Sự kiện

EVN: Không thể lấy tiền điện của dân để 'chiều' VNPT

Thứ hai, 11/1/2010 | 10:38 GMT+7

 “Các doanh nghiệp khác đều đã ký hợp đồng giá thuê cột điện mới mà VNPT cứ đòi giá thấp hơn. Chúng tôi kiên quyết giữ mức giá đó đối với VNPT”, ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam khẳng định với phóng viên chúng tôi như vậy.

PV: Thưa ông, tại sao EVN lại đưa ra mức giá thuê cột điện mới tăng đột biến như vậy, tới 3,98- 8,08 lần so với mức giá cũ mà không phải là tăng dần dần, có lộ trình?

- Các mức giá cũ chỉ có 3.500 – 6.000 đồng/cột/tháng (cột dưới 12,5m) là áp dụng từ năm 2003. 

Ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (ảnh: Phạm Huyền)
Đó là giá rất rẻ, là giá tạm tính thôi, nhằm vào mục đích quản lý hạ tầng cột là chính, chứ không đặt mục tiêu để kinh doanh.

Trước năm 2003, chúng tôi cho treo cáp thông tin trên cột điện thoải mái, không thu một đồng nào. Nhưng chính vì chúng tôi thoải mái quá nên nhiều doanh nghiệp viễn thông cứ thế “bấu” dây cáp vào, nên giờ mới thành những mạng nhện trên trời như vậy.

Bây giờ, sau tới 6-7 năm rồi, nếu cứ để giá rẻ như vậy thì số tiền thuê cột thu về đó không đủ bù chi phí để chúng tôi đi dọn “búi rác” trên trời. Doanh thu 81 tỷ năm 2008 làm sao đủ để dọn "búi rác" trên trời.

Hiện nay, EVN đang phải chi 140 triệu đồng cho một km đường dây để các đơn vị điện lực đi dọn dẹp lại hệ thống cáp ấy, ước lên tới hàng nghìn tỷ đồng/năm, mà còn không biết bao giờ mới dọn xong.

Chúng tôi  không thể lấy tiền điện của dân để “chiều” mấy doanh nghiệp viễn thông được.

PV: Tuy nhiên, nếu EVN cứ giữ giá thì khác nào là ép giá, lợi dụng vị thế độc quyền? Đó là lý do của việc hiệp thương luôn thất bại?

- Chúng tôi chỉ muốn cột điện sạch, vận hành lưới điện cho an toàn chứ đâu phải muốn kinh doanh gì.

Thực tế, chúng tôi đã tạo điều kiện thuận lợi cho VNPT rất nhiều. Từ hồi năm 1994-1995, chúng tôi đã chuyển giao miễn phí 4 sợi cáp quang cho VNPT trên đường dây 500kV.

VNPT cứ đòi tổ chức hiệp thương là vô lý. Giá thuê cột điện đâu phải là nằm trong đối tượng phải nhờ đến Bộ Tài chính, Bộ Công Thương hiệp thương, vì nó không phải là dịch vụ độc quyền.

Nếu không dùng dây cáp, VNPT có thể dùng công nghệ khác như công nghệ không dây, hay là cáp ngầm. Ngay cả dây diện của chúng tôi cũng đang phải hạ ngầm đấy.

Hiện giờ, VNPT và Viettel cũng đã trồng cả triệu cột ở khu vực nông thôn. EVN đâu có độc quyền trồng cột điện!

Sẽ không giảm giá thuê cột điện đối với VNPT

PV: Sau hơn 1 năm đàm phán giá thuê cột điện mới, EVN và các doanh nghiệp viễn thông khác đã đạt được thỏa thuận đến đâu?


 
EVN phải chi hàng tỷ đồng để dọn các "búi rác" trên trời này (ảnh: VNN)

- Nhiều doanh nghiệp viễn thông khác đều sẵn sàng ký hợp đồng giá thuê cột điện mới rồi. Ví dụ như FPT, Viettel, CMC và cả truyền hình cáp đều đã ký hợp đồng, trả tiền rất sòng phẳng.

Thử hỏi, các doanh nghiệp viễn thông nhỏ đều đồng ý ký hợp đồng,  trả tiền sòng phẳng mức giá đó mà sao ông lớn nhất là VNPT lại không chịu?

Cho nên tuần tới, khi họp với VNPT, tôi kiên quyết bảo vệ mức tăng giá đó, không thể có chuyện riêng một mình VNPT giá thấp được.

PV: Vậy, với các mức giá mà VNPT đưa ra, đề nghị thấp hơn tới 70-80% so với mức giá mới tăng của EVN, và chi phí đầu tư cột chỉ có 3,6 triệu đồng, thấp hơn 1 triệu đồng so với EVN công bố.  Ông có ý kiến gì?

- Giá thuê cột mà họ đưa ra là quá bất hợp lý. Thị trường là người bán đưa ra giá, người mua hoặc chấp nhận mua, hoặc bỏ đi, chọn mua nơi khác. Thị trường mà theo kiểu là người khác đã mua rồi, ký hợp đồng rồi mà chỉ mình ông đòi giá thấp? Đó mới là độc quyền.

Về chi phí đầu tư cột mà VNPT tự nghiên cứ, tôi khẳng định là họ tính sai hết, tính thiếu toàn bộ phần chi phí quản lý vận hành, chỉnh trang lại hệ thống dây.

Ngay cả mức 4,5 triệu đồng/cột 8,5m chi phí đầu tư mà chúng tôi công bố hồi đầu năm, đến giờ cũng lỗi thời. Tôi đang cho tính toán, rà soát lại chi phí này, chắc chắn là cao hơn con số 4,5 triệu đồng/cột.

PV: Nhìn ở góc độ là nhà kinh doanh, ông đánh giá gì về mức tác động, gây khó khăn tới sản xuất kinh doanh của VNPT khi tăng thêm 300 tỷ đồng/năm do giá thuê cột điện tăng cao?

- Tôi được biết, lợi nhuận của VNPT lên tới 10.000 tỷ đồng/năm. Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu là tới vài chục phần trăm. Còn EVN lãi rất ít, có 1.000-2.000 tỷ đồng/năm,  tỷ suất lợi nhuận chưa đến 5%, rất thấp. Trong khi đó, vốn đầu tư của EVN lớn hơn nhiều so với VNPT.

Hơn nữa, lĩnh vực kinh doanh của VNPT là lợi nhuận lớn, giá cả theo thị trường. Còn giá điện của chúng tôi là do Chính phủ quyết, vẫn chưa theo thị trường.

300 tỷ đồng tiền chi phí sản xuất tăng lên do giá thuê cột điện, mà so với lợi nhuận 10.000 tỷ đồng/năm thì mức độ ảnh hưởng không đáng kể. Cho nên, nếu có tăng giá thuê cột đột biến, tôi nghĩ là họ cũng sẽ không khó khăn gì nhiều.

Theo: Vietnamnet