Buổi giao lưu đã để lại những ấn tượng thật xúc động và hiệu quả giáo dục rất lớn với thông điệp "Trong thành công của EVN hôm nay luôn có bóng dáng của chị em, những người đã góp sức không nhỏ vào sự phát triển ổn định của ngành Điện".
Không có việc gì khó
Ông Nguyễn Tấn Lộc, Phó TGĐ EVN, Trưởng Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ EVN chia sẻ: Làm trong ngành điện, các chị lại phải nỗ lực gấp nhiều lần so với nam giới. Mưa gió, đêm tối vẫn phải đi ca. Hết ca về lại tiếp tục với bao công việc không tên. Trong chiến tranh, các chị trở thành những chiến sỹ kiên cường. Hình ảnh 8 cô gái đảm của Trạm 110 kV An Lạc (Hải Phòng) đã trở thành niềm tự hào của ngành điện. Vào những năm 60 của thế kỷ 20. Hải Phòng đã trở thành điểm nóng trong những trận oanh tạc của máy bay Mỹ. Trạm 110 kV An Lạc trở thành luỹ thép kiên cường với 8 cô gái phần lớn ở tuổi mười tám đôi mươi. Các chị cũng đi ca, cũng mắc dây, đặt điện như nam giới, khi rảnh rỗi, lại tranh thủ nghiên cứu, học tập nâng cao tay nghề. Lúc có chiến sự, các cô gái này là lực lượng tự vệ chiến đấu, sẵn sàng nhả đạn khi quân thù đến đánh phá thành phố. Có lần, một khẩu đội pháo cao xạ bị bom Mỹ đánh trúng, các chị đã xông vào trận địa, thay thế những pháo thủ đã hy sinh, chiến đấu quyết liệt với kẻ thù, tham gia vác đạn, cứu tải thương hoặc khâm liệm những chiến sỹ đã hy sinh. Đến nay, Trạm 110 kV An Lạc và 8 cô gái đảm đang dũng cảm ở đây vẫn mãi mãi là địa chỉ tri ân của các thế hệ ngành Điện.
Ngược lại thời gian vào những năm 90 của thế kỷ trước, khi Nhà nước huy động tổng lực cho chiến dịch xây dựng đường dây 500 kV mạch 1, cả đội nữ 6B - Xí nghiệp vật liệu xây dựng điện (Công ty Xây lắp điện 1- Bộ Năng lượng đã xung phong đi tuyến. 100% là nữ những các chị đã nhận khoán trọn gói từng cung đoạn, tự đào hố móng, tự vác xi măng, gánh cát, đá, nước, vác sắt thép lên chân cột để làm giàn giáo đổ bê tông, kéo dây lấy độ võng, dựng cột, trèo lên độ cao 40-50 m ngay cả nam giới cũng rất ít người làm được. Các chị phải học từ cách đọc ký hiệu, đọc bản vẽ, cả cách leo núi, cách tìm phương hướng trong rừng phòng khi bị lạc. Cũng trên mặt trận này còn xuất hiện một bóng hồng được cánh thợ truyền tải ngưỡng mộ, cảm phục gọi là "nữ tướng số 1 của truyền tải", "1 trong 5 con hổ của ngành điện". Đó là bà Hồ Thị Bích Phượng- nguyên giám đốc Công ty Truyền tải điện 4. Bà kể, có lần đi giám sát nghiệm thu cùng 2 phó giám đốc nam giới. Gặp chiếc cột cao 110 m, 2 đấng mày râu không dám trèo lên vì sợ độ cao, bà lập tức trèo lên tận đỉnh cột, kiểm tra từng mối nối, từng bu lông rồi mới chịu nghiệm thu. Bà tâm sự, nhiều lúc phải quên mình là phụ nữ, phải tự trọng, cương quyết, phải làm được mới nói được, ai không dám dấn thân, sẽ tự đánh mất niềm đam mê và sự thành công của mình. Bí quyết của bà là làm công việc gì cũng phải biết đam mê, yêu thương, trân trọng, làm đến cùng, có trách nhiệm đối với công việc của mình.
Đặc biệt, để có Thủy điện Sơn La đáng tự hào hôm nay, ngoài hàng vạn người thợ tham gia xây dựng công trình, lắp ráp thiết bị, còn có công sức không nhỏ của những CBCNV của Xí nghiệp Khảo sát xây dựng điện I (thuộc Công ty Tư vấn xây dựng điện I- EVN). Trong đó, nhiều cán bộ nữ đã để lại gia đình ở phía sau để trở thành những người đặt dấu chân đầu tiên trên mảnh đất này để nghiên cứu về khả năng xây dựng nhà máy. Nơi trú ngụ chỉ là những chiếc lán nhỏ, báo chí đến muộn, ti vi không có; muỗi, vắt, bọ chó, rắn rết... chẳng có gì không gặp. Các chị xác định: ăn ở có thể tạm bợ nhưng công việc phải rất chỉn chu. Chỉ cần bỏ sót vài hang ngầm, nhầm lẫn một số chỉ tiêu kỹ thuật là có thể ảnh hưởng tới cả một công trình. Khi Thủy điện Sơn La rầm rộ khởi công, họ lại lặng lẽ rút quân đi nơi khác. Ngày khánh thành công trình, các chị đang đi khảo sát ở những công trình khác xa xôi hơn, hẻo lãnh hơn. Ít ai biết đến tên các chị nhưng những dấu chân nhỏ bé, âm thầm của các chị in lại từ những ngày đầu tiên luôn là bước khởi đàu cho những quyết định trọng đại của ngày sau. Bà Đặng Thị Hợp, nguyên phó giám đốc Viện Khảo sát thiết kế- người đã gắn gần trọn cuộc đời với các công trình thủy điện cho biết, cứ chỗ nào sâu nhất, xa nhất, nguy hiểm nhất là cánh khảo sát thiết kế có mặt. Công việc bận rộn đến nỗi không có thời gian để buồn, thế nhưng lại không cầm được nước mắt mỗi khi nhìn anh chị em quá vất vả, khi tiến độ không đạt hoặc khi công trường gặp sự cố...
