Công trường mùa nước rút
Suốt dọc tuyến trải dài 6 tỉnh, thành phố (Gia Lai, Đăk Lăk, Đăk Nông, Bình Phước, Bình Dương và TP. HCM), 15 nhà thầu xây lắp đồng loạt thi công. Đến đâu cũng rộn ràng khí thế công trường mùa nước rút. Ông Nguyễn Trung Kiên, Phó trưởng Ban điều hành của Công ty xây lắp điện 4 (PCC4) cho biết, PCC4 đảm nhận kéo dây 73 km trên địa bàn 3 tỉnh Gia Lai, Đăk Lăk, Đăk Nông. Hiện công ty huy động gần 200 người, làm việc từ 6h sáng cho đến hết nắng. Chỗ nào cũng thấy công nhân đang hối hả đào móng, dựng cột. Trời không nóng lắm nhưng lưng áo ai cũng đẫm mồ hôi. Không khí rất khẩn trương nhưng không có sự hò hét ồn ào mà người nào việc ấy như đã được lập trình sẵn. Một anh thợ nói vui, đã lâu rồi chúng tôi không biết ngày nào là chủ nhật, bởi vì tất cả mọi ngày đều ở công trường. Theo ông Đặng Văn Nghĩa, Phó TGĐ PCC1, đang mùa khô nên thời tiết khá thuận lợi, anh em phải tận dụng tối đa thời gian để hoàn thành khối lượng móng cột, dự kiến khoảng đầu tháng 1/2014 sẽ đồng loạt kéo dây. Cũng theo ông Nghĩa, căng thẳng nhất là công đoạn kéo dây qua những điểm giao chéo với đường điện vì phụ thuộc vào thời gian cắt điện, qua rừng cây công nghiệp thường vướng khâu giải phóng mặt bằng. Vì vậy khi kéo dây là phải huy động nhân lực lên gấp rưỡi để đẩy nhanh tiến độ. Những đoạn khó khăn sẽ dùng khinh khí cầu hỗ trợ.
Những bữa cơm giữa trời
12 giờ trưa, anh nuôi gánh cơm đến từng chân cột. Một chiếc túi đựng khẩu phần ăn trưa được kéo lên tận đỉnh cột. Cơm, rau, thịt đựng trong hộp, canh trong túi ni lông, nước trong chai. Đôi khi có cả sữa tươi, nước tăng lực bồi dưỡng thêm. Mọi người tranh thủ ăn thật nhanh, sau đó tựa vào cột điện thư giãn 15 phút. Đó là giây phút thảnh thơi nhất của người thợ khi ở giữa trời. Khi tôi hỏi cảm giác ăn cơm trên đỉnh cột, một anh hóm hỉnh: đây là thú vị nho nhỏ của riêng thợ đường dây. Dù trời cao nắng chói chang hay gió vù vù, có lúc mây bay qua mặt, mấy anh em ngồi ung dung tự tại giữa trời, vừa ăn vừa có cảm giác "bay trên đầu thế kỷ nhân gian", chỉ tiếc không biết làm thơ và không thể rời dây bảo hiểm. Tuy nhiên, ông Nguyễn Hữu Ý, Phó giám đốc PCC2 chia sẻ: anh em lạc quan thế thôi chứ rất gò bó. Trên độ cao 70 m tương đương nhà 20 tầng, ăn cơm trên cột cũng là bất đắc dĩ để tiết kiệm sức khỏe và thời gian chứ hạnh phúc nhất vẫn là được xuống đất để duỗi thẳng lưng cho thoải mái. Liệu tết này anh em có ăn bánh chưng giữa trời không? – tôi hỏi. Hy vọng là không, mấy ngày tết chắc phải bố trí công việc hợp lý để anh em được đón tết thoải mái một chút. Một cậu phóng viên trẻ tò mò "đầu vào đã vậy, đầu ra thế nào?", ông Ý cười to: Đây cũng là "bí mật công nghệ" nho nhỏ của thợ đường dây. Những sáng kiến này chỉ truyền cho nhau chứ không bao giờ công khai...
Hạnh phúc nhỏ nhoi
Ông Trần Quốc Lẫm, Phó TGĐ EVN NPT cho biết, khó khăn nhất khi triển khai đường dây 500 kV mạch 3 là sức ép về tiến độ và điều kiện thi công. Làm việc trong điều kiện bình thường đã vất vả, làm việc bên cạnh 1 ĐD 500 kV vẫn đang mang điện còn căng thẳng hơn rất nhiều. Mọi công việc bắt buộc phải phối hợp rất nhịp nhàng, vừa phải đảm bảo thời gian, vừa đảm bảo an toàn, chỉ một sơ suất nhỏ cũng có thể gây hậu quả rất lớn. Với ông, hạnh phúc sau mỗi công trình không chỉ là tiến độ, chất lượng mà trên hết là sự an toàn của người thợ.
Điều ngại nhất của chủ đầu tư và các đơn vị thi công đường dây là việc giải phóng mặt bằng. Mặc dù Chính phủ đã yêu cầu các địa phương phải phối hợp thực hiện nhưng nơi nào cũng đang vướng giải phóng đền bù. Nhiều khi các đơn vị thi công phải vừa làm vừa chờ mặt bằng. Còn nhớ khi thi công đường dây 500kV Tân Định-Phú Lâm, đã sát ngày đóng điện trả lại lưới 500kV mà ở trụ điện cuối cùng, người dân vẫn cương quyết không chịu bàn giao mặt bằng. Nhiều người đã tính đến phương án cưỡng chế bảo vệ thi công nhưng chủ đầu tư vẫn kiên trì thuyết phục, phải đến lần thứ 20 ra vào vận động bà con mới chịu. Tất cả thở phào. Ông Lẫm kết luận: luật pháp cũng không bằng dân vận, quan trọng là phải thuận "ý Đảng, lòng dân".
Là người từng có mặt trên rất nhiều dự án lưới điện quan trọng từ Nam ra Bắc, thời gian nghỉ ngơi chủ yếu của ông ông Nguyễn Đức Tuyển – Giám đốc Ban Quản lý dự án điện miền Trung (AMT) là tranh thủ chợp mắt trên xe khi di chuyển giữa các điểm thi công. Đây cũng là tình trạng chung của lãnh đạo NPT vì họ luôn rong ruổi trên từng cây số đến từng vị trí thi công tại các công trường để kiểm tra, giám sát, nắm bắt tình hình, tháo gỡ khó khăn. Có anh em gia đình ở xa, sức ép tiến độ lại quá căng thẳng nên đã gần năm trời chưa về thăm gia đình, thậm chí có người đột quỵ tại công trường vì làm việc quá căng thẳng. Thế nhưng không ai rời bỏ công việc. Anh Thắng (PCC1) quê Thanh Hóa, vợ mới sinh con trai nhưng cũng đã 6 tháng rồi chưa về nhà. Anh đã xác định tết này ở lại công trường, sau tháng 4, đường dây đi vào vận hành sẽ xin nghỉ phép. Anh tâm sự: vất vả nhưng tự hào. Mỗi khi ngắm những đường dây hùng vĩ trải dọc đất nước có mồ hôi, công sức của mình đóng góp, lại thấy hạnh phúc biết bao.