Viễn thông

EVN Telecom triển khai 3G: Nắm bắt thời điểm "chín"

Thứ tư, 14/10/2009 | 10:25 GMT+7

Giấy phép được trao cho 4 nhà cung cấp mạng di động 3G là hiệu lệnh xuất phát chính thức trên xa lộ băng thông rộng tại thị trường viễn thông Việt Nam. Để thành công và tạo đột phá khi triển khai trên nền 3G, ngoài việc cần có chiến lược kinh doanh hữu hiệu, các doanh nghiệp viễn thông phải nhanh chóng nắm bắt mọi cơ hội và vượt qua những khó khăn trong từng thời điểm.

Triển khai 3G - Thời điểm “chín” tại Việt Nam

Theo các nhà quản lý và nghiên cứu kinh tế thì đây là thời điểm thích hợp nhất để Việt Nam triển khai 3G vì nhiều lý do. Về mặt kinh tế, đến thời điểm hiện nay, giá thiết bị hạ tầng, thiết bị đầu cuối giảm hơn so với trước đây. Về góc độ thị trường, các doanh nghiệp di động Việt Nam triển khai 2G cũng cần có thời gian để thu hồi vốn, có lãi và tái đầu tư. Việc phát triển từ công nghệ 2G lên 3G có khả năng thành công nhiều hơn và ít tốn kém hơn trường hợp bỏ qua 2G. Về mặt công nghệ, nếu triển khai sớm thì sẽ chỉ triển khai được công nghệ WCDMA và sau đó phải nâng cấp tiếp. Còn hiện nay, Việt Nam hoàn toàn có thể triển khai thẳng lên công nghệ HSPA 3,5G.

Ở Việt Nam, nhiều năm trước đây, các nhà quản lý viễn thông nói chung cũng như các doanh nghiệp khai thác dịch vụ nói riêng đã dự đoán 3G chính là xu hướng phát triển tất yếu của công nghệ thông tin di động, cho nên trong quá trình đầu tư, phát triển mạng lưới, việc tiếp cận với 3G đã được định hướng. Do đó, đi sau cũng là lợi thế của viễn thông Việt Nam do có thể học hỏi kinh nghiệm thành công và thất bại của các nước đi trước. Ví như rất nhiều bài học có thể rút ra từ kinh nghiệm triển khai 3G tại Nhật Bản, nhất là về cấu trúc thị trường: Sự phát triển mạnh mẽ của các ứng dụng mang tính địa phương, mối quan hệ khăng khít giữa việc sản xuất điện thoại với phát triển dịch vụ; quy trình cấp phép minh bạch kết hợp với một chuẩn mở, thông dụng. Xuất phát từ nhu cầu dữ liệu di động cao của người tiêu dùng, các mạng di động Nhật đã rất nhạy bén tung ra những mẫu điện thoại đa năng, đa mục đích, có khả năng tận dụng sức mạnh của 3G. Sự tăng trưởng của thị trường 3G Nhật Bản cho thấy khả năng thành công cao của 3G, vấn đề là ngay từ đầu, các mạng di động cần lựa chọn hướng đi đúng đắn: Phải luôn lắng nghe, thấu hiểu nhu cầu người tiêu dùng trong quá trình kinh doanh. Một nhiệm vụ quan trọng nữa là các mạng di động cần lựa chọn được những ứng dụng 3G “sát thủ” để tạo hiệu ứng khiến người tiêu dùng không thể không dùng 3G như: Mobile TV, các ứng dụng màn hình chờ, download nhạc online, cung cấp tin tức, ứng dụng thanh toán, SMS và email tốc độ cao...

EVNTelecom với 3G – Thuận lợi và chông gai

Việt Nam lựa chọn triển khai 3G đúng thời điểm là yếu tố vĩ mô thuận lợi cho quá trình kinh doanh của các doanh nghiệp viễn thông nói chung. Riêng đối với Viễn thông Điện lực, công nghệ 3G cũng không quá xa lạ với khách hàng bởi đã có trong dịch vụ viễn thông của EVNTelecom với chuẩn CDMA 2000 1x – EVDO. Chuẩn 3G mà Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam cấp phép chính là WCDMA (Wideband Code Division Multiple Access - truy cập đa phân mã băng rộng) ở băng tần 2100 MHz. Công nghệ này hoạt động dựa trên CDMA và có khả năng hỗ trợ các dịch vụ đa phương tiện tốc độ cao như video, truy cập Internet, hội thảo hình… Băng tần hiện tại của EVNTelecom bị can nhiễu ở tần số 450 MHz gây ảnh hưởng ít nhiều đến chất lượng sóng, nên việc triển khai dịch vụ 3G cũng là cơ hội để giải quyết dứt điểm khó khăn về can nhi ễu. Hơn nữa, công nghệ 3G sẽ không hạn chế về mặt phát triển thuê bao, cho phép sử dụng tài nguyên mạng tối ưu. Các trạm Node B phát sóng của EVNTelecom cũng tận dụng được hệ thống các trạm sẵn có, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình phát triển hạ tầng. Ngoài ra, khi các dịch vụ băng thông rộng bùng nổ, khách hàng sẽ chuyển dần sang 3G vì những tiện ích của nó chứ không đòi hỏi doanh nghiệp phải tạo một tập khách hàng riêng cho 3G.

