Phóng viên (PV): Ông đánh giá như thế nào về tự động hóa của EVN trong thời gian qua, thưa ông?
Ông Đỗ Mạnh Cường: Những năm qua, Hội Tự động hóa Việt Nam đã đồng hành cùng EVN trong việc chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 cũng như việc thực hiện các Nghị quyết, Chính sách của Đảng, Chính phủ về chuyển đổi số nói chung, tự động hóa nói riêng.
Trong quá trình đó, EVN đã có những nỗ lực đặc biệt và tôi đánh giá cao những kết quả mà tập đoàn đã đạt được. EVN đã ban hành Đề án tổng thể Chuyển đổi số trong Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam; đẩy mạnh công tác truyền thông về chuyển đổi số; triển khai chuyển đổi số trên mọi lĩnh vực hoạt động với những hoạt động thiết thực.
Các đơn vị thành viên của EVN cũng đã chuyển đổi số mạnh mẽ và thu được nhiều thành quả rất đáng khích lệ trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Qua đó, tối ưu công tác vận hành hệ thống điện; nâng cao độ tin cậy cho các hệ thống từ phát điện, truyền tải, phân phối điện; mang lại nhiều tiện ích cho khách hàng sử dụng điện.
PV: Theo dõi quá trình tự động hóa của EVN, ông ấn tượng với những kết quả nào nhất, thưa ông?
Ông Đỗ Mạnh Cường: Tôi thực sự ấn tượng với nhiều sản phẩm, giải pháp mà EVN đang triển khai. Tập đoàn đã có các sản phẩm chuyển đổi số Make by EVN, do các đơn vị EVN tự nghiên cứu, sản xuất, ứng dụng, mang lại hiệu quả cao trong hoạt động sản xuất, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện và an toàn cho người sử dụng.
Hay EVN cũng đã ứng dụng các công nghệ hiện đại, tiên tiến vào hoạt động quản lý, vận hành như: ứng dụng robot điều khiển từ xa vệ sinh cách điện đang mang điện bằng nước áp lực cao; ứng dụng máy bay không người lái trong việc kiểm tra, xử lý các vật thể vướng trên đường dây truyền tải; ứng dụng các dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo trong sản xuất, vận hành hệ thống điện… Các công nghệ mới đã được ứng dụng, phát huy, đảm bảo được tính mềm dẻo, linh hoạt trong các hoạt động sản xuất, truyền tải, phân phối điện.
Cùng với đó, EVN cũng đã có sự kết nối, hợp tác với các hãng công nghệ lớn trên thế giới; phối hợp với các hiệp hội, viện nghiên cứu, trường học trong quá trình triển khai tự động hóa. Tôi cho rằng, đây là những việc làm rất đúng và trúng.
PV: Để EVN “đi” nhanh và đúng hướng trên hành trình tự động hóa, ông có khuyến nghị gì cho tập đoàn?
Ông Đỗ Mạnh Cường: Chuyển đổi số nói chung, trong đó có tự động hóa là một chiến lược vừa cấp bách, vừa lâu dài. EVN là một ngành rất đặc thù, với nhiều công nghệ, quy trình rất phức tạp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Do đó, tập đoàn cần phải có những chiến lược rất căn cơ trong quá trình chuyển đổi số cũng như tự động hóa. Hiện nay, EVN đã có đề án chuyển đổi số tổng thể của tập đoàn, với những lộ trình rất rõ ràng trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn để đưa EVN trở thành doanh nghiệp số.
Theo tôi, tập đoàn cần tiếp tục số hóa tất cả các quy trình từ sản xuất, vận hành, truyền tải, phân phối, kinh doanh, quản trị doanh nghiệp… Đặc biệt, cần phải có sự chuẩn bị tốt về mặt nhân lực để đáp ứng, tiếp cận, làm chủ được các công nghệ mới, tiên tiến.
Bên cạnh đó, EVN cần tiếp tục tăng cường giao lưu kết nối, hợp tác với các các cơ sở đào tạo, nghiên cứu; các hãng công nghệ của các quốc gia trên thế giới, để từng bước làm chủ công nghệ và hội nhập với thế giới.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!