Giải pháp điều khiển tích hợp các nguồn năng lượng không nối lưới Quốc gia của EVNSPC đạt giải thưởng chuyển đổi số Việt Nam năm 2020.
Điện lực Phú Quý nằm trên đảo Phú Quý (thuộc tỉnh Bình Thuận) cách đất liền 110km về phía tây Bắc, cách đảo Trường Sa 540km về phía Đông, cách Côn Đảo 330km về phía Tây Nam. Do đảo nằm giữa biển đông và cách xa đất liền nên chưa thể kéo lưới điện Quốc gia ra đến đảo được. Nguồn điện chính tại đảo hiện nay có công suất 16MW bao gồm: 10 MW chạy bằng máy phát diesel và 06 MW tuabin gió.
Nguồn điện cung cấp cho huyện đảo Phú Quý là nguồn độc lập gồm 13 máy phát diesel lắp đặt tại nhà máy diesel và 03 tuabin gió lắp đặt tại nhà máy phong điện. Khoảng cách từ nhà máy diesel đến nhà máy phong điện 7 km. Nhà máy phong điện liên kết với nhà máy diesel thông qua các MC trung thế liên kết thanh cái và liên kết vòng 2 mạch.
Hệ thống DCS có chức năng cân bằng công suất phát của 3 tuabin gió và 13 máy phát diesel theo nhu cầu phụ tải. Trong chế độ vận hành bình thường sẽ ưu tiên khai thác tối đa công suất khả dụng của tuabin gió, giảm phát điện bằng nguồn diesel. Tỷ lệ gió-diesel có thể thay đổi bởi người vận hành trên giao diện điều khiển DCS và có thể lên đến 80%gió – 20%diesel khi gió ổn định.
Hệ thống DCS cho phép vận hành tuabin gió ở 2 chế độ: tự động và bằng tay. Ở chế độ bằng tay, tổng công suất của tuabin gió được cài đặt phát cố định trong thời gian dài. Riêng các máy diesel, DCS cho phép vận hành ở 3 vị trí: Tại màn hình máy tính, tại tủ Panel và tại máy phát diesel. Các chế độ vận hành khác nhau giúp người vận hành lựa chọn phương thức phù hợp, tăng độ tin cậy của các phần tử trong hệ thống điện.
Khi chuyển DCS sang vận hành chế độ tự động, các máy phát diesel và tuabin gió vận hành hoàn toàn tự động. DCS tự động phân chia công suất gió-diesel theo tỉ lệ phần trăm công suất đã được đặt trước. Việc khởi động/ngừng máy diesel hoặc tuabin gió do DCS thực hiện và tự động khởi động máy phát diesel hòa vào lưới khi thiếu nguồn dự phòng và xuống máy phát diesel khi dư công suất phát.
Ngoài chức năng điều khiển hệ thống, DCS còn giám sát 13 máy phát diesel tại nhà máy Diesel và 3 tuabin gió tại nhà máy phong điện; giúp người vận hành dễ dàng theo dõi hoạt động, tình trạng thiết bị trên toàn hệ thống điện. Trên giao diện DCS cung cấp đầy đủ thông tin của thiết bị, tổng công suất của phụ tải, công suất phát diesel, công suất phát tuabin gió, công suất dự phòng diesel, tuabin gió, thứ tự khởi động và dừng các máy diesel, tỉ lệ phát gió-diesel, tốc độ gió và các thông số vận hành khác.
Trong thời gian tới, Điện lực Phú Quý sẽ đưa vào vận hành 0,8MW điện mặt trời và 2,5MW pin tích năng. Hệ thống DCS Phú Quý sẽ được mở rộng thêm và tích hợp điều khiển nhiều nguồn năng lượng trong một hệ thống, tiến đến nhà máy điện chỉ vận hành các nguồn năng lượng tái tạo, không vận hành máy phát diesel, ứng dụng công nghệ vào sản xuất điện.
“Hệ thống DCS giải pháp điều khiển tích hợp các nguồn năng lượng không nối lưới Quốc gia” của Điện lực Phú Quý - Công ty Điện lực Bình Thuận đã được vinh danh tại Lễ trao giải thưởng “Chuyển đổi số Việt Nam - Vietnam Digital Awards 2020”. Ngoài ra “Hệ thống giám sát và phân tích hoạt động của hệ thống đo đếm” của Tổng Công ty Điện lực miền Nam; “Hệ thống điều khiển xa và các trạm biến áp 110kV không có người trực vận hành” của Công ty Điện lực Vĩnh Long cũng nằm trong số 09 cơ quan, đơn vị thuộc EVN được vinh danh tại lễ trao thưởng này.
|
Mai Hoa