Sự kiện

Ưu tiên tối đa nguồn điện cho bơm nước chống hạn

Thứ hai, 11/1/2010 | 09:52 GMT+7

Tình hình hạn hán ở các tỉnh phía Bắc đang báo động một năm đầy khó khăn thử thách không chỉ với ngành điện mà còn đe dọa nghiêm trọng các vùng nông nghiệp đồng bằng Bắc bộ, trong khi chỉ còn vài chục ngày nữa là bắt đầu chiến dịch đổ ải, làm đất để cấy lúa vụ Đông Xuân.

 

 

Dòng sông Nhuệ tại cầu Chùa Ngòi - chụp ngày 8/1/2009.   

 

Để đảm bảo sản xuất nông nghiệp vụ Đông Xuân năm 2010 ở các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, ngày 16/12/2009, Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị 2101 về việc triển khai một số biện pháp cấp bách khắc phục tình trạng thiếu nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt trong những tháng cuối năm 2009, đầu năm 2010. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu EVN xả nước tăng cường từ các hồ thủy điện theo lịch lấy nước ở các địa phương, đáp ứng nhu cầu điện trong các tháng mùa khô 2010, đảm bảo cung cấp điện ổn định, an toàn cho các trạm bơm trong thời gian lấy nước phục vụ sản xuất nông nghiệp

Sẽ có khoảng 3,5 tỷ m3 nước được xả xuống sông Hồng

Thực hiện Chỉ thị này, EVN đã phối hợp với Cục Thủy lợi lên kế hoạch xả nước 3 hồ thủy điện Hòa Bình, Thác Bà, Tuyên Quang trong 3 đợt phù hợp lịch lấy nước và gieo cấy ở các địa phương. Đợt 1 sẽ diễn ra trong 9 ngày từ 26/1-3/2/2010, đợt 2 kéo dài 7 ngày từ 7/2-13/2/2010 và đợt 3 kéo dài 4 ngày từ 22/2-24/2. Tổng lượng nước xả dự kiến ở mức 2,8-3,5 tỷ m3 nước. Với mục tiêu tận dụng tối đa lượng nước xả, EVN đã chỉ đạo các công ty điện lực lên phương án cung cấp điện an toàn, liên tục cho các trạm bơm điện, nhất là trong các đợt lấy nước tập trung phục vụ sản xuất vụ Đông Xuân 2009 – 2010, trong đó ưu tiên cấp điện cho các trạm bơm đầu mối và đặc biệt quan tâm cấp điện cho các trạm bơm dã chiến. Chủ động bám sát lịch thời vụ của địa phương để lập phương án cung cấp điện an toàn cho các trạm bơm điện. Tăng cường chế độ trực vận hành, chuẩn bị đầy đủ vật tư và thiết bị dự phòng để xử lý nhanh trong tình huống xảy ra sự cố lưới điện. Tổ chức kiểm tra và lập biên bản xác nhận tình hình cung cấp điện và tình trạng hoạt động của các máy bơm nước tại từng trạm bơm làm cơ sở xác định trách nhiệm các bên liên quan.

EVN cũng yêu cầu Trung tâm Điều độ Hệ thống điện quốc gia tiếp tục giữ nước các hồ thủy điện Hòa Bình, Tuyên Quang, Thác Bà ở mức cao nhất có thể đến khi bắt đầu xả nước. Phối hợp với các đơn vị liên quan theo dõi tình hình thời tiết và thủy văn để tính toán phương thức điều tiết nước các hồ thủy điện một cách hợp lý, phù hợp với nhu cầu các đợt lấy nước tập trung, ưu tiên cung cấp điện ổn định, liên tục cho các trạm bơm điện. Các công ty thủy điện Hòa Bình, Tuyên Quang, Thác Bà vận hành các tổ máy phù hợp với nhu cầu lấy nước và yêu cầu cung cấp của hệ thống điện.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng ban hành Chỉ thị 3813/CT-BNN-TL yêu cầu các ngành, các cấp ở địa phương tổ chức việc nạo vét các cửa khẩu dẫn nước, bể hút trạm bơm đầu mối, hệ thống kênh mương và thủy lợi nội đồng, sửa chữa các cống lấy nước, trạm bơm tưới để chống thất thoát nước. Đối với những diện tích trồng lúa nước không đảm bảo nước tưới suốt vụ thì kiên quyết chuyển đổi cây trồng phù hợp.

Tất cả đã sẵn sàng

Hiện nay, ở hầu hết các địa phương, tình hình khô hạn đang diễn ra rất nghiêm trọng. Tại trạm bơm Trịnh Xá (Thị xã Từ Sơn – Bắc Ninh), từ ngày 4/12, mực nước đã xuống 1m, (theo thiết kế mực nước chết là 2,85 m). Cửa cống Xuân Quan (Văn Giang – Hưng yên) mực nước cũng chỉ còn 0,4 m, trong khi mực nước yêu cầu phải đạt 1,85m mới dẫn được nước. Trạm bơm La Khê (Hà Đông – Hà Nội) cũng trong tình trạng “treo máy” nằm chờ... nước. Hầu hết các kênh mương tưới cấp 1, 2 và kênh mương thủy lợi nội đồng đều khô cạn.

