EVN cho biết, từ nay đến 2020 lưới điện truyền tải và phân phối được đầu tư và ứng dụng nhiều công nghệ hiện đại.
Khách sạn Lý Sơn (Quảng Ngãi) là một trong những doanh nghiệp sử dụng điện năng nhiều nhất của huyện Lý Sơn. Chính vì vậy việc tiết kiệm điện được chủ doanh nghiệp luôn quan tâm. Ông Nguyễn Thành, chủ khách sạn Lý Sơn cho biết, sau khi sử dụng điện thông qua công tơ điện tử thông minh đã đem lại nhiều tiện ích cho khách hàng. Qua trang web: lyson.cpc.vn, ông Thành có thể tra cứu số lượng điện của mình dùng trong ngày, điều chỉnh việc sử dụng điện sao cho hợp lý và có hiệu quả.
Ông Nguyễn Thành cho biết, sử dụng công tơ điện tử “thông minh” sẽ biết mình dùng lượng điện bao nhiêu, minh bạch, rõ ràng. Mình ngồi ở nhà có thể truy cập qua hệ thống vi tính để tìm hiểu dung lượng mỗi ngày sử dụng bao nhiêu chữ số và mình có thể tính ra được số tiền theo giá Nhà nước áp dụng”.
Sau hơn 1 năm lắp đặt, hệ thống RF-SPIDER ở Lý Sơn đã khẳng định tính hiệu quả, tiện lợi cho khách hàng sử dụng điện: Tự động đọc chỉ số công tơ bất kỳ thời điểm nào, tính tổn thất điện năng ở trạm biến áp theo ngày, tự động ghép số liệu vào hệ thống CMIS để tính hóa đơn... Ngoài ra, công nghệ này còn tự động đưa ra biểu đồ sản lượng sử dụng điện theo ngày của khách hàng, tự động đưa ra cảnh báo khi sản lượng tăng đột biến trong ngày hoặc chỉ số bất thường.
Theo ông Lê Thanh Tùng, Giám đốc Điện lực Lý Sơn, công tơ điện tử thông minh không chỉ tiện ích cho khách hàng mà còn thuận tiện cho việc quản lý của ngành Điện để giảm tiêu hao điện năng. “Thuận lợi nữa là công nhân ngành Điện có thể ngồi ở văn phòng truy cập trên máy tính để biết được công tơ nào có sự cố, công tơ nào không có sản lượng và khu vực nào mất điện… đều hiển thị trên hệ thống, cho nên việc sửa chữa điện, xử lý sự cố kịp thời hơn”, anh Tùng bộc bạch.
Đại diện Tổng công ty Điện lực miền Trung cho biết, việc phát triển lưới điện thông minh khu vực miền Trung và Tây Nguyên là hợp phần trong lộ trình phát triển lưới điện thông minh của Việt Nam được phê duyệt tại Quyết định 1670 của Thủ tướng Chính phủ. Lý Sơn là một trong những địa phương được chọn lắp đặt thí điểm công tơ điện tử thông minh trong lộ trình phát triển lưới điện thông minh ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên.
Đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ
Về việc xây dựng lưới điện thông minh và áp dụng khoa học công nghệ trong quản lý điện năng, theo đại diện Tổng công ty Điện lực TPHCM, tổng công ty thời gian qua đã đầu tư lắp đặt hệ thống thu thập từ xa cho những khách hàng có điện năng tiêu thụ 2.000kWh/năm trở lên. Hệ thống này cũng cung cấp cho khách hàng biểu đồ phụ tải tiêu thụ điện; khai thác hóa đơn từ hệ thống thu thập từ xa; thực hiện theo dõi, giám sát tình hình sử dụng điện của khách hàng; lắp đặt điện kế 3 pha nhiều giá cho khách hàng sản xuất, kinh doanh có sản lượng điện tiêu thụ từ 2.000 kWh/tháng trở lên.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng cho biết, đã xây dựng Đề án tổng thể phát triển lưới điện thông minh bao gồm hệ thống SCADA, hệ thống công tơ điện tử và thu thập dữ liệu từ xa, mô hình tổ chức các trung tâm điều khiển đóng cắt thiết bị từ xa cho lưới…Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo phát triển lưới điện thông minh cũng tiến hành triển khai một số dự án như sản xuất công tơ điện tử, các dự án tăng cường độ tin cậy, tối ưu vận hành lưới truyền tải, lưới phân phối…
Theo kế hoạch từ nay đến 2020, lưới điện truyền tải và phân phối được đầu tư và ứng dụng công nghệ hiện đại để nâng cao độ tin cậy cung cấp điện và giảm tổn thất điện năng như: Ứng dụng thiết bị điện tử công suất (SVC); áp dụng công nghệ chẩn đoán trạng thái thiết bị: kiểm tra phóng điện cục bộ MBA 220-500kV; giám sát dầu online tại trạm 500kV; sửa chữa lưới điện không cần cắt điện...
“Việc ứng dụng Công nghệ mới và CNTT trong kinh doanh và dịch vụ khách hàng được triển khai mạnh mẽ, đều khắp các đơn vị. Hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý khách hàng CMIS 2.0 kết nối từ Tập đoàn tới các đơn vị đã hỗ trợ đắc lực công tác kinh doanh và dịch vụ khách hàng; sử dụng hóa đơn điện tử cho 100% khách hàng đã tiết kiệm được tối đa các chi phí về hóa đơn. Ứng dụng CNTT trên các thiết bị thông minh được áp dụng để thu tiền và chấm xóa nợ trên điện thoại di động, máy tính bảng; Áp dụng mã vạch trong công tác quản lý đo đếm; phát triển các kênh thanh toán điện tử...”, Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết.