Sự kiện

EVN - Kỳ tích và kỳ vọng

Thứ sáu, 8/4/2016 | 15:25 GMT+7
Hơn 60 năm qua, với những thành tựu vượt bậc trong mọi lĩnh vực, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình là đáp ứng đủ nhu cầu điện của đất nước, phục vụ đắc lực sự nghiệp công nghiệp hóa và đời sống nhân dân, cân bằng được tài chính, sản xuất kinh doanh có lãi. 


Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
 
Với kỳ vọng đến năm 2020 sẽ lọt vào  top 4 đơn vị điện lực hàng đầu khối Đông Nam Á,  EVN đang tiếp tục đổi mới, sáng tạo để  trở thành tập đoàn vững mạnh toàn diện; có trình độ công nghệ, quản lý hiện đại và chuyên môn hóa cao; tham gia hoàn thiện và phát triển thị trường điện, hoạt động có hiệu quả, bền vững, chất lượng dịch vụ ngày càng tốt hơn.
 
Kỳ 1: Bảo đảm công suất dự phòng – thành tựu vượt bậc của EVN
 
Ngày giải phóng Thủ đô, cả nước chỉ có 5 nhà máy điện cũ nát do thực dân Pháp để lại với tổng công suất 31,5 MW, sản lượng điện khoảng 53 triệu kWh/năm và lưới điện chỉ đến cấp điện áp 35 kV. Đến nay, sau hơn 60 năm xây dựng và phát triển, sản lượng điện cả nước đã đạt trên 38.800 MW, tăng 1.231 lần, con số kỷ lục ít quốc gia nào đạt được.
 
Ngay sau khi đất nước giải phóng, đội ngũ cán bộ, công nhân ngành Điện vừa nhanh chóng khôi phục máy móc, thiết bị để duy trì phát điện, vừa khẩn trương xây dựng hàng loạt nhà máy điện mới như Lào Cai, Thái Nguyên, Việt Trì, Hà Bắc... Các  nhà máy Thủy điện Thác Bà, Nhiệt điện Uông Bí, Nhiệt điện Ninh Bình ra đời đã cung cấp điện hiệu quả cho nhu cầu của hậu phương miền Bắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. 
 
Thời kỳ đổi mới, với sự ra đời của hàng loạt nhà máy điện, đến năm 1985, công suất đặt của cả nước đạt 1.605,3 MW, đến năm 1995, toàn bộ hệ thống có 4.549,7 MW. Dù đã tăng đáng kể về sản lượng nhưng  do nhu cầu phụ tải tăng nhanh nên điện vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu. Điện sản xuất vẫn thiếu, điện sinh hoạt lúc có lúc không, ánh sáng phập phù vì chất lượng kém. Tình trạng cắt điện luân phiên diễn ra liên miên. Nhu cầu về điện ngày càng lớn đã thôi thúc các nhà quản lý đau đầu tìm cách xây dựng thêm các nhà máy điện. Khó khăn nhất trong thời kỳ này là chúng ta quá thiếu thốn về vốn đầu tư, kỹ thuật còn non yếu. Thế nhưng, với sự quyết tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, sự giúp đỡ vô tư của các nước anh em, đặc biệt là sự nỗ lực của CBCNV ngành điện, nhiều công trình điện trọng điểm cấp quốc gia đã mọc lên như: như TĐ Yaly, TĐ Hoà Bình, Nhiệt điện Phả Lại...  góp phần  đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về điện năng cho phát triển kinh tế - xã hội. Thời kỳ từ 1990 là thời kỳ “bùng nổ” xây dựng thủy điện. Từ TĐ Yaly, Hàm Thuận – Đa Mi, Sông Hinh tới đầu tư 26 dự án song song vào thập niên đầu thế kỷ 21 do  EVN  đầu tư, thiết kế, quản lý xây dựng. Bên cạnh đó là hàng trăm thuỷ điện nhỏ (công suất dưới 30 MW), cung cấp sản lượng điện hàng năm lên tới 6 tỷ kWh.  Riêng giai đoạn 2011-2015, EVN đã hoàn thành đưa vào phát điện 34 tổ máy thuộc 17 dự án với tổng công suất 9.852 MW (bằng 125% so với Quy hoạch điện VII được duyệt). 
 

Nhà máy Thủy điện Sơn La - công trình thủy điện lớn nhất Đông Nam Á hiện nay-  kỳ tích của ngành điện Việt Nam trong thế kỷ XXI. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
 
Đặc biệt, công trình Thủy điện Sơn La - công trình thủy điện lớn nhất Đông Nam Á công suất 2.400MW, điện lượng trung bình năm: 10,246 tỷ kWh đã hoàn thành phát điện vượt trước thời hạn 3 năm so với Nghị quyết của Quốc hội, đem lại hiệu quả kinh tế lớn cho đất nước, được Đảng và Chính phủ đánh giá cao. Ngày 14/12/2015, Tổ máy số 1 Thủy điện Lai Châu phát điện hòa vào lưới điện quốc gia là tiền đề tốt để hoàn thành toàn bộ công trình vào năm 2016, góp phần giúp ngành điện thực hiện sứ mệnh cao cả là cung ứng đủ điện cho sản xuất, sinh hoạt và bảo đảm an ninh quốc phòng. Có thể nói, thủy điện Việt Nam đã hoàn tất việc khai thác tiềm năng kinh tế - kỹ thuật thực tế của các dòng sông, hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình
 
Tính  đến cuối năm 2015, tổng công suất các nguồn điện trên toàn quốc là 38.800 MW, đứng thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á và thứ 31 thế giới về quy mô nguồn và lưới điện. Không chỉ cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế xã hội, hiện nay Việt Nam  đã có điện dự phòng, đánh dấu bước tiến lớn trong lịch sử phát triển nguồn điện nước ta.
 
Theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, điện sản xuất tăng trưởng lần lượt là 10,4%-10,1%/năm trong giai đoạn 2016-2020 và 8%/năm cho giai đoạn 2021-2030. Đến năm 2020, công suất đặt của hệ thống điện quốc gia đạt 60.500 MW, năm 2025, công suất đặt đạt 95.400 MW và đạt 129.500 MW vào năm 2030. Tổng nhu cầu vốn phát triển nguồn và lưới điện không tính các nguồn điện BOT trung bình từ 7,9 - 10,8 tỷ USD/năm, trong đó từ 75-76% vốn cho xây dựng nguồn điện. Đây là thách thức đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của EVN nói riêng và sự vào cuộc tích cực của mọi nguồn lực trong xã hội nói chung.
 
Không chỉ bảo đảm cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế xã hội và an ninh quốc phòng, lần đầu tiên Việt Nam đã có điện dự phòng. Đây là sự kiện quan trọng, đánh dấu bước tiến lớn trong lịch sử phát triển nguồn điện nước ta.

(Còn tiếp)

Kỳ 2: Lưới điện Việt Nam: từ số 0 đến N-1
 
Ngọc Loan/Icon.com.vn