Cho đến nay tất cả các địa phương đều đã nhận được thông báo về kế hoạch xả nước của EVN. Hầu hết hệ thống thiết bị máy móc cho công tác bơm tưới đã được kiểm tra, tu sửa. Trạm bơm Trịnh Xá (Bắc Ninh) còn được đầu tư hẳn 2 máy bơm mới và đại tu 2 máy khác với tổng trị giá tới 7 tỷ đồng để sẵn sàng cho việc bơm nước vào đồng khi các hồ xả nước. Hầu hết các hệ thống kênh mương đã được nạo vét. Tất cả các điện lực ở các tỉnh được kiểm tra đều làm tốt công tác chuẩn bị như kiểm tra toàn bộ đường dây và các trạm biến áp cấp điện cho các trạm bơm, xử lý triệt để các tồn tại đảm bảo các thiết bị vận hành an toàn và sẵn sàng cấp điện cho các trạm bơm theo chế độ ưu tiên đặc biệt. Điện lực Nam Định chuẩn bị sẵn nhiều hộp công tơ di động để cấp cho các trạm bơm dã chiến. Điện lực Bắc Ninh xây dựng cả phương án dự phòng xử lý trong trường hợp sự cố ngoài dự kiến. Tại trạm bơm La Khê (Hà Đông) đã có những buổi thực hiện diễn tập xử lý sự cố về máy biến áp, máy bơm để công nhân vận hành thao tác thuần thục hơn. Có thể nói, đến nay, công tác chuẩn bị về cơ bản đã rất chu đáo với mục đích đảm bảo cho các máy bơm vận hành triệt để trong thời gian xả nước nhằm tận dụng tối đa lượng nước về.

Vẫn còn nhiều nỗi lo

Nỗi lo lớn nhất của các công ty thủy nông cũng như các địa phương là lượng nước về có đạt cao trình để máy bơm hoạt động không, sản lượng điện cấp cho các trạm bơm có đạt công suất và chất lượng điện áp không? Ông Phạm Văn Chúc- Phó giám đốc Điện lực Vĩnh Phúc không giấu nổi lo lắng vì điện nguồn của Vĩnh Phúc thuộc cuối nguồn điện mua từ Trung Quốc nên giờ cao điểm điện áp thường bị tụt xuống mức 90 – 100 kV.
 

 

 

 Lòng sông như thế này thì đường nào cho nước về chống hạn?

Với EVN, điều lo lắng nhất là nếu hiệu suất bơm tưới nước ở các địa phương không đảm bảo thì sẽ lãng phí một lượng nước rất lớn, trong khi mỗi m3 nước bây giờ cũng rất quý. Thực tế đợt khảo sát cho thấy, bên cạnh những địa phương chuẩn bị rất chu đáo cho việc lấy nước thì cũng nhiều nơi gần như chưa có động tĩnh gì mặc dù ngày xả nước đã cận kề. Dọc sông Nhuệ (tuyến Hà Đông) đoạn từ cầu Chùa Ngòi đến cầu Am dưới lòng sông không hề được nạo vét nên cỏ mọc lấp cả dòng chảy, mấy chiếc thuyền mắc cạn nằm chình ình giữa dòng sông khiến lòng sông vốn đã bị thu hẹp nay gần như không còn đường cho nước chảy. Thậm chí tại cầu La Khê (ngay cạnh trạm bơm La Khê) có chiếc cầu đang xây dựng vẫn còn những đống đất chắn giữa dòng. Đây lại là dòng cấp nước chính cho trạm bơm La Khê làm nhiệm vụ tưới nước cho 7.000 ha ruộng. Còn với người dân làm nông nghiệp ở đây thì không có nước đã lo, nước về rồi cũng lo không kém vì lượng nước còn sót lại ở dòng sông Nhuệ (kể cả tại trạm bơm La Khê) đang bị ô nhiễm quá sức tưởng tượng với dòng nước đen ngòm đặc quánh và mùi hôi thối khủng khiếp kia nếu bơm vào đồng ruộng thì cây lúa không bị chết khát cũng sẽ chết vì ô nhiễm.

Ưu tiên cao nhất cho điện bơm nước

Tại các buổi làm việc ở các điện lực địa phương, đoàn công tác của EVN đã yêu cầu các điện lực ưu tiên đến mức cao nhất công suất điện cho các trạm bơm trong thời kỳ xả nước đổ ải. Trong trường hợp cần thiết có thể cắt giảm điện sinh hoạt, thậm chí cả điện công nghiệp để duy trì điện liên tục cho các trạm bơm, có kế hoạch tối ưu để cung cấp điện cho các trạm bơm dã chiến. Ông Trịnh Ngọc Khánh, trưởng ban kinh doanh của EVN khẳng định: các hồ sẽ xả nước đảm bảo mực nước sông Hồng tại Hà Nội luôn đạt mức 2,3 m trong thời gian xả. Đồng thời ưu tiên đặc biệt về công suất, thời gian cấp điện và chất lượng điện áp cho những tỉnh có liên quan đến việc lấy nước sông Hồng. Nếu nơi nào điện áp không đảm bảo thì phải sa thải bớt một số phụ tải khác. Trường hợp đường dây nào không cắt điện phía đầu đường dây được do có các phụ tải quan trọng thì phải cắt lảy từng trạm lẻ để ưu tiên cho các trạm bơm chống hạn.

Đặc biệt, thay vì quy định các trạm bơm không được vận hành giờ cao điểm thì nay các Điện lực phải cấp đủ điện cho các trạm bơm và khuyến khích hoạt động liên tục 24/24h trong thời gian xả nước để bơm tận dụng tối đa lượng nước được xả ra. EVN cũng yêu cầu các đơn vị ngành điện phải phối hợp tốt với các cơ quan ban ngành tại địa phương làm tốt công tác tuyên truyền để người dân sử dụng điện tiết kiệm, đồng thời ủng hộ và chia sẻ với ngành điện trong trường hợp không đủ nguồn phải cắt điện sinh hoạt (kể cả trong dịp Tết guyên đán) để ưu tiên cho các trạm bơm trong thời kỳ lấy nước đổ ải phục vụ kịp thời cho vụ Đông Xuân.

 

Theo: Công Thương