Công nhân Công ty Truyền tải Điện 2 bảo dưỡng lưới điện 220kV trên địa bàn tỉnh Quảng Bình. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
Thị trường chính là một phương tiện mà thông qua đó, các cá nhân, đơn vị giao dịch với nhau. Trong giao dịch đó, người mua và người bán bao giờ cũng đưa ra những quyết định sao cho có lợi nhất cho sự phát triển, tồn tại của bản thân. Do đó, người mua thì muốn mua với giá rẻ, còn người bán thì lại muốn bán với giá đắt. Việc mua rẻ, bán đắt được coi là một quy luật của thị trường. Ở Việt Nam, ngành Điện đã bước vào giai đoạn đầu của thị trường, đó là chào giá cạnh tranh nguồn điện, vậy, giá điện được định thế nào cho phù hợp?
Giá điện được định ra như thế nào?
Đối với bất kỳ quốc gia nào thì việc định giá điện thường được sử dụng để thực hiện các mục tiêu của Chính sách năng lượng Quốc gia, ví dụ như hỗ trợ cho sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, khuyến khích nâng cao hiệu suất sử dụng năng lượng và khuyến khích sử dụng các dạng năng lượng mới và tái tạo, bảo vệ môi trường sinh thái. Kinh nghiệm của các nước trên thế giới cho thấy việc định giá điện phải đạt được các yêu cầu sau: Giá điện phải được đa số khách hàng chấp nhận; giá điện phải cạnh tranh so với các loại nhiên liệu khác, mặc dù điện là một loại năng lượng tiên tiến; giá điện phải cạnh tranh đến mức có thể thu hút các nhà đầu tư; có thể cần phải áp dụng biện pháp bù giá giữa các nhóm khách hàng và cơ cấu giá điện phải đơn giản, dễ áp dụng.
Từ khi nền kinh tế nước ta chuyển sang kinh tế thị trường, Nhà nước đã cho tăng dần giá điện lên để phản ánh gần đúng với giá thành điện và đồng thời giảm dần gánh nặng bù lỗ của Nhà nước cho ngành điện. Cũng có nhiều người cho rằng, Nhà nước muốn tăng giá điện lên cho bằng mức các nước trong khu vực, trong khi thu nhập của dân cư còn thấp là điều thiếu thực tế. Vì việc tăng dần giá điện không phải là mục tiêu của Nhà nước. Mục tiêu cơ bản xuyên suốt chính là phải tăng giá điện lên đến mức để nó phản ánh đúng quan hệ cung cầu của thị trường và chỉ có như vậy, thì mới có thể đồng thời đáp ứng được các mục tiêu của Chính sách Năng lượng Quốc gia. Mặt khác, cũng chỉ bằng cách như vậy, mới có thể khuyến khích việc sử dụng điện nói chung và các nguồn tài nguyên thiên nhiên một cách tiết kiệm, hiệu quả và bảo vệ môi trường sống của chúng ta.
Theo thống kê của Global Petrol Prices, năm 2018, Việt Nam là một trong những nước có giá điện bình quân thấp của thế giới, chỉ bằng một nửa giá điện bình quân của các nước trên thế giới năm 2018 là 0,14 USD/kWh, tức 0,07 USD/kWh.
Việt Nam đứng thứ 21 trong số 93 nước được thống kê - tức là giá điện của Việt Nam cao hơn 20 nước, thấp hơn tới 72 nước khác. Thống kê Global Petrol Prices cho thấy, so sánh giá điện năm 2018 của Việt Nam so với các nước trong khu vực được thống kê, giá điện của Việt Nam bằng 91,9% so với giá điện của Trung Quốc, Ấn Độ; 81,7% so với giá điện của Lào; 73,5% so với giá điện của Indonesia; 50,4% so với giá điện của Philippine và 38,7% so với giá điện của Campuchia.. Các nước có giá điện rất cao như Đức: 0,33 USD/kWh - cao gấp 4,7 lần giá điện Việt Nam, Australia là 0,26 USD/kWh gấp 3,7 lần, Tây Ban Nha ở mức 0,25 USD/kWh gấp 3,5 lần, Italia là 0,23 USD/kWh gấp 3,2 lần. Nước có giá điện cao nhất là Đan Mạch với 0,34 USD/kWh, gấp gần 5 lần so với giá điện của Việt Nam.
Chúng ta cũng biết là từ nửa cuối tháng 3-2019, giá bán lẻ điện tăng 8,36%, lên mức 0,08 USD/kWh, thấp hơn giá mua vào điện gió 2.223 đ/kWh và thấp hơn điện mặt trời 0,935 USD/kWh.
Tại sao mua nhiều điện phải trả tiền với giá cao hơn?
