Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
Thế nhưng, trên thực tế, mỗi công trình điện không chỉ có những sản phẩm ấy. Hàng nghìn chi tiết, linh kiện, sản phẩm cũng là hàng nghìn cơ hội cho ngành công nghiệp nền tảng và then chốt này. Nhìn vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, với hàng trăm công trình nguồn và lưới điện đã xây dựng cho thấy một thị trường đầy tiềm năng của ngành cơ khí đã bị “bỏ quên”, để nhường chỗ cho hàng nhập khẩu. Liệu chúng ta có tận dụng được cơ hội tại các dự án điện đang và sẽ triển khai trong thời gian tới hay không ? Nên xác định nhóm ngành cơ khí trọng điểm hay cần xác định thị trường trọng điểm cho ngành cơ khí ?
Không phải bây giờ các nhà làm cơ khí mới nhìn thấy cơ hội thị trường từ các công trình điện, nhưng chỉ khi chính sách cụ thể của Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng một số cơ chế ưu đãi đặc biệt đối với các doanh nghiệp trong nước chế tạo thiết bị cơ khí thủy công cho một số dự án thủy điện thì sản phẩm này mới có cơ hội tham gia vào các công trình điện. Ngay lập tức, nó đã không chỉ thay thế hoàn toàn việc phải nhập khẩu gần như 100% sản phẩm này, mà còn giúp sản xuất trong nước phát triển. Theo ông Nguyễn Chỉ Sáng - Viện trưởng Viện nghiên cứu cơ khí (Bộ Công thương), không kể cơ hội từ các dự án thủy điện, chỉ tính riêng hệ thống các nhà máy nhiệt điện được thiết kế trong Quy hoạch phát triển của ngành điện, nếu được quan tâm, chắc chắn là tiềm năng cho ngành công nghiệp cơ khí phát triển. "Trước đây chúng ta vẫn phải nhập khẩu của Đài Loan những thiết bị về con lăn, về tăng nâng tải nhưng hiện nay, tại Việt Nam đang có 4 doanh nghiệp đang đầu tư lĩnh vực này. Bản thân Viện nghiên cứu cơ khí chúng tôi cũng biết các thiết bị lọc bụi, khử lưu huỳnh...sẽ có thị trường. Nếu chúng ta phân tích được rằng thiết bị nhà máy nhiệt điện mà có volume thị trường khoảng 7-8 chục tỷ đô, thị trường trong nước có thể làm được 4 chục tỷ đô thì các nhà đầu tư trong nước họ sẽ sẵn sàng đầu tư". Ông Sáng cho biết.
Theo ông Trương Thanh Hoài - Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng - Bộ Công thương, cơ quan quản lý nhà nước cũng đã nghiên cứu và xác định, trước mắt các dự án phát triển nguồn và lưới điện là thị trường chính của ngành công nghiệp cơ khí.
"Hiện nay nhu cầu năng lượng phát triển rất nhanh (nhu cầu phụ tải tăng trưởng trên 10%/năm). Sắp tới, chúng ta có hàng chục NM nhiệt điện, mỗi NM công suất từ 1000-1200MW đầu tư khoảng 2 tỷ USD tức là chúng ta sẽ có dung lượng thị trường cơ khí chế tạo rất lớn với hàng chục tỷ đô la trong thời gian tới. Trong cơ chế nội địa hóa các NM nhiệt điện được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 1791/QĐ- TTg năm 2012, Thủ tướng Chính phủ cũng đang giao thí điểm nội địa hóa một số NM điện như NM nhiệt điện Quỳnh Lập 1, Quảng Trạch 1. Nếu các dự án này thành công sẽ là cơ hội cho các DN cơ khí nâng cao năng lực, trên cơ sở đó sẽ tham gia vào thị trường trong và ngoài nước, với các gói thầu tương tự hoặc các gói thầu xây lắp các NM công nghiệp.
Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
Trên thực tế, rất nhiều sản phẩm cơ khí đòi hỏi hàm lượng chất xám cao như máy biến áp công suất lớn, từ 220-500kV cũng đã được Việt Nam thiết kế và chế tạo thành công từ lâu, nhưng không hẳn đã dễ dàng được lựa chọn tại các công trình điện do cơ chế tổng thầu EPC hay những hạn chế bởi luật đấu thầu. Để có được “con đường sống” cho các sản phẩm trong nước đã sản xuất được, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phải ban hành Chỉ thị về sử dụng hàng hóa trong nước đối với những gói thầu sử dụng vốn ngân sách nhà nước. Cùng với đó, còn là trách nhiệm của chủ đầu tư và những người làm công tác tư vấn thiết kế các công trình. Ông Trần Hoài Nam - Phó TGĐ Công ty CP Tư vấn xây dựng điện 4 cho biết, luôn đánh giá cao về chất lượng máy biến áp do Công ty CP Thiết bị điện Đông Anh chế tạo và cho rằng, cần có chính sách để các sản phẩm này được sử dụng trong các dự án điện thuộc Quy hoạch điện VII. "Phải có chiến lược và cơ chế để phát triển ngành công nghiệp cơ khí sản xuất trong nước. Nếu không có chính sách để DN trong nước tham gia ngay từ đầu để nâng cao năng lực thì sau này chúng ta rất khó chủ động về công nghệ". Ông Nam cho biết.
Không phải nhà tư vấn nào cũng có trách nhiệm vì sản phẩm trong nước và chủ đầu tư nào cũng ưu tiên lựa chọn sản phẩm nội địa. Phần vì “ngại” chia tách các gói thầu EPC thành các gói thầu riêng biệt với lý do “an toàn”, dễ quản lý, quy trách nhiệm. Phần vì còn những phết, phẩy, hoa hồng… nên không ít sản phẩm cơ khí trong nước sản xuất rất có chất lượng nhưng vẫn nhập khẩu. Và cho dù Luật đấu thầu đã được sửa đổi theo hướng cởi trói hơn cho doanh nghiệp trong nước, nhưng theo ông Trần Văn Quang, TGĐ Công ty CP thiết bị điện Đông Anh thì vẫn rất khó để cạnh tranh do các DN nước ngoài có được rất nhiều cơ chế ưu đãi trong chính sách phát triển sản phẩm xuất khẩu của quốc gia họ. Do vậy, để tạo thị trường cho ngành cơ khí trong nước, cần sửa đổi, bổ sung Luật đấu thầu theo hướng gia tăng ưu đãi cho các DN trong nước khi đấu thầu quốc tế (từ 7,5% lên khoảng 15%), đồng thời, xem xét các chính sách thuế, phí phù hợp hơn đối với cơ khí - một ngành nghề cần nguồn vốn lớn và dài hạn nhưng lợi nhuận lại không hề hấp dẫn nhà đầu tư.
Nguyên Long/Icon.com.vn