Bên cạnh những thuận lợi, Viễn thông Điện lực cũng gặp không ít những khó khăn do thời hạn cung cấp dịch vụ khá gấp mà khả năng xây lắp của các nhà thầu trong nước còn hạn chế, lại phải phân chia băng tần với HanoiTelecom. Việc cấp giấy phép nhập khẩu thiết bị viễn thông, xác nhận thiết bị đồng bộ và hợp chuẩn hiện cũng mất một khoảng thời gian khá dài, ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ. Vướng mắc lớn nhất hiện nay là những khó khăn trong giải phóng mặt bằng khi xây dựng các Node B. Với mục tiêu đầu năm 2010, EVNTelecom phấn đấu phủ sóng ít nhất 10 % dân số đòi hỏi quá trình triển khai nhanh, tập trung cao. Tuy nhiên, các nội dung cho dịch vụ 3G vẫn còn nhiều hạn chế do thị trường dịch vụ nội dung số trên điện thoại di động tại Việt Nam còn rất nhiều khoảng trống (những lĩnh vực dịch vụ giải trí cao cấp với mạng 3G như phim online, nhạc online, mobile Internet…vẫn còn ở dạng tiềm năng), trong khi nội dung số là vấn đề sống còn cho ứng dụng 3G. Trước mắt, triển khai dịch vụ 3G tại Việt Nam mới chỉ là sự cạnh tranh giữa 4 nhà cung cấp, nhưng trong tương lai, các nhà khai thác còn lại vẫn có thể phát triển dịch vụ viễn thông ở băng tần khác, công nghệ khác và cạnh tranh sẽ khốc liệt hơn.

Nắm bắt cơ hội và nhận thức được những chông gai, rào cản để vượt qua khó khăn sẽ là chìa khóa mở cánh cửa thành công cho EVNTelecom trên con đường chinh phục 3G – xa lộ được ví như đang rải hoa hồng, nhưng cũng không ít chông gai.

Bà Karine Dussert, Giám đốc Marketing di động của hãng Orange tại Pháp, đã chia sẻ một số kinh nghiệm triển khai 3G từ chính quá trình kinh doanh của OFT (Orange France Telecom):

- Thành công ngay từ khi ra mắt: Cần phải làm hài lòng khách hàng bằng chất lượng dịch vụ tốt nhất. Bởi có tới 70 % khách hàng sau khi dùng thử 3G lần đầu tiên sẽ không quay trở lại sử dụng tiếp dịch vụ khi họ cảm thấy không hài lòng.

- Chọn đúng dịch vụ thiết thực: Có rất nhiều dịch vụ nội dung sử dụng nền tảng 3G, nhưng quan trọng nhất là phải biết loại dịch vụ nào phù hợp với thị hiếu người dùng di động bản địa. Ngoài ra, việc lựa chọn phạm vi triển khai dịch vụ 3G cũng rất quan trọng, vì không cần thiết phải phủ 3G ngay lập tức ở mọi nơi, mà nên tập trung vào những khu vực có tiềm năng phát triển nhất, chẳng hạn như các đô thị lớn.

- Định hướng nhu cầu khách hàng: Giới thiệu những tiện ích và để khách hàng cảm thấy thú vị khi sử dụng mà không cần biết đó là dịch vụ 3G hay không.

- Thiết bị đầu cuối phù hợp: Ngoài những khả năng tận dụng tối đa các lợi ích 3G mang lại như khả năng lướt web, soạn e-mail, văn bản với bàn phím QWERTY, tìm đường... thiết bị đầu cuối cũng cần cài đặt sẵn các phần mềm thân thiện với người dùng, vì không phải ai cũng đủ khả năng tự cài đặt các ứng dụng Internet họ thường dùng trên máy tính lên điện thoại di động.

Theo: Tạp chí Điện lực