Sự kiện

Giải phóng mặt bằng các công trình lưới điện trọng điểm: Biết vượt khó sẽ không khó

Thứ tư, 17/4/2013 | 08:56 GMT+7
Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương và Bà Rịa-Vũng Tàu được đánh giá là 4 địa phương nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đông dân và có mức tiêu thụ điện năng nhiều nhất cả nước.



Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn

Chỉ tính riêng năm 2012, sản lượng điện thương phẩm của các địa phương này đạt trên 30,9 tỷ kWh, chiếm 29,3% tổng sản lượng điện thương phẩm của cả nước. Trong giai đoạn từ nay đến năm 2015, tình hình cung cấp điện trong khu vực vô cùng khó khăn do không có công trình nguồn mới vào vận hành. Vì vậy, việc Ban Quản lý các công trình lưới điện miền Trung (AMT) đang tích cực đẩy nhanh thời gian thi công các công trình lưới điện không chỉ đem lại hiệu quả cao về kinh tế cho dự án, mà còn khắc phục tình trạng thiếu điện  phục vụ sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội  đang diễn ra ở khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam.

Bài học từ vướng đâu gỡ đó

Gần đây nhất, ngày 28-12-2012, đường dây 220kV Đăk Nông– Phước Long– Bình Long đã đóng điện thành công và đưa vào vận hành an toàn sau gần 15 tháng khẩn trương xây dựng. Ông Nguyễn Đức Tuyển, Giám đốc Ban quản lý dự án các công trình điện miền Trung (AMT) cho biết, mặc dù, đường dây 220kV Đăk Nông- Phước Long- Bình Long là dự án cấp bách trọng điểm nhằm giải phóng công suất cụm nguồn điện khu vực Tây Nguyên, trước mắt, tăng cường khả năng cung cấp điện cho miền Nam năm 2013. Theo quy định, thì đối với các công trình trọng điểm cấp quốc gia, các Bộ ngành, địa phương phải ưu tiên giải quyết, nhưng trên thực tế đây là dự án rất vất vả trong công tác đền bù GPMB. Theo tiến độ, trong tháng 12-2012 đóng điện, nhưng đến cuối tháng 7-2012, vẫn còn 10 vị trí móng cột chưa bàn giao được cho đơn vị thi công. Nguyên nhân một phần là do chính sách giá đền bù, hỗ trợ đền bù mỗi địa phương một khác nên các hộ dân so sánh bì tị không chịu nhận tiền đền bù. Chưa kể đến việc, rất nhiều hộ dân đã xây dựng nhà tạm với diện tích lớn trong các vị trí móng, hành lang tuyến tại các huyện Đăk RLấp, huyện Hớn Quảng, Tthị xã Bình Long và diện tích phần mở rộng trạm biến áp 220 kV Bình Long để trục lợi tiền đền bù làm ảnh hưởng đến tiến độ của dự án. Các ngôi nhà tạm này xuất hiện sau khi cắm mốc, đo đạc để làm các thủ tục bồi thường GPMB với diện tích rất lớn trên các vị trí được xác định để xây dựng móng trụ điện, hành lang tuyến và mở rộng TBA.

Không riêng đường dây 220 kV Đăk Nông– Phước Long– Bình Long, hầu hết các dự án đường dây đều khó khăn GPMB do chính sách giá đền bù, hỗ trợ chưa thống nhất, nhiều địa phương chưa thực sự vào cuộc. Đường dây 500 kV Sơn La – Hiệp Hòa cũng rất căng thẳng khi trước kế hoạch đóng điện 1 tháng mà vẫn còn hơn 40 km đi qua tỉnh Vĩnh Phúc chưa thi công được. AMT đã phải phối hợp công an bảo vệ thi công phần cột, sau đó dùng khinh khí cầu kéo dây mới kịp tiến độ. Thậm chí ở nhiều nơi, một số phần tử xấu còn thiết kế những ngôi nhà di động, thiết kế cắm mốc tuyến đến đâu là nhà mọc lên đến đấy. Nếu hướng tuyến thay đổi thì nhà cũng di chuyển theo.

Để giải quyết vướng mắc ở đường dây 220 kV Đăk Nông– Phước Long– Bình Long, Ban AMT đã phối hợp với chính quyền các địa phương thực hiện nhiều giải pháp. Ngay trong giai đoạn khảo sát, các bên đã phối hợp quay phim, ghi hình hiện trạng tại khu vực có tuyến công trình đi qua. Kết quả đã có 40.000 m2 nhà xây dựng trái phép bị tháo dỡ.

AMT được đánh giá là đơn vị tinh nhuệ và có nhiều kinh nghiệm trong công tác giải phóng mặt bằng cũng như bám sát công trường để đôn đốc, giải quyết nhanh vướng mắc phát sinh. Vì vậy, mặc dù chính sách của nhà nước về giải phóng mặt bằng chưa có chế tài đủ sức răn đe những phần tử xấu lợi dụng chính sách để trục lợi. Nhưng với tư cách là đại diện chủ đầu tư, AMT rất hạn chế trong việc áp dụng giải pháp cưỡng chế, vì theo ông Nguyễn Đức Tuyển, vừa ảnh hưởng không tốt đến dư luận, vừa tốn kém thời gian và tiền bạc. Vì vậy, AMT đã yêu cầu cán bộ làm công tác đền bù GPMB phải phối hợp thống nhất với địa phương và bám sát địa bàn, đặc biệt, tích cực trong việc tuyên truyền chủ trương chính sách và quản lý tốt việc xây dựng công trình trên mặt bằng các dự án đã được cắm mốc.

Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm

Các dự án đường dây 500kV: Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông, Vĩnh Tân - Sông Mây, Phú Mỹ-Sông Mây và Sông Mây-Tân Định đang được các Ban Quản lý các công trình lưới điện miền Trung, miền Nam đang đấy nhanh thi công nhằm đưa vào vận hành đúng tiến độ trong năm nay, đảm bảo đáp ứng nhu cầu tăng trưởng phụ tải khu vực miền Nam giai đoạn 2014-2015.

Đường dây mạch kép  500kV Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông dài trên 437,5 km, từ trạm biến áp (TBA) 500kV Pleiku đến TBA 500kV Cầu Bông có tổng mức đầu tư trên 9.288 tỷ đồng. Đường dây đi qua địa bàn 5 tỉnh: Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Phước, Bình Dương và thành phố Hồ Chí Minh. Ngoài việc tăng cường truyền tải Bắc - Nam, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng phụ tải khu vực miền Nam giai đoạn hai năm tới, đường dây còn đảm bảo cấp điện điện an toàn cho Thành phố Hồ Chí Minh, góp phần đảm bảo hệ thống điện vận hành an toàn, kinh tế trong trường hợp cần có sự trao đổi điện năng ở mức cao giữa các vùng - miền trên cả nước. Đồng thời tạo tiền đề cho việc nhập khẩu điện từ Lào về Việt Nam và liên kết lưới điện ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia giai đoạn sau năm 2015. Với tầm quan trọng đặc biệt này, dự án đã được khởi công từ 23-10-2011 và EVNNPT đang tập trung nguồn lực phấn đấu đóng điện trong tháng 12-2013.

Dự án xây dựng đường dây 500kV Vĩnh Tân - Sông Mây mạch có tổng mức đầu tư trên 2.988,4 tỷ đồng, đường dây đi qua địa bàn các huyện: Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, Hàm Tân (Bình Thuận) và Xuân Lộc, Thống Nhất, Trảng Bom, Vĩnh Cửu, thị xã Long Khánh (Đồng Nai). Dự án có nhiệm vụ truyền tải công suất từ các nhà máy trong TTĐL Vĩnh Tân về khu vực Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận. Trước mắt, đưa vào vận hành đường dây 220kV từ Vĩnh Tân đến điểm giao chéo của đường dây 220kV Hàm Thuận-Phan Thiết, phục vụ cấp điện chạy thử  nhà máy điện (NMĐ) Vĩnh Tân 2 do EVN làm chủ đầu tư nhằm đáp ứng nhu cầu tăng trưởng phụ tải khu vực miền Nam. Đường dây này còn tạo tiền đề liên kết các nguồn điện lớn khác trong tương lai của khu vực Nam Trung bộ như NMĐ hạt nhân, NMĐ tích năng, NMĐ Vân Phong… với hệ thống điện Quốc gia. Công trình này dự kiến đóng điện giai đoạn 1 vào tháng 5-2013 và giai đoạn 2 vào tháng 10-2013.

Cũng như các công trình lưới điện khác, trong quá trình thực hiện các dự án này cũng gặp khó khăn do còn có hộ dân không chấp nhận đơn giá bồi thường, hỗ trợ đất, cây trồng bị ảnh hưởng trong hành lang tuyến. Tuy nhiên, theo Phó Trưởng phòng Đền bù AMT Lê Đức Ngọc: Mặc dù còn vài hộ chưa nhận tiền đền bù nhưng đến thời điểm này chưa ảnh hưởng đến tiến độ thi công. Với tổng số 354 vị trí cột, hiện đoạn đường dây qua tỉnh Bình Phước-Bình Dương còn vướng đền bù 90 vị trí; trong đó, Bình Phước còn 20 vị trí, Bình Dương còn 29 vị trí và thành phố Hồ Chí Minh còn 41 vị trí. Hiện nay, AMT đang làm việc với UBND huyện để hoàn tất thủ tục cưỡng chế các vị trí móng còn lại trong tháng 4 này. Riêng huyện Củ Chi  đang phê duyệt phương án chi tiết đền bù GPMB và làm quyết định thu hồi đất, nên AMT vẫn đồng thời tích cực vận động các hộ dân nhận tiền đền bù. Đồng thời chủ động, quyết liệt và rốt ráo trong triển khai, không trông chờ, ỷ lại vào Hội đồng.

Quá trình thực hiện đền bù GPMB các dự án, AMT luôn đảm bảo nguyên tắc: Dân chủ - công khai - đúng luật và minh bạch. Thông tin đầy đủ về dự án, phương án đền bù; đối tượng, thời gian đền bù đến tất cả các hộ bị ảnh hưởng và thực sự gần dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân, qua đó làm tốt công tác dân vận, kịp thời giải đáp thắc mắc của người dân cũng như tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc với quan điểm: “Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm”.

 
Thanh Mai/Icon.com.vn