Để lên được đảo, người dân phải qua 2 lần khai báo y tế và sát khuẩn tay. Ảnh: Ngọc Hà.
Việt Nam đang ở thời điểm dịch bùng phát lần thứ 2, tuy không phải cách ly toàn xã hội như hồi tháng tư, nhưng vẫn khuyến cáo hạn chế đi lại với thông điệp giản đơn mà sâu sắc “ở nhà là yêu nước”, ấy vậy mà tôi không cưỡng nổi bước chân khi đón nhận tin “xã đảo Nhơn Châu – Cù Lao Xanh đã có điện lưới quốc gia”.
Cù Lao Xanh là xã đảo thuộc thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, từ Cảng Hàm Tử (thành phố Quy Nhơn) ra đảo là 13 hải lý tương đương gần 24km, nhưng lại cách thị xã Sông Cầu (tỉnh Phú Yên) có 6km. Chính vì vậy, Tổng Công ty Điện lực miền Trung đã chọn tuyến cáp ngầm đưa điện ra đảo từ Phú Yên, khoảng cách ngắn nhất từ đất liền ra. Từ Phú Yên, nhìn về phía Đông bằng mắt thường là thấy Cù Lao Xanh hiện lên giữa trùng khơi như hình dáng một con tàu.
Cầu cảng đang sửa chữa nên thuyền chở khách phải neo ở ngoài xa và tăng bo bằng một chiếc thuyền gỗ chèo bằng tay. Ảnh: Ngọc Hà.
Phành phạch máy nổ, con thuyền gỗ đè sóng hướng ra khơi. Bờ bãi dần lùi xa. Màu nước bên mạn thuyền cứ ngày càng xanh thẫm. Đã hơn một giờ đồng hồ mà thuyền vẫn cứ nghếch mũi lao ra khơi. Ngoái nhìn bờ, chỉ còn một vệt nước màu xanh nhạt. Bốn phía là đường chân trời ôm vòng lại, tựa như chiếc vung khổng lồ úp xoong nước biển. Con thuyền giờ chỉ như chiếc lá thả trôi dập dềnh trong xoong nước ấy. Đã xa ngái lắm rồi. Chợt nghĩ đến câu nói của ai đó, rằng “cứ đi, rồi sẽ đến…”, tôi tặc lưỡi cho cái cảm giác ấy trôi qua nhanh. Anh nhân viên bán vé hàn huyên với khách, khoảng cách từ đất liền ra đảo không quá xa nên không đủ làm cho du khách say sóng mà chỉ là chút gia vị giúp du khách có cảm giác mênh mông chơi vơi, như tâm trạng của một thủy thủ viễn dương giữa biển khơi nhìn vào bờ xa vời vợi. Thời điểm lý tưởng nhất để ra Cù Lao Xanh là mùa gió nam, từ tháng 3 đến tháng 6 âm lịch, do năm nay nhuận 2 tháng tư nên mặc dù đã vào giữa tháng 7 gió cũng chỉ cấp 3 cấp 4, thứ sóng thú vị làm cho du khách biết được thế nào là rung lắc, bồng bềnh, chao đảo của một chuyến hải hành.
20 cán bộ công nhân Công ty Điện lực Quy Nhơn đã hoàn tất lắp đặt 520 công tơ điện tử cho hộ khách hàng trong vòng 24 giờ đồng hồ. Ảnh: Ngọc Hà.
Tiếng máy dần nhỏ lại và tắt hẳn. Cầu Cảng vẫn đang sửa nên thuyền chở khách phải neo ở ngoài xa và tăng bo bằng một chiếc thuyền gỗ chèo bằng tay. Sóng gần bờ khá mạnh nên chiếc thuyền cứ xoay vòng vòng như cái lồng đèn trẻ con, không chịu đứng yên. Chúng tôi lục tục chuyển sang thuyền gỗ nhỏ. Một số hành khách đã bị những cơn say sóng đánh gục, nằm rạp mình trên sạp thuyền. Tôi cũng nghe đầu óc váng vất.
Hoàn thiện, neo cố định cáp điện ngầm. Ảnh: Ngọc Hà.