Tuyên truyền tiết kiệm điện cho các hộ dân đồng bào dân tộc H' Mông tại Lào Cai. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
Trước hết phải thấy rằng câu hỏi này luôn đúng với bất kỳ sản phẩm nào, nếu chúng ta xét vào thời điểm khan hiếm của thị trường, tức là vào thời điểm mà cung không đủ để thỏa mãn nhu cầu. Điều này đúng với tình trạng của thị trường điện hiện nay ở nước ta. Tốc độ tăng trưởng nhu cầu điện của Việt Nam hiện nay từ 10%-12%/năm và việc đáp ứng đầy đủ nhu cầu điện cho các ngành kinh tế xã hội là hết sức khó khăn. Nhưng ở đây, vấn đề liên quan đến thắc mắc có lẽ là về “biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt” hiện hành, trong đó quy định 6 bậc thang và theo lũy tiến tăng giá dần theo sản lượng điện tiêu thụ.
Theo biểu giá điện hiện hành, đối với điện bán lẻ cho sinh hoạt thì khách hàng càng mua nhiều điện thì càng phải trả với giá cao hơn, khác với các loại sản phẩm hàng hóa khác, càng mua nhiều càng được khuyến khích, giảm giá, có thưởng…Nói cách khác, khách hàng sử dụng điện sinh hoạt chưa được khuyến khích tiêu thụ nhiều điện năng.
Kinh nghiệm từ ngành điện các nước đang phát triển cho thấy, ở thời kỳ đầu, khi thu nhập quốc dân còn thấp, tỷ lệ người nghèo và thu nhập thấp trong xã hội còn cao, nếu đưa giá điện phản ánh đúng quan hệ cung – cầu của thị trường thì nhóm khách hàng nghèo, thu nhập thấp không thể chịu đựng được. Bởi vậy, các nước đang phát triển phải áp dụng biện pháp bù giá giữa các nhóm khách hàng khi xây dựng cơ cấu biểu giá điện. Việt Nam cũng không phải là một ngoại lệ. Vì vậy, ngoài việc kiểm soát giá điện, Nhà nước còn có chính sách xây dựng một biểu giá điện theo hướng bù giá giữa các nhóm khách hàng. Mặc dù điều này về lâu dài là không có lợi, do sẽ làm sai lệch tín hiệu thị trường, nhưng lại là một biện pháp hết sức cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Việc chia cho 100kWh đầu tiên cũng là nhằm đảm bảo đáp ứng nhu cầu sử dụng điện tối thiểu cho những người có thu nhập thấp. Một phần chênh lệch giá cũng được bù từ những khách hàng có thu nhập cao hơn. Điều này thể hiện sự ưu việt trong chính sách của Nhà nước, chứng tỏ sự can thiệp của Nhà nước vào thị trường định hướng XHCN.
Khách hàng sẽ “cân não” với việc chọn phương án giá
Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
Được biết, Bộ Công Thương đang nghiên cứu phương án cho phép khách hàng dùng điện sinh hoạt được lựa chọn cách tính giá điện, hoặc một giá hoặc theo biểu giá bán lẻ điện bậc thang sửa đổi (sẽ rút gọn từ 6 còn 5 bậc). Việc nghiên cứu thêm phương án giá điện bán lẻ sinh hoạt mới được cơ quan này đưa ra trước những phản ánh hoá đơn tiền điện tăng cao vừa qua và đề xuất từ phía người tiêu dùng "mong muốn có thêm phương án để lựa chọn".
Với phương án này, bất kể sản lượng tiêu thụ điện bao nhiêu, các hộ sinh hoạt đều được tính theo một đơn giá thay vì cách lũy tiến bậc thang (dùng càng nhiều trả đơn giá càng cao như hiện nay). Đơn giá trong trường hợp này sẽ được xây dựng dựa trên giá điện bình quân 1.864,44 đồng/ kWh (chưa gồm thuế VAT). Trường hợp người tiêu dùng chọn phương án giá điện nào thì sẽ được ngành điện áp dụng phương án đó.
Theo Bộ Công Thương, xét tổng thể thì dù với phương án giá nào, tổng doanh thu trên sản lượng tiêu thụ điện thương phẩm không thay đổi, có nghĩa là giá điện thu được bằng giá bình quân, như hiện tại là 1.864,44đ/kWWh (chưa gồm thuế VAT).
Nếu áp dụng 1 giá điện so với biểu giá bậc thang thì người dùng ít điện sẽ phải trả tiền tăng, dùng nhiều điện sẽ trả tiền giảm. Lý do rất đơn giản là giá bậc thấp hơn giá bình quân phải kéo lên bằng giá bình quân, bậc đang cao hơn giá bình quân phải kéo xuống bằng giá bình quân đề thực hiện bán 1 giá. Bản tính toán này chỉ thực hiện tính toán đơn giản về tiền, không bàn đến chính sách giá điện và các vấn đề khác. Đơn cử, tính cho 1 hộ dùng điện 1 tháng: Nếu dùng 100kWh thì 1 giá so với giá bậc thang phải trả thêm 19.000đ tháng (tăng 11.2%); nếu dùng 200kWh phải trả thêm 7.400đ (tăng 1,98%). Hộ khách hàng tiêu thụ 300kWh thì giảm 56.500đ (0,9%); 400kWh thì giảm 149.200đ (16,44%); 600kWh thì giảm 455.000đ (28,57%); 700kWh thì giảm 458.000đ (25,6%) và 1000kWh thì giảm 767.200đ (28,79%). Trong khi đó, hộ khách hàng sử dụng điện sinh hoạt bình quân dưới 400 kWh hiện chiếm 70-80% tổng số khách hàng sử dụng điện sinh hoạt.
