Quản lý năng lượng

EVN HCMC kêu gọi sử dụng điện tiết kiệm

Thứ năm, 24/5/2018 | 14:30 GMT+7
Do nhu cầu sử dụng điện tăng cao dẫn đến chi phí tiền điện của các hộ dân tăng đột biến, Tổng công ty Điện lực TP. Hồ Chí Minh (EVN HCMC) kêu gọi người dân, cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn cần tăng cường thực hiện các giải pháp sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả, qua đó giảm chi phí tiền điện, góp phần ổn định nguồn điện trên địa bàn.
Nhân viên điện lực tuyên truyền tiết kiệm điện.
 
Ông Phạm Quốc Bảo, Phó Tổng giám đốc EVN HCMC cho biết, trong tháng 4/2018, nhu cầu sử dụng điện tại TP. Hồ Chí Minh cao điểm lên đến 80,31 triệu kWh/ngày, tăng 4,83% so với cùng kỳ năm 2017; công suất cực đại đạt 4.138,5 MW, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2017.
 
Để đáp ứng nhu cầu sử dụng điện của thành phố trong mùa nắng nóng năm 2018, Tổng công ty đã xây dựng phương thức vận hành lưới điện hợp lý không để xảy ra tình trạng đầy, quá tải kéo dài trên lưới điện cao, trung, hạ thế. Một số giải pháp trọng tâm đã được triển khai gồm: đóng điện vận hành các công trình đầu tư xây dựng trọng điểm, gồm 1 công trình lưới diện 220kV và 11 công trình 110kV, với công suất tăng thêm là 500 MVA cấp 220kV và 315 MVA cấp 110kV.
 
Theo kế hoạch, công tác bảo trì, sửa chữa lưới điện có cắt điện đã được hoàn tất từ tháng 3/2018. Trong tháng 4 và tháng 5/2018 sẽ không thực hiện cắt điện có kế hoạch; đẩy mạnh áp dụng các giải pháp thi công sửa chữa điện nóng, đóng kết mạch vòng trung thế, sử dụng máy phát điện, máy biến áp lưu động, rửa sứ cách điện bằng nước áp lực cao để không gây gián đoạn cung cấp điện trong mùa nắng nóng. Bên cạnh đó, Tổng công ty đã xây dựng các kịch bản vận hành lưới điện tối ưu đảm bảo có dự phòng đầy đủ cho từng khu vực; chuẩn bị kế hoạch cung cấp điện chi tiết và tổ chức trực vận hành với nhân lực, phương tiện, vật tư thiết bị dự phòng đầy đủ để bảo đảm xử lý các sự cố lưới điện với thời gian không quá 2 giờ.
 
EVN HCMC cũng đã tính toán các phương án dự phòng, theo đó, Tổng công ty đã xây dựng các kịch bản để điều hành cung cấp điện trong điều kiện hệ thống điện vận hành bình thường cũng như trong điều kiện thiếu từ 1%, 2%, 4%, 6%, 8% đến 10% sản lượng và công suất hệ thống. Trong đó, ưu tiên đảm bảo cung cấp điện cho các phụ tải quan trọng, tăng cường huy động máy phát của khách hàng, hạn chế tối đa cắt tiết giảm điện khi xảy ra thiếu nguồn bất khả kháng, thời gian gián đoạn cung cấp điện khi thiếu nguồn cũng không quá 5 giờ/ngày - ông Bảo cho biết thêm.
Theo: Báo Công thương