Phóng sự

EVN biến thách thức thành cơ hội phát triển

Thứ năm, 18/2/2021 | 08:36 GMT+7
Năm 2020 khép lại với sự thắng lợi toàn diện của Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) trên hầu hết mọi hoạt động sản xuất kinh doanh. 

Hoàn thành nâng công suất trạm biến áp 500kV Nho QuanẢnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
 
Bước sang năm 2021, tình hình thế giới còn nguyên những khó khăn khi phải đối mặt với bài toán về tăng trưởng kinh tế, thương mại, đầu tư quốc tế tiếp tục xu hướng giảm do ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid – 19 đang có tác động mạnh đến Việt Nam, cũng như các ngành kinh tế trong nước, EVN đã xây dựng kịch bản cụ thể để tận dụng thời cơ để biến thách thức thành cơ hội cho sự phát triển.
 
Năm 2020 – biến nguy thành cơ
 
Từ cuối năm 2019, EVN đã nhận thấy tình trạng thiếu điện trầm trọng vào năm 2020 do từ hai năm trước, hàng loạt các dự án nguồn điện bị chậm tiến độ hoặc không triển khai được đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về nguy cơ thiếu điện có thể sẽ diễn ra vào năm 2020 và nguy cơ này càng rõ rệt hơn khi các hồ thủy điện đối diện tình trạng thiếu hụt nước. Vì vậy, mọi phương án EVN xây dựng mới chỉ nhằm giảm nguy cơ thiếu điện mà chưa tính đến đối phó tình trạng này một cách căn cơ. 
 
Ngoài các yếu tố về thủy văn, khả dụng của các nhà máy điện than, hệ thống điện còn có nhiều yếu tố bất định khác về phụ tải và khả năng cung cấp khí, nên nếu có bất kỳ một sự cố nào xảy ra ở các mỏ khí cũng đều ảnh hưởng đến vận hành Hệ thống điện Quốc gia, sẽ phải phát thủy điện, đồng nghĩa ảnh hưởng đến kế hoạch tích nước, càng gây áp lực thiếu điện cho năm 2020. Với tất cả các phương án, dự kiến vẫn phải tiết giảm phụ tải từ tháng 6 đến tháng 10-2020 với tổng sản lượng phụ tải thiếu hụt trong năm 2020 khoảng 2,15 tỷ kWh.
 

Kiểm tra hệ thống thông tin, viễn thông tại trạm biến áp 500kV Hà TĩnhẢnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
 
Thế rồi, dịch Covid – 19 đã tác động mạnh đến Việt Nam ngay từ những ngày đầu năm 2020. Ngành du lịch - dịch vụ hoạt động cầm chừng trong 6 tháng đầu năm và đến 6 tháng cuối năm thì gần như đóng cửa, nhiều doanh nghiệp cũng lâm vào tình trạng cắt giảm nhân công…đã làm ảnh hưởng tới sản lượng tiêu thụ điện của EVN. Kết quả, năm 2020, điện cấp cho thương mại – khách sạn – nhà hàng giảm 11,62%. Sản lượng điện thương phẩm toàn EVN chỉ đạt 94,73% so với kế hoạch năm. 
 
Năm 2020 là một năm vận hành đầy biến động của Hệ thống điện Quốc gia do phụ tải Hệ thống điện tăng trưởng thấp hơn nhiều so với kế hoạch năm và đối mặt với nhiều vấn đề mới, như: Phụ tải và thủy văn diễn biến bất thường, phức tạp và khó dự báo; tỷ trọng các nguồn điện năng lượng tái tạo (bao gồm điện gió, sinh khối, solarfarm, rooftop và các nhà máy thủy điện vận hành theo cơ chế chi phí tránh được là các nguồn khó điều độ) tăng cao gây khó khăn trong điều hành hệ thống và dẫn đến tình trạng “thừa nguồn” vào các thời điểm trưa và ngày lễ, cuối tuần.
 