Với những chị phải trực vận hành trong lĩnh vực truyền tải, khối nhà máy, những chị làm việc ở vùng sâu vùng xa thì khó khăn càng tăng lên gấp bội. Những dịp lễ tết, nhiều chị phải gác công việc ở nhà để đi làm. Vất vả nhưng không phải ai cũng hiểu và thông cảm. Bà Nguyễn Thị Bích Thủy- nguyên giám đốc kỹ thuật Nhà máy điện Việt Trì tâm sự: Nghề vận hành điện đã rèn luyện tôi toàn diện từ lề lối, tác phong làm việc đến cách đối nhân xử thế, sự bền bỉ dẻo dai và tính kỷ luật nghiêm khắc, kiên trì bình tĩnh. Đây là công việc rất nhạy cảm, Nhà máy hoạt động bình thường thì không ai để ý, nhưng nhà máy gặp sự cố là ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt sản xuất của cả một vùng. Trong chiến tranh chống phá hoại của máy bay Mỹ, không ít đồng nghiệp của bà Thủy đã hy sinh để bảo vệ dòng điện cho Tổ quốc, những đau thương mất mát ấy đã hun đúc tinh thần quyết chiến quyết thắng của những người thợ điện luôn sẵn sàng vì "Tổ quốc cần điện như cơ thể cần máu".
Không riêng lĩnh vực vận hành, sự say mê cải tiến, sáng kiến, sáng tạo, góp phần nâng cao năng suất, hiệu quả lao động, khẳng định sự toả sáng về trí tuệ của phụ nữ EVN còn thể hiện trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học. Anh hùng lao động Nguyễn Thị Nguyệt, người được mệnh danh là "Người phụ nữ vàng của ngành Điện", người đã góp phần ghi danh ngành điện Việt Nam vào bản đồ ngành điện thế giới với sáng chế bộ 3 máy biến áp 110 kV- 220 kV- 500 kV. Điều đáng nói, việc chế tạo thành công các máy biến áp truyền tải từ 110kV - 500kV không chỉ tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn CBCNV của Công ty Thiết bị Điện Đông Anh mà còn đã trở thành đối trọng để các hãng nước ngoài bán sản phẩm vào Việt Nam phải giảm giá từ 20-30%; giúp ngành điện tiết kiệm chi phí mua sắm, giảm nhập siêu cho đất nước; giúp ngành điện chủ động trong việc cung cấp các máy biến áp và các sản phẩm thiết bị điện, phục vụ chống quá tải cho lưới điện quốc gia. Để đi đến thành công hôm nay, chị Nguyệt đã phải trải qua muôn vàn khó khăn. Tuy nhiên, với chị, lý do thành công rất đơn giản: việc gì đàn ông làm được thì phụ nữ phải làm được.
Người giữ lửa gia đình
Không chỉ giỏi việc nước, chị em phụ nữ ngành điện còn rất biết cách thu xếp thời gian cho gia đình, chăm sóc chồng con, làm ngọn lửa ấm áp trong cuộc sống gia đình. Sau mỗi ngày làm việc, trở về gia đình, các chị lại hóa thân thành người mẹ tần tảo, người vợ đảm đang, người con hiếu thảo, người giữ lửa trong tổ ấm gia đình. Nói như bà Khương Thị Trang, nguyên Phó chủ tịch Công đoàn EVN: Gia đình có bền thì công tác xã hội mới vững được. Chị Nguyễn Thị Hoa Lý (Điện lực Tây Hồ - Hà Nội) cũng khẳng định: Để trở thành người phụ nữ hạnh phúc và thành công, điều quan trọng là phải sống hết mình, yêu nghề, chia sẻ với chồng, rèn các con tính tự lập, tự giác. Gia đình phải hạnh phúc thì công việc mới thành công.
Ngoài việc hoàn thành công việc và chăm lo gia đình, người phụ nữ hạnh phúc phải là người biết tự chăm sóc bản thân- đó là chia sẻ của bà Nguyễn Thị Bích Thủy trong buối tọa đàm. Theo bà Thủy, sức khỏe là yếu tố quyết định thành công và hạnh phú. Vì vậy, dù nay đã 81 tuổi nhưng dù mưa gió giá rét đến đâu, bà vẫn mỗi ngày 2 lần đến hồ bơi đủ 1 km mới về. Bà khẳng định: Tuổi trẻ giữ sức khỏe để cống hiến, tuổi già giữ sức khỏe để sống độc lập, đó cũng là cách đem lại hạnh phúc cho người thân, cho xã hội. Chia sẻ về vấn đề này, bà Hồ Thị Bích Phượng cho biết, môn thể thao bà yêu thích nhất là chơi cầu lông và giữ được những giấc ngủ sâu.
Chúng tôi hiểu rằng, cuộc sống thanh thản, vô tư chỉ có được khi các chị đã hoàn thành xuất sắc công việc của mình. Các chị đã góp phần đáng kể vào sự phát triển của ngành Điện, xây dựng hình ảnh người phụ nữ ngành “Năng động, sáng tạo, tự tin, trách nhiệm”.