Trước thời điểm có dịch, có hai phương tiện để lựa chọn ra đảo là cano cao tốc có giá 200 nghìn đồng/chiều/người đi mất 30-40 phút hoặc đi bằng tàu gỗ có giá 30 nghìn đồng/chiều/người và mất chừng hai tiếng mới đến nơi. Từ cuối tháng 7, khi dịch bùng phát tại Đà Nẵng, các dịch vụ du lịch trong toàn tỉnh Bình Định tạm thời ngừng hoạt động và phương tiện cano phục vụ khách du lịch cũng ngừng theo, vì vậy, chúng tôi chỉ còn một lựa chọn là đi bằng phương tiện tàu gỗ. Khách ra làm việc cũng như người dân ra vào đảo đều được lực lượng công an và bộ đội biên phòng kiểm tra nghiêm ngặt, điều đó lý giải giữa đại dịch đang hoành hành khắp nơi trên toàn toàn cầu thì cuộc sống người dân trên hòn đảo nhỏ này vẫn bình yên.
Đội Quản lý vận hành hệ thống điện Nhơn Châu được nhanh chóng thành lập để tiến hành các thủ tục cần thiết cho giao dịch mua bán điện giữa khách hàng và Điện lực nhằm đảm bảo cho công tác kinh doanh. Ảnh: Ngọc Hà.
Chiếm ba phần tư diện tích của đảo là rừng nguyên sinh, có lẽ vì vậy mà xã đảo Nhơn Châu còn có tên gọi là Cù Lao Xanh. Tiếp liền rừng là các bãi tắm, bãi đá. Đảo không có thú lớn, thú dữ nhưng không vì thế mà mất đi cảm giác u tịch, hoang vu. Kẻ thù nguy hiểm nhất đối với du khách trên đảo là muỗi. Giữa ban ngày, muỗi bay nhiều như ruồi. Cư dân trên hòn đảo xanh này cho biết, muỗi ở Cù Lao Xanh đốt không gây sốt rét như muỗi ở các nơi khác. Mọi người mềm hóa bằng lời an ủi: “Sự phóng khoáng của gió, mênh mông của biển, râm mát của bóng cây và bầu trời trong xanh lồng lộng đã góp phần trung hòa nọc độc của loài muỗi”.
Chiếc máy phát điện Diesel đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử. Ảnh: Ngọc Hà.
Ông Nguyễn Văn Hạnh năm nay đã bước sang tuổi 80, một trong những người dân lớn tuổi của đảo nói, ông được sinh ra và lớn lên trên hòn đảo này, nhưng ông cũng không biết từ khi nào chính thức có dấu chân định cư của con người trên đảo, chỉ được nghe kể lại, Cù Lao Xanh là một hòn đảo không lớn với diện tích 365 héc-ta nhưng khu vực xung quanh đảo rất nhiều cá và các loài động vật biển khác. Một vài ngư dân thấy đây là nơi dễ sinh sống nên đã ở lại đảo lập nghiệp. Dấu tích lâu đời nhất có trên đảo là ngọn hải đăng trăm tuổi. Cù Lao Xanh là một trong những vọng gác tiền tiêu trên biển khơi, đóng vai trò quan trọng trong sứ mệnh bảo vệ chủ quyền lãnh hải của Tổ quốc.
Những chiếc bóng áo cam sớm trở nên thân thuộc với người dân trên đảo. Ảnh: Ngọc Hà.
Chúng tôi đi tham quan một vòng quanh đảo bằng xe ô tô 16 chỗ cải tiến lại có hình thức giống như xe điện cho thoáng mát. Cậu lái xe kiêm hướng dẫn viên du lịch còn rất trẻ thuộc lòng những điểm cần dừng, những địa danh cần tham quan. Cậu lái xe kể, trước khi có dịch, vào mùa này, Cù Lao Xanh đông nghịt khách. Không có đủ xe chở khách tham quan đảo. Nhưng bây giờ, thực hiện chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về phòng chống dịch, quán xá khu dịch vụ hoang vắng.
