫn thở ra đằng tai. Phần vì đường quá gập ghềnh, phần vì quá dốc. Thế nhưng anh Võ Duy Thắng- trưởng truyền tải điện Đăk Lăk cho biết: Đây là một trong những vị trí có đường giao thông thuận lợi nhất, ở nhiều tuyến khác nhà báo có muốn vào cũng chịu vì xa đường quốc lộ tới 6-7 km, lại toàn đèo dốc cheo leo.
Được biết, toàn tuyến đường dây 500 kV có khoảng 1.000 con đường công vụ thì hầu hết phải đi qua những địa hình rất hiểm trở. Để vào tuyến, thời gian đầu anh em còn tận dụng đường thi công nhưng lâu ngày đã bị mưa lũ, sụt lở không thể đi được. Muốn đi kiểm tra sửa chữa, công nhân phải đi bộ mất hàng giờ, thậm chí hàng buổi. Anh em rất muốn sửa đường nhưng lại vướng “cơ chế” vì những con đường công vụ này không được coi là tài sản cố định nên khi xảy ra hư hỏng thì không có kinh phí sửa chữa. Anh em phải mang vác đi bộ vừa mất thời gian vừa giảm tiến độ công việc. Các đơn vị truyền tải đều mong EVN sớm nghiên cứu cơ chế để các đơn vị chủ động trong quản lý vận hành.
Bên cạnh đó, vấn đề tuổi tác của những lực lượng trực tiếp làm việc trên cao cũng đang làm đau đầu các nhà quản lý. Bởi vì trèo cao trên đường dây 500 kV là nghề đặc biệt nặng nhọc độc hại nguy hiểm, đến lứa tuổi 40- 50 anh em rất khó tiếp tục công việc nhưng chưa đủ tuổi về hưu. Hơn nữa không phải ai cũng có điều kiện, trình độ để chuyển sang việc khác cho phù hợp. Đó là chưa kể chuyện con cái theo bố mẹ đến vùng sâu vùng xa không chỉ thiệt thòi vì điều kiện sinh hoạt xã hội thiếu thốn mà còn rất khó khăn trong việc học hành. Thực tế có rất nhiều gia đình đã có tới thế hệ thứ 3 nối nghiệp truyền tải (chủ tịch công đoàn Đỗ Đức Hùng cũng là thế hệ thứ 2) nhưng nỗi lo học hành cho con cái cũng ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý anh em. Ở một số địa bàn như ĐăkGlei còn là vùng tiềm ẩn nguy cơ chất độc da cam, mặc dù anh em ở đây được hưởng chính sách ưu đãi cao hơn nơi khác nhưng những khó khăn, thiệt thòi anh em phải chịu thì không gì bù đắp nổi.