Nếu xây dựng phương án không ảnh hưởng đến nhóm khách hàng là hộ nghèo và hộ thu nhập thấp thì mức giá của phương án một giá chắc chắn sẽ phải cao hơn giá điện bình quân hiện nay.
Nếu có thêm phương án một giá điện sẽ có thêm sự lựa chọn cho khách hàng nhiều điện cả năm, nhưng với khách hàng tiêu thụ điện cao vào mùa hè, các mùa còn lại ít hơn thì chưa chắc đã tối ưu khi chuyển sang một giá. Một yếu tố nữa, với miền Bắc, trong một năm, thường hóa đơn tiền điện cao nhất từ tháng 5 đến tháng 8, những tháng còn lại do thời tiết nên chênh lệch sản lượng tiêu thụ cao hơn miền Trung và miền Nam. Do vậy, nếu khách hàng lựa chọn một giá cần xem lại sản lượng tiêu thụ điện trong một năm để có quyết định chính xác.
Hiện, nhiều nước trên thế giới vẫn áp dụng biểu giá điện bậc thang, một số nước tính theo giá cố định, như: Tại Singapore, giá bán điện sinh hoạt cho hộ gia đình chỉ có một mức duy nhất là 24,39 cent một kWh. Tuy nhiên, mức giá này được điều chỉnh định kỳ 3 tháng một lần để phản ánh sự thay đổi chi phí của giá điện. Ở Đức, giá điện không được Nhà nước quy định mà theo từng công ty cung cấp và chênh lệch giá giữa các công ty phân phối không lớn. Ngoài tiền điện, mỗi năm người dân phải trả thêm khoảng 100 Euro cho tiền cung cấp đường điện và các dịch vụ khác. Tương tự ở New Zealand có khoảng 20 đơn vị cung cấp điện. Giá điện không tính theo bậc thang mà theo thoả thuận giữa người sử dụng và công ty cung cấp. Giá điện thường bao gồm giá tính trên mỗi kWh cùng với phí quản lý hàng ngày và chi phí khác. Tuy nhiên, xu hướng thế giới bây giờ đang chuyển từ 1 giá sang bậc thang, vừa giúp tiết kiệm năng lượng, lại tái phân phối giàu nghèo.
Hiện nay trên thế giới các quốc gia đang áp dụng giá điện sinh hoạt luỹ kế 3 mức như Nhật Bản; 5, 6, 7 mức như Canada (Toronto, Quebec), Mỹ (Califorlia) Paraguay, Nicaragua, Saudi Arabia, Bharain, Brunei, Ai Cập, Đài Loan, Hàn Quốc, Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Tunisia, Uganda.... trong đó Nam Phi, Hàn Quốc 6 bậc; Hồng Kông 7 bậc. Một số quốc gia trong khu vực, có hệ thống nguồn và lưới điện tương đồng Việt Nam như Philippines 8 bậc; Thái Lan 10 bậc, trong đó sử dụng dưới 150 kWh/tháng tính 7 bậc, sử dụng trên 150 kWh/tháng tính thêm 3 bậc và Malaisia 10 bậc.
Hàn Quốc không chỉ giá điện luỹ kế theo kWh sử dụng mà còn có mức luỹ kế theo mùa nữa: Vào mùa hè và mùa đông giá cho kWh thứ 1.001 trở đi cao gấp 7,65 lần giá cho 200 kWh đầu tiên (62 cent/kWh so với 8,1 cent). Xét theo cơ cấu về công nghệ, nhiệt điện than và khí hóa lỏng ( LNG) chiếm tỷ trọng cao nhất, lần lượt là 32% và 26%. Điện hạt nhân chiếm khoảng 25% tổng công suất hệ thống. Tỷ trọng của thủy điện rất thấp, khoảng 7,5%. Còn lại là nhiệt điện dầu và năng lượng tái tạo. Tập đoàn Điện lực Hàn Quốc (KEPCO - Korea Electric Power Corporation), với 51,1% thuộc sở hữu nhà nước, là đơn vị đóng vai trò chủ chốt trong ngành điện Hàn Quốc. KEPCO sở hữu hơn 90% công suất hệ thống, độc quyền trong các khâu truyền tải - phân phối và bán lẻ điện. Như vậy, về mặt cơ cấu có thể nói rằng ngành điện Hàn Quốc vẫn được tổ chức theo mô hình liên kết dọc độc quyền.
Đài Loan có 2 biểu giá luỹ tiến cho 2 mùa khác nhau, biểu giá cho 4 tháng mùa hè gồm 6 bậc, còn biểu giá cho các tháng còn lại là 5 bậc.
|