An toàn và hiệu quả
Tuy nhiên, cùng với việc phát triển ĐHN thì vấn đề an toàn phải được đặt lên cao nhất đối với mọi quốc gia trên thế giới. Vì vậy, IAEA đã xây dựng bộ quy chuẩn về an toàn để các quốc gia khi sử dụng năng lượng hạt nhân phải tuân thủ theo đúng quy định.
Ông Vương Đình Huệ - Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương thị sát địa điểm xây dựng Nhà máy ĐHN Ninh Thuận1 ngày 24/8/2013. Ảnh: N.Loan
Theo ông Nguyễn Nhị Điền- Viện trưởng Viện nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt, phóng xạ tạo ra từ bên trong các lò phản ứng hạt nhân cũng giống như phóng xạ tự nhiên nhưng có cường độ lớn hơn. Tuy nhiên, những lớp chắn phóng xạ tại các nhà máy ĐHN đã tạo môi trường an toàn cho người dân sống xung quanh khu vực nhà máy. Vì vậy, lượng phóng xạ từ nhà máy điện hạt nhân mà con người tiếp xúc là không đáng kể.
Theo ông Điền, các lò hạt nhân đều được bảo vệ triệt để gồm: Ngăn ngừa, kiểm tra, phát hiện, dập tắt các sự kiện bất thường không để biến thành sự cố; cô lập, kiểm soát các sự cố; Ngăn ngừa sự cố có thể làm thoát xạ ra môi trường. Muốn thế, phải chuẩn bị kỹ từ khâu chọn địa điểm, thiết kế, chế tạo và xây dựng; Các hệ thống an toàn (hệ điều khiển, hệ chỉ thị số...) phải hoạt động tốt để điều chỉnh mọi sai lệch về trạng thái bình thường; Các nhân viên vận hành được đào tạo tới trình độ có thể chẩn đoán và kiểm soát được các nguy cơ sự cố.
Ngày nay, mọi lò phản ứng hạt nhân trên thế giới đều tham gia vào một hệ thống của WANO, trong đó các thành viên kiểm tra hoạt động lẫn nhau để đảm bảo các lò phản ứng hạt nhân đều tuân theo những tiêu chuẩn an toàn rất khắt khe của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA). Nhờ đó, các nhà máy ĐHN đều có những chỉ số an toàn rất cao cho công nhân nhà máy và cả cộng đồng dân cư.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, phó Ban QLDA ĐHN Ninh Thuận cho biết, Ninh Thuận 1 sẽ sử dụng công nghệ lò phản ứng hạt nhân hiện đại nhất (VVER-1000). Vấn đề an tòan ĐHN ở Việt Nam tập trung vào 3 nội dung chính: đánh giá tác động môi trường; quản lý môi trường (bức xạ và phi bức xạ) trong xây dựng và vận hành; quan trắc phóng xạ môi trường và văn hóa an toàn. Bằng cách thiết lập và duy trì các biện pháp hữu hiệu nhất, việc vận hành an toàn nhà máy ĐHN luôn được đặt lên hàng đầu nhằm đảm bảo cho mỗi cá nhân, môi trường và toàn xã hội không bị nguy cơ phóng xạ từ nhà máy ĐHN.
Cũng theo ông Hùng, công tác kiểm soát các thiết bị máy móc đưa vào sử dụng phải rất chặt chẽ. Các yêu cầu, tiêu chuẩn về độ tin cậy của lò phản ứng và các thiết bị đồng bộ đòi hỏi rất cao (xác suất hỏng hóc, phá huỷ lò từ 10-6 - 10-7/năm hoặc thấp hơn). Hệ thống văn bản quy phạm, pháp luật chặt chẽ, các chỉ tiêu về môi trường được nâng cao.
Ông Nguyễn Nhị Điền khằng định, hiện nay, tất cả các số liệu về môi trường phóng xạ ở Ninh Thuận, từ trầm tích biến tới các loại thủy sinh sẽ được cập nhật thường xuyên 3 tháng 1 lần để làm cơ sở so sánh khi ĐHN đi vào hoạt động, từ đó đánh giá mức độ nhiễm xạ của môi trường. Các thông tin sẽ được công khai ngay cổng nhà máy và TP Phan Rang.
Ngày nay trên thế giới có khoảng 435 tổ máy điện hạt nhân đang vận hành tại 32 quốc gia. 66 tổ máy đang xây dựng và 162 tổ máy đã có kế hoạch xây dựng.
Tổng điện hạt nhân khoảng 372.00 MW, chiếm 13% lượng điện thế giới. Các nhà máy này vẫn đang vận hành an toàn và đóng góp một phần không nhỏ vào nền kinh tế của mỗi nước. |
Đặc biệt, việc quản lý an toàn nhiên liệu đã qua sử dụng và xử lý các chất thải phóng xạ rất được chú trọng. Với loại lò phản ứng nhanh, chu kỳ nhiên liệu khép kín và tái sử dụng nhiên liệu hạt nhân chính là lựa chọn quan trọng trong việc tăng cường tính bền vững của hệ thống hạt nhân trong tương lai. Khi vận chuyển các vật liệu hạt nhân, người ta sử dụng những thùng chứa được thiết kế rất đặc biệt có khả năng hạn chế tới mức tối đa các nguy hại. Cho đến nay, quá trình vận chuyển những chất thải này cũng như các chất phóng xạ khác phục vụ mục đích nghiên cứu, y học hay liên quan đến ĐHN chưa bao giờ xảy ra hiện tượng rò rỉ phóng xạ gây nguy hiểm.