Ông Bùi Kiến Thành, chuyên gia kinh tế cao cấp. Ảnh: MH
|
Trong thời gian vừa qua, vấn đề lỗ lãi của Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN), đã thu hút được khá nhiều người quan tâm. Liên quan đến vấn đề này, PV đã có cuộc trao đổi với ông Bùi Kiến Thành, chuyên gia kinh tế cao cấp.
- PV: Ông đánh giá thế nào về cơ chế bao cấp giá điện ?
Ông Bùi Kiến Thành: Ở Việt Nam có hai thành phần khách hàng tiêu dùng khác nhau, đó là một bộ phận cần được hỗ trợ giúp đỡ và trợ cấp từ Nhà nước (gồm những hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn), những có một bộ phận khác không cần sự ưu đãi mà vẫn chấp nhận giá thị trường. Vì vậy không phải chính sách trợ cấp đồng bộ.
Như chúng ta đều biết, hiện nay nền kinh tế đã là vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, thì giá điện cũng cần vận hành theo cơ chế thị trường. Còn thành phần nào xã hội cần được ủng hộ thì cần có những chính sách rõ ràng. Chứ không có lý do gì phải bao cấp tràn lan cho tất cả các hộ gia đình.
- Việc cho phép các nhà máy thép vào sản xuất có ảnh hưởng thế giới tới việc cung cấp điện trong nước, thưa ông?
Hiện nay nước ta có rất nhiều công ty sắt thép thế giới tới Việt Nam mở nhà máy, tại vì điện của Việt Nam rẻ quá, mặc dù những công ty này đã phải chịu giá điện riêng. Vì vậy nếu so với khu vực chúng ta vẫn đang bao cấp giá điện cho những công ty này.
Đây là một việc rất phi lý, trong khi chúng ta đang phải xây bao nhiêu nhà máy điện nhưng vẫn không đủ cung cấp ra thị trường, nhưng giờ lại cho các nhà máy vào lại hút hết điện. Đây là một vấn đề khá bất cập.
Vì vậy giá điện của các nhà máy này cần được tính ở mức hợp lý trong khu vực và đối với giá thành sản xuất của mình để ngành điện phát triển, làm thế nào giá đó phải đủ để tạo ra một mức hợp lý để tái đầu tư vào hệ thống điện.
Sản xuất thép với công nghệ lạc hậu tiêu tốn nhiều năng lượng hiện vẫn đang được bao cấp giá điện. Ảnh minh họa
- Vậy việc tăng giá điện có phải là giải pháp tốt giúp ngành điện phát triển?
Chính phủ phải nghiên cứu giá điện sản xuất ra là bao nhiêu, và giá bán nó là bao nhiêu thì mới có được tỷ lệ lợi nhuận bình thường cho một doanh nghiệp phát triển. Sau khi tính toán ra được giá thành, thì nên chúng ta cũng nên cho ngành điện bán trên giá thành ra, giúp ngành này thu hút đầu tư.
Có thể lấy một ví dụ điển hình, trong sơ đồ điện 7 có đưa ra rằng đến năm 2020 chúng ta phải đạt 70 nghìn MW. Tuy nhiên, hiện nay chúng ta chỉ có 25 nghìn MW. Như vậy, chỉ còn 8 năm nữa thôi chúng ta ta phải đạt 2 lần cái tổng công suất hiện nay. Đây là chuyện không tưởng, bởi vì xây cái nhà máy điện thì phải mất rất nhiều thời gian, ít nhất phải mất 5 năm. Trong khi đó chúng ta lại không có tiền để đầu tư.
- Tuy nhiên việc tăng giá điện cần được xem xét và cân nhắc rất cẩn thận, khi mà chính sách đảm bảo an sinh xã hội luôn được đặt lên hàng đầu?
Điều này chúng ta phải mạnh dạn, phải sống với thực tế với vì nếu không sản xuất ra điện thì các doanh nghiệp sẽ không hoạt động được trong nền kinh tế. Doanh nghiệp muốn sản xuất điện, họ phải bán cái giá như thế nào cho ngành điện nó hoạt động được và phát triển được.
Chúng ta phải thừa nhận rằng, so với khu vực giá điện tại Việt Nam đang rất thấp. Vì vậy, phải một lần nhấn vào sự thật mà nói rằng giá điện này là giá điện không thực tế và cần phải áp dụng giá điện thực tế. Một lần chịu đau giải quyết được các vấn đề về giá điện và từ đó phát triển.
Còn nếu như bây giờ mình tự dối mình, không cho ngành điện phát triển được thì ngành kinh tế cũng sẽ bị đình trệ.
- Vậy theo ông, nếu cho tăng giá điện thì chúng ta cần làm gì để hạn chế tình trạng té nước theo mưa, gây lạm phát cao ?
Khi giá điện được tăng theo đúng thị trường, thì cơ quan quản lý Nhà nước phải quản lý chặt và những mặt hàng nào được thì hạ. Hiện nay chúng ta là nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường, nên phải điều hành theo cơ chế thị trường.
Bây giờ mình cứ sợ không điều hành theo cơ chế thị trường thì không thể giải quyết được sự phát triển của các doanh nghiệp. Chúng ta luôn có sự trợ cấp của Nhà nước cho những gia đình khó khăn, còn những người khác thì phải chấp nhận luật của thị truờng.
- Xin cảm ơn ông!
VnMedia