Cũng như bao du khách khác, khi đến đảo, tôi quan sát tìm hiểu nơi ăn nghỉ, địa điểm tham quan, phương tiện đi lại. Nhưng chỉ sau vài giờ đồng hồ, tôi nhận ra rằng, Cù Lao Xanh đang tồn tại loại hình du lịch đại chúng tiền khởi. Khách du lịch đến Cù Lao Xanh đi theo một nhóm nhỏ hoặc cá nhân đến nơi mà theo nhận thức của họ là an toàn, phổ biến, khí hậu phù hợp. Họ không cầu kỳ không tìm kiếm tiện nghi và dịch vụ tiêu chuẩn mà dễ dàng chấp nhận các điều kiện chưa đảm bảo tiêu chuẩn của đảo. Loại hình du lịch thứ hai là du lịch khác thường. Khách du lịch là những người trẻ tuổi thích đến những nơi xa xôi, hoang dã, quan tâm đến những nền văn hóa sơ khai hoặc tìm kiếm những phần bổ sung thêm trong một tour du lịch tiêu chuẩn. Người trẻ thích nghi tốt và chấp nhận các điều kiện về sản phẩm, dịch vụ du lịch hiện có của đảo. Cù Lao Xanh hiện đang hội đủ yếu tố để đón hai loại hình du lịch này.
Lão niên Nguyễn Văn Hạnh bày tỏ cảm xúc về sự kiện người dân đảo được sử dụng điện lưới Quốc gia. Ảnh: Ngọc Hà.
Ông Nguyễn Văn Tri – dân xã đảo cho biết, nhiều năm qua, người dân xã đảo Nhơn Châu chủ yếu sử dụng nguồn điện từ máy phát chạy dầu diesel chỉ từ 17 giờ - 23 giờ hàng ngày. Những tháng mùa hè nắng nóng, được sử dụng điện thêm từ 9 giờ - 15 giờ. Người dân nơi đây khao khát có nguồn điện ổn định đáp ứng sinh hoạt, sản xuất vừa phát triển du lịch. Có điện lưới Quốc gia, ai cũng vui mừng, vì không còn phải lo mất điện do tổ máy hư hỏng. Nhưng bên cạnh niềm vui là nỗi lo giá điện. Khi sử dụng nguồn điện từ máy phát, các hộ dân chỉ phải trả 1.000đ/kWh, còn lại thiếu bao nhiêu tỉnh Bình Định bù lỗ. Bây giờ, dùng điện lưới Quốc gia, tính theo biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt chung của cả nước thì bậc 1, cho kWh 0 – 50 dành cho người nghèo đã là 1.678 đ/kWh (chưa tính VAT); bậc 2, cho kWh 51 – 100 là 1.734 đ/kWh (chưa tính VAT)…Vì vậy, dù đã có điện lưới Quốc gia, dù việc sử dụng điện không còn phụ thuộc vào máy phát điện thì đối với người dân sống trên đảo Nhơn Châu, điện vẫn rất quý, ý thức tự giác tiết kiệm điện có trong từng gia đình ở Cù Lao Xanh.
Sau khi được giải thích, chị Á ở thôn Tây đã bỏ ý định vẫn sử dụng bình ác-quy để thắp sáng và chạy quạt máy do sợ tốn điện. Ảnh: Ngọc Hà.
Niềm vui và nỗi lo của người dân xã đảo Nhơn Châu khi đón nhận dòng điện từ lưới điện Quốc gia là có thật và cũng dễ hiểu. Tuy nhiên, đưa điện về nông thôn, miền núi, vùng sâu vùng xa và hải đảo là một trong những Chương trình lớn, trọng tâm của Chiến lược xóa đói giảm nghèo, thực hiện chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước. Các công trình cấp điện hải đảo đã cùng với các công trình hạ tầng cơ sở khác như trường học, trạm y tế, trạm phát thanh truyền hình, đường giao thông…đã đem lại kết quả khích lệ, không chỉ xóa đói giảm nghèo mà còn đảm bảo an ninh quốc phòng và phát triển bền vững.