Nhưng chính trong hoàn cảnh khó khăn đó, EVN một lần nữa chứng tỏ được bản lĩnh, tinh thần tự lực, tự cường, luôn kiên trì, nỗ lực tìm kiếm cơ hội để trụ vững và phát triển.  Hàng loạt giải pháp đã được EVN triển khai, đó là, tiếp tục nâng cao dịch vụ khách hàng với 12/12 dịch vụ điện giao dịch qua Cổng dịch vụ công quốc gia; triển khai thí điểm việc tích hợp các hệ thống kỹ thuật và kinh doanh nhằm giảm số thủ tục và rút ngắn thời gian giải quyết các yêu cầu cấp điện mới; xây dựng phương án làm việc từ xa, tổ chức họp trực tuyến, tăng cường làm việc trao đổi thông tin thông qua hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông của EVN. Toàn bộ hệ thống truyền hình trực tuyến, hệ thống E-Office, EVNPortal và các phần mềm dùng chung của EVN được phát huy với hiệu quả cao, giúp cho các hoạt động của EVN được thông suốt trong thời gian thực hiện cách ly toàn xã hội.
 

Nhà máy điện mặt trời Phước Thái 1. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
 
EVN cùng các đơn vị đã xây dựng và thực hiện tốt các kịch bản, phương án đảm bảo các hoạt động trong các khâu sản xuất, truyền tải kinh doanh và điều hành hệ thống điện; thiết lập các kênh liên lạc nóng với các đối tác, nhà thầu và đặc biệt đối với các đối tác nước ngoài trong quá trình triển khai đầu tư các dự án điện. Kết quả, đã hoàn thành cấp PAC cho Nhiệt điện Vĩnh Tân 4MR, Nhiệt điện Duyển Hải 3MR, triển khai thi công cụm công trình cửa xả Thủy điện tích năng Bác Ái, Thủy điện Hòa Bình MR, cảng than thuộc Trung tâm Điện lực Quảng Trạch, Nhà máy điện mặt trời Phước Thái 1, Sê San 4, hoàn thành lưới điện đồng bộ Thủy điện Thượng Kon Tum, Nhiệt điện Sông Hậu, Nhiệt điện BOT Hải Dương và hàng loạt các dự án nguồn và lưới điện khác đang được tập trung đẩy nhanh tiến độ, tập trung hoàn thiện thủ tục để khởi công, như: Thủy điện Yaly MR, Nhiệt điện Ô Môn IV, Điện mặt trời Phước Thái 2, công trình lưới điện đồng bộ các Nhà máy Nhiệt điện BPT Văn Phong 1, Nam Định, đường dây 500kV Vũng Ánh – Dốc Sỏi – Pleiku 2, Mỹ Tho – Đức Hòa… Nhiều dự án nguồn trọng điểm khác cũng đang được trình duyệt FS, như: Nhiệt điện Dung Quất 1 và 3, Thủy điện Trị An MR, Nhiệt điện Quảng Trạch 2…
 
Để đáp ứng yêu cầu giải tỏa công suất các nguồn năng lượng tái tạo, EVN đã chủ động nghiên cứu tính toán và đề xuất bổ sung quy hoạch các công trình lưới điện và nỗ lực triển khai, đã hoàn thành vượt tiến độ nâng công suất Trạm biến áp 500kV Vĩnh Tân, Di Linh; xây dựng mới Trạm biến áp 220kV Ninh Phước, Phan Rí...và các Trạm biến áp 110kV. Hiện nay, EVN đang tiếp tục tập trung đầu tư các công trình lưới điện trọng điểm phục vụ giải tỏa công suất các nguồn năng lượng tái tạo ở các khu vực Ninh Thuận, Bình Thuận, Quảng trị, Tây Nguyên và Tây Nam bộ; giải tỏa công suất thủy điện khu vực các tỉnh phía Bắc, công trình tăng cường nhập khẩu điện từ Lào…
 

Công nhân Công ty Truyền tải điện 1 đo phát nhiệt phòng ngừa sự cố tại trạm biến áp 500kV Nho Quan. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
 
Việc hoàn thành các dự án: Trạm biến áp 500kV Chơn Thành, nâng công suất Trạm biến áp 500kV Nho Quan, Dốc Sỏi, Tân Uyên, Mỹ Tho…đã đảm bảo cung cấp điện cho các thành phố lớn như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và các khu vực có tăng trưởng phụ tải lớn.
 
