Hàng trăm công nhân truyền tải làm việc liên tục để công trình cán đích. Ảnh: Nguyên Thảo.
Vượt lên khó khăn
Theo Ban quản lý dự án các công trình điện miền Nam, đường dây 500kV Vĩnh Tân-Sông Mây có quy mô 2x235km với tổng mức đầu tư 2.988 tỷ đồng. Đơn vị thiết kế là Cty CP Tư vấn xây dựng Điện 2. Đơn vị thi công gồm 6 đơn vị liên danh và nhà thầu theo 6 gói thầu xây lắp.
Công trình được khởi công vào tháng 3/2011, dự kiến hoàn thành vào tháng 11/2013. Theo dự kiến, giai đoạn một sẽ đóng điện vận hành một mạch 220kV để cấp điện thử nghiệm cho Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2.
Ông Nguyễn Hữu Ý, Phó Giám đốc Cty Xây lắp điện 2, đơn vị thi công đường dây 500kV đoạn nằm trên địa bàn huyện Bắc Bình (tỉnh Bình Thuận) cho biết, việc dựng và kéo đường dây bắt đầu được triển khai từ cuối năm 2011.
Đánh giá khó khăn trong quá trình thi công, ông Ý cho biết khó khăn lớn nhất là việc cung cấp vật tư, phần cột đã ảnh hưởng đến tiến độ thi công chung nhưng nhờ sự phối hợp với ban A, công trình được cấp vốn kịp thời nên đã đưa công trình cán đích vào ngày 28/8.
“Tinh thần làm việc của công nhân, kỹ sư đã hết sức cố gắng. Khi có đầy đủ vật tư, tất cả mọi người đều làm việc từ 5 giờ sáng cho đến tối muộn mới nghỉ”, ông Ý nói. Cao điểm trên công trình toàn tuyến có khoảng 500 công nhân, kỹ sư làm việc, chỉ tính riêng một nút dài gần 40km có khoảng 60 người.
Ông Trần Phước Hải, công nhân chi nhánh 4, Công ty Xây lắp điện 2, người đã có thâm niên trong nghề 30 năm đánh giá đây là nút công trình đòi hỏi kỹ thuật cao, tỉ mỉ và chính xác. “Trong quá trình làm, công việc căng thẳng, vẫn có sai sót nhất định, tuy nhiên sai sót trong mức cho phép, công nhân tự tìm cách khắc phục và làm chính xác đến từng chi tiết”, ông Hải nói.
Anh Đỗ Trọng Lực, một công nhân trẻ mới được bổ sung làm việc tại công trình đường dây Vĩnh Tân-Sông Mây hơn 2 tháng, mặc dù đã có kinh nghiệm làm việc trên những đường dây 220kV nhưng đến công trình 500kV, anh cùng các đồng nghiệp phải tập trung, chú ý và cẩn thận hơn so với các công trình khác.
Đẩy mạnh giải phóng mặt bằng
Để hoàn thành dự án, kinh phí giải phóng mặt bằng là 121,242 tỷ cho các hộ bị ảnh hưởng. Trong đó, để phục vụ đóng điện giai đọan một, phần móng trụ đã thi công được 193/193 vị trí. Trong đó, có 179 vị trí đã có phương án bồi thường, 171 vị trí đã nhận tiền, một vị trí mới phê duyệt chờ chi trả, bảy vị trí chưa nhận tiền do khiếu nại về đơn giá, 13 vị trí là đất công không có tài sản trên đất, một vị trí đang trình thẩm định.
Tổng số hộ bị ảnh hưởng tại phần hành lang là 945 hộ, trong đó có 913 hộ đã có phương án bồi thường, 860 hộ đã nhận tiền, 30 đang xếp lịch chi trả, 23 hộ không nhận do khiếu nại về đơn giá, hai hộ không đến nhận, 10 hộ đất công nên không bồi thường, 22 hộ đang thẩm định.
Theo ông Nguyễn Hữu Ý, công tác giải phóng mặt bằng trên địa bàn huyện Bắc Bình (tỉnh Bình Thuận) tương đối tốt. Một số hộ dân còn vướng thủ tục đất đai, hồ sơ pháp lý không chặt chẽ nhưng những khó khăn này không đáng kể.
Theo lãnh đạo Ban quản lý dự án các công trình điện miền Nam, hện, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng phục vụ đóng điện cho toàn công trình, đoạn qua tỉnh Bình Thuận đã thi công 324/325 vị trí, còn vướng vị trí 2302 tại huyện Hàm Tân, đang xử lý tịnh tiến vị trí (XLĐ 4).
Ngày 28/8, EVN-NPT đã tổ chức đóng điện công trình đường dây 500kV Vĩnh Tân-Sông Mây giai đoạn 1 (vận hành ở điện áp 220kV cấp điện vận hành thử nghiệm Tổ máy số 1, Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2). Quy mô của dự án gồm: Xây dựng mới đường dây dẫn điện trên không điện áp 500kV, 2 mạch, dây dẫn phân pha 4, chiều dài 236km từ Trạm biến áp 500kV Vĩnh Tân đến Trạm biến áp 500kV Sông Mây với tổng mức đầu tư trên 2.988 tỷ đồng. Đường dây đi qua địa bàn Bình Thuận và Đồng Nai.