Đưa lưới điện Quốc gia ra đảo đã đem lại kết quả khích lệ. Ý nghĩa của việc đưa điện ra đảo có thể nhìn thấy qua cuộc sống thay đổi từ những việc nhỏ nhoi và rất mực đơn giản. Ví như trước kia, hải sản đánh bắt không thể cất giữ bằng cấp đông, không thể chế biến; du lịch vốn là thế mạnh của đảo không thu hút được du khách lưu trú, kéo theo các dịch vụ khác không phát triển…Nhưng từ năm 1992 đến nay, EVN tiếp nhận và cung cấp điện đã cho 11/12 huyện đảo và 81/85 xã đảo thì ở các đảo này có mức tăng trưởng kinh tế liên tục ở mức cao so với trước. Đây là kết quả đầy sức thuyết phục trong thực hiện chủ chương đưa điện ra đảo để phát triển kinh tế biển.
Quá trình từ hòn đảo nhỏ hoang vu không có dấu chân người đến khói ấm đã về trên những thôn mới định cư là cả một quá trình. Từ một hòn đảo chiếm đóng đến hòn đảo dân sinh hiện nay cũng là một sự chuyển mình khó nhọc. Một hòn đảo tiền tiêu chuyển mình thành một hòn đảo du lịch, có kinh tế biển phát triển cũng thực sự là một cuộc vượt cạn không dễ dàng. Nhưng tôi tin rằng, với việc đầu tư gần 351,5 tỷ đồng từ nguồn vốn ODA không hoàn lại do Liên minh châu Âu (EU) tài trợ để cấp điện bằng cáp ngầm xuyên biển, xã đảo Nhơn Châu sẽ có những thay đổi cơ bản, hòa nhập với phát triển chung của đất nước.
Hy vọng, một thời gian không xa, những khách sạn mang dáng dấp biển Địa Trung Hải lại tấp nập du khách, góp phần làm cho Cù Lao Xanh trở nên giàu đẹp hơn. Ảnh: Ngọc Hà.
Trở lại câu chuyện của ngành điện khi tiếp nhận và bán điện trực tiếp đến hộ sử dụng, tôi không bất ngờ khi biết anh Lương Văn Niên, anh Trương Ngọc Minh và 4 công nhân khác được tăng cường ra đảo bằng “Quyết định miệng” từ ngày 18-8-2020 đến nay mà chưa một ngày nghỉ. Bởi, đưa điện ra đảo bao giờ cũng là công việc phải triển khai “thần tốc”, từ thi công lưới điện, thi công trên biển không giống như trong đất liền, không tranh thủ mùa thời tiết thuận lợi là sẽ phải chậm thêm một năm. Rồi đến công tác lắp đặt công tơ đo đếm đến từng hộ khách hàng cũng phải tập trung cao độ để hoàn thành trong thời gian sớm nhất có thể. Vì vậy, ngày 18-8-2020, đóng điện thành công, sau 24 tiếng làm việc liên tục của khoảng 20 cán bộ công nhân Công ty Điện lực Quy Nhơn, lắp đặt công tơ điện tử cho 520 hộ khách hàng đã hoàn tất.
Đội Quản lý vận hành hệ thống điện Nhơn Châu được nhanh chóng thành lập để tiến hành các thủ tục cần thiết cho giao dịch mua bán điện giữa khách hàng và Điện lực nhằm đảm bảo cho công tác kinh doanh.
Chiều buông thật nhanh. Chúng tôi nhanh chóng hoàn thành công việc. Tạm biệt những người dân đảo nhiệt tình và tốt bụng, tạm biệt những người thợ màu áo cam. Tạm biệt Cù Lao Xanh thương nhớ. Với việc không còn được hưởng bù lỗ giá điện, thời gian đầu, người dân xã đảo Nhơn Châu sẽ gặp khó khăn, tuy nhiên, “cái rế bế cái nồi”, theo định hướng phát triển của tỉnh Bình Định, Cù Lao Xanh sẽ được xây dựng là một khu du lịch biển đảo, một khu công nghiệp sạch, không khói, một khu dịch vụ sửa chữa phương tiện đường thủy, một trạm cung cấp lương thực, nhiên liệu, đá lạnh cho những đoàn tàu đánh cá ra Bắc vào Nam. Tất cả điều đó sẽ thành hiện thực khi đảo có một nguồn điện đảm bảo ổn định, liên tục, chất lượng và khi kinh tế của đảo phát triển, đời sống người dân sẽ được nâng cao, câu chuyện về “giá điện” sẽ không còn là nỗi lo của người dân xã đảo Nhơn Châu. Đó là điều chắc chắn.