Bên cạnh nguồn vốn ngân sách Nhà nước, EVN đã chủ động thu xếp các nguồn vốn vay thương mại, vốn tự có với tổng giá trị hơn 1.000 tỷ đồng để đầu tư cấp điện cho gần 14.000 hộ dân chưa có điện tại các địa bàn khó khăn thuộc tỉnh Sơn La, Lào Cai, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Kon Tum, Bạc Liêu…; đầu tư lưới điện nông thôn đáp ứng tiêu chí 4 về điện trong Chương trình mục tiêu quốc gia Nông thôn mới;  phối hợp với UBND các tỉnh để hoàn thành dự án cấp điện lưới quốc gia bằng cáp ngầm cho xã đảo Nhơn Châu (Bình Định), đảo Trần (Quảng Ninh); đầu tư cải tạo nâng cấp hệ thống điện tại huyện đảo trường Sa và nhà giàn DK1 đáp ứng nhu cầu sử dụng điện phục vụ đời sống của cán bộ chiến sĩ và nhân dân huyện đảo.
 
Chính những bước đi đầy quyết tâm đã khẳng định vai trò chủ lực trong cung cấp điện của EVN, góp phần quan trọng vào kết quả tăng trưởng của nền kinh tế. 
 
Sẵn sàng đối diện với khó khăn
 

Nhà máy điện mặt trời Sê San 4 do EVN làm chủ đầu tư. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
 
Theo các chuyên gia, năm 2021, thách thức từ dịch Covid-19 còn rất lớn, hơn lúc nào hết, EVN đã tận dụng thời điểm này để tập trung phát triển nguồn nhân lực; tiếp tục cơ cấu, sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp, hoàn thiện bộ máy tổ chức phù hợp với định hướng tái cơ cấu ngành Điện; tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và tăng năng suất lao động; cải tiến công tác chuẩn bị đầu tư cho hiệu quả hơn; nâng cao năng lực nhân sự quản lý dự án; thực hiện chuyển đổi số tạo tiền đề và các điều kiện cần thiết chuẩn bị cho chuyển đổi số năm 2022 hoàn thành cơ bản chuyển thành doanh nghiệp hoạt động theo mô hình doanh nghiệp số. 
 
Năm 2021, EVN chọn Chủ đề năm “Chuyển đổi số trong Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam”, với mục tiêu tiếp tục đẩy mạnh lộ trình ứng dụng khoa học công nghệ trong các hoạt động của EVN; tích hợp công nghệ kỹ thuật số và mô hình quản trị phù hợp với quá trình ứng dụng công nghệ kỹ thuật số và hoạt động sản xuất kinh doanh nhằm gia tăng hiệu quả hoạt động. 
 
Với việc thống nhất trong toàn EVN một nền tảng hạ tầng chung, đồng nhất về công nghệ, về giải pháp kỹ thuật và giải quyết vấn đề thống nhất quản trị cơ sở dữ liệu dùng chung; chuẩn hóa, làm giàu cơ sở dữ liệu, đẩy mạnh khai thác, phân tích để nâng cao giá trị của dữ liệu đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của EVN cũng như phù hợp với xu thế chung đã giúp cho EVN trở thành doanh nghiệp tiên phong trong việc đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, số hóa hoạt động của DN, tạo ra những thay đổi bước ngoặt, mang lại giá trị mới và lợi nhuận hiệu quả nhất cho EVN. Từ đó, tạo nền tảng, động lực để EVN vượt qua sóng gió trong mùa dịch, tiếp tục nắm bắt các cơ hội để đột phá trong giai đoạn tiếp theo.
 
Lịch sử 67 năm vẻ vang của ngành Điện tiếp tục đặt lên vai những người thợ điện nhiệm vụ nặng nề hơn, khó khăn hơn, đòi hỏi mỗi người phải nhanh chóng đổi mới tư duy, sẵn sàng đối điện với khó khăn, chinh phục mọi thử thách để tiếp tục viết nên những trang sử vẻ vang của mình trong lao động sáng, vinh quang nhưng cũng đầy chông gai ở phía trước.
Thanh Mai