EVN muốn đưa máy bay không người lái vào việc quan trắc, khảo sát lưới điện

Thứ tư, 25/10/2017 | 15:51 GMT+7
Ông Ngô Sơn Hải, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam EVN cho biết, cứ vài chục km lại phải có khoảng 1 đến 2 nhân lực làm công việc khảo sát, phát hiện lỗi, sửa chữa lưới điện. 
UAV VT PIGEON có chiều dài 2,25m. Khối lượng cất cánh tối đa là 26 kg.
 
Vì vậy, EVN muốn đưa UAV vào việc quan trắc, khảo sát hệ thống hành lang an toàn lưới điện của mình.
 
Mới đây, Viettel đã đem máy bay không người lái (UAV) hạng nhẹ mang tên VT PIGEON trình diễn khả năng khảo sát tình trạng các đường dây điện cao thế, vẽ bản đồ từ trên cao, khảo sát tài nguyên khoáng sản, theo dõi, giám sát giao thông và cứu hộ cứu nạn. UAV VT PIGEON có chiều dài 2,25m. Khối lượng cất cánh tối đa là 26 kg. UAV này sử dụng phương pháp cất cánh đường băng, máy phóng. 3 năm trước, Viettel tuyên bố nhắm đến sản xuất ra những chiếc máy bay không người lái tầm trung với thời gian bay 15 -24 giờ phục vụ cho trinh sát cấp chiến dịch, chiến lược, xa hơn nữa là các thiết bị tối tân khác như tên lửa để tăng cường khả năng phòng vệ cho đất nước.
 
Phát biểu tại buổi bay thử nghiệm quan trắc thành công hệ thống lưới điện tại Hòa Bình mới đây do Viettel trình diễn, ông Ngô Sơn Hải, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, những năm gần đây, đặc biệt là năm 2016, 2017, EVN đang đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh của Tập đoàn. EVN đang có hệ thống đường dây lên đến hàng chục nghìn km. Cứ vài chục km EVN lại có khoảng 1,2 nhân lực làm công việc khảo sát, phát hiện lỗi, sửa chữa... Nghĩa là với hệ thống đường dây lớn như thế này EVN cần đến một lượng nhân lực không nhỏ. Do vậy, khi có công nghệ tiên tiến phù hợp và chi phí hợp lý thì Tập đoàn Điện lực sẽ có những nghiên cứu để đánh giá hiệu quả trong quản lý vận hành đường dây tải điện. Và UAV đang là một giải pháp hữu hiệu mà EVN tính đến.
 
“Ở Việt Nam đúng là đã có những đơn vị khác cung cấp UAV, tuy nhiên những hiệu quả mang lại vẫn chưa thực sự rõ ràng. Hơn nữa, EVN vẫn muốn lựa chọn các đối tác trong nước hơn là các đối tác nước ngoài trong việc đưa UAV vào việc quan trắc, khảo sát hệ thống hành lang an toàn lưới điện của mình…. Với kết quả bay thử UAV của Viettel đã chứng tỏ rằng Viettel có một sản phẩm nghiên cứu rất giá trị.  UAV của Viettel có khả năng khảo sát toàn tuyến, có thể nghiên cứu để tính đến những hiệu quả phù hợp cho EVN. EVN và Viettel đã là đối tác chiến lược, với cam kết hợp tác toàn diện lâu dài, hỗ trợ lẫn nhau để phát huy sức mạnh. Tôi hy vọng, việc ứng dụng tổ hợp UAV này vào vận hành lưới điện sẽ đẩy mạnh hơn nữa sự hợp tác của Viettel và EVN” ông Ngô Sơn Hải nói.
 
Ông Ngô Sơn Hải cho biết, EVN lựa chọn giải pháp của mình dựa trên phương diện chất lượng sản phẩm và giá thành hợp lý. Một đơn vị sản xuất UAV trong nước chắc chắn sẽ có giá thành thấp hơn ở nước ngoài. Với sản phẩm UAV hiện tại, EVN đặt ra ít nhất 3 yêu cầu: thứ nhất là khả năng quan trắc toàn bộ hệ thống đường dây tuyến, thứ 2 là đảm bảo khả năng chụp ảnh nhiệt phát hiện các sự cố chập cháy và thứ 3 là khả năng đo đạc, ví dụ như đo khoảng cách từ tán cây đến đường dây điện. Hiện ở yêu cầu thứ nhất, UAV của Viettel hoàn toàn có thể làm được.
 
UAV của Viettel  trình diễn khả năng khảo sát tình trạng các đường dây điện cao thế, vẽ bản đồ từ trên cao.
 
“Chúng tôi sẽ tiếp tục đưa ra các bài toán để Viettel nghiên cứu, giúp tối ưu các ứng dụng của các tổ hợp UAV với ngành điện. Và lộ trình đó có thể tính bằng đơn vị năm chứ không chỉ một sớm, một chiều. EVN đang đẩy mạnh các ứng dụng CNTT trong mọi mặt của việc sản xuất và kinh doanh. Quá trình này không chỉ dừng lại ở việc kiểm tra quản lý và vận hành đường dây mà sẽ tiến hành ở tất cả những công việc bị hạn chế nếu chỉ dùng sức người. Tập đoàn đã thử nghiệm các thiết bị đầu cuối (RTU) cho các nhà máy điện, ứng dụng công nghệ composite bảo vệ bề mặt các hệ thống thiết bị nhà máy nhiệt điện, hệ thống giám sát dòng rò cách điện đường dây… EVN sẽ tiếp tục triển khai các ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào việc quản lý, vận hành ở tất cả các khối từ sản xuất, truyền tải đến khâu phân phối điện. Để biết Viettel có thể cung cấp thêm giải pháp nào cho các hoạt động của Điện lực, tôi cho rằng các đơn vị phải ngồi lại cùng nhau để tìm ra các sản phẩm phù hợp nhất” ông Ngô Sơn Hải nhấn mạnh.
Theo: Infonet