Không gây hiệu ứng nhà kính
Một trong những băn khoăn lớn nhất của người dân là ảnh hưởng của phóng xạ từ các lò phản ứng hạt nhân tới môi trường sống. Tuy nhiên, tất cả các đại biểu đều rất phấn khởi khi tận mắt tham quan lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt và được ông Nguyễn Nhị Điền- Viện trưởng Viện nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt giới thiệu về ĐHN là nguồn năng lượng sạch, an toàn, không thải khí nhà kính. Ông Điền khẳng định, ĐHN sẽ đóng vai trò ngày càng quan trọng trong các mục tiêu an ninh năng lượng và phát triển bền vững ở thế kỷ 21.
Già Làng, trưởng bản của Ninh Thuận tham quan lò phản ứng hạt nhân tại Đà Lạt. Ảnh: Ngọc Loan
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ô nhiễm không khí do sử dụng nhiên liệu hóa thạch làm gần 3 triệu người thiệt mạng mỗi năm. Con số này sẽ tăng gấp 3 lần vào năm 2025.
Từ sau Nghị định thư Kyoto (11/12/1997), cộng đồng thế giới đã có những nỗ lực nhằm giảm khí thải nhà kính. Tuy nhiên, các quốc gia muốn phát triển kinh tế thì phải gia tăng nguồn năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch là loại nhiên liệu phát thải lượng khí nhà kính khổng lồ. Sự mâu thuẫn này đang là bài toán hóc búa đối với mọi quốc gia.
Giải pháp hữu hiệu nhất hiện nay là sử dụng các loại năng lượng tái tạo từ gió, nước, mặt trời, năng lượng hạt nhân để tạo ra điện năng mà không thải CO2 hay các loại khí nhà kính khác. Trong đó, năng lượng hạt nhân được coi là lựa chọn duy nhất có khả năng cung cấp một lượng điện sạch khổng lồ trên phạm vi toàn cầu.
Theo công bố mới đây của Hội Hóa học Mỹ, việc sử dụng ĐHN trên toàn cầu giai đoạn 1971 - 2009 đã giảm được khoảng 64 tỷ tấn khí thải gây hiệu ứng nhà kính từ việc sử dụng than đá và các nhiên liệu hóa thạch khác. Đến giữa thế kỷ 21,ĐHN có thể ngăn chặn được khỏang 7 triệu người tử vong vì ô nhiễm, ngăn được phát thải khoảng 80-240 tỷ tấn khí nhà kính.
Theo kịch bản mới nhất của IAEA, vào năm 2035, tổng năng lượng hạt nhân toàn cầu sẽ tăng 70% và thị phần của ĐHN sẽ lên tới 19,8%. Tại Việt Nam, trước mắt sẽ xây dựng 2 nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận. Công suất mỗi nhà máy 2000 MW (2x1000MW). Dự kiến nhà máy Ninh Thuận 1 sẽ vận hành thương mại vào năm 2020. |
Thông điệp tại Hội nghị "Năng lượng hạt nhân thế kỷ 21" diễn ra tại Liên Bang Nga cuối tháng 6 vừa qua đã nhấn mạnh: ĐHN không những đạt được mục tiêu môi trường, hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu, mà còn giải quyết bài toán giá thành và an ninh năng lượng cho các quốc gia.
Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) cũng khẳng định tiềm năng to lớn của ĐHN thông qua giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính cũng như góp phần giải quyết các thách thức về môi trường. Ngoài việc tạo ra điện sạch, năng lượng tạo ra từ ĐHN có thể được sử dụng để lọc nước biển với quy mô rất lớn, góp phần giải quyết tình trạng thiếu nước sạch mà hơn một nửa dân số thế giới sẽ phải đối mặt vào năm 2025. Đặc biệt, các công nghệ hạt nhân còn giúp con người trong y học,nông nghiệp, công nghiệp, khoa học môi trường
Hiện nay, nhiều quốc gia đang khuyến khích triển khai các dự án ĐHN nhằm tạo ra sự chuyển biến tích cực về khí hậu, đồng thời đạt được những mục tiêu về an ninh năng lượng. Liên minh Châu Âu (EU) đã khẳng định sẽ xem sự phát triển năng lượng tái tạo và năng lượng hạt nhân là chiến lược cấp bách nhằm giúp EU tạo ra cơ cấu năng lượng ít carbon trong tương lai.
Kỳ 2: An toàn và hiệu quà