Hiệu quả từ sáng kiến

Thứ hai, 30/11/2015 | 14:07 GMT+7
Nhờ phát huy tính chủ động, sáng tạo và gắn nhiệm vụ chuyên môn của từng thành viên với các phong trào thi đua sôi nổi, trong năm 2015, CBCNV Công ty Điện lực Kiên Giang (PC Kiên Giang) đã có nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật có giá trị ứng dụng và lợi ích cao, góp phần nâng cao hiệu quả công tác sản xuất, kinh doanh.
 
Puly trên đà cho trụ đỡ góc   

Hiện tại, công tác thay dây trần thành dây bọc nhằm bọc hóa lưới điện đảm bảo công tác vận hành lưới điện an toàn liên tục tại các đơn vị phổ biến. Khi thay thường sử dụng nhiều puly gắn trên đà để kéo mồi dây cũ thu hồi và đưa dây mới lên lưới. Tuy nhiên khi thay dây thì trên dây dẫn thường có các mối nối bằng ống ép hoặc kẹp nhôm (kẹp 2/0, 4/0 đối với dây đồng), đồng thời ở các vị trí góc cũng phải bố trí người ngồi trên trụ để đỡ dây, vì vậy để thu hồi dây cũ kéo mồi được dây mới lên phải mất thời gian xử lý các kẹp trên nhằm tránh kẹt khi đi qua puly để trên đà. Công tác này tốn rất nhiều thời gian và công sức, ảnh hưởng đến tiến độ thi công và thời gian cắt điện.
 
Để rút ngắn thời gian, anh Nguyễn Đức Dụ và Châu Khánh Toàn -nhân viên Điện lực Rạch Giá đã thực hiện giải pháp “Puly trên đà cho trụ đỡ góc”,  sử dụng hai loại buly. Dùng một đoạn ống sắt tròn có chiều dài tương ứng với hai cạnh của puly được cắt làm đôi theo chiều dọc của ống sau đó hàn ốp vào hai cạnh đứng của buly tạo chiều cong để dây dẫn khi chạy trên puly được thuận tiện hơn (trường hợp này sử dụng cho các vị trí đỡ thẳng và góc nhỏ). Sau đó dùng 02 con lăn nhỏ hàn vào hai cạnh của puly, như vậy khi các kẹp nối dây hoặc ống nối khi đi qua puly sẽ nhỏ ở cạnh sẽ tạo điều kiện đi qua dễ dàng (trường hợp này sử dụng cho các vị trí đỡ thẳng và góc nhỏ, góc lớn).  
 
Giải pháp này có chi phí đầu tư không đáng kể vì đã sẵn có puly, được  áp dụng thực tế tại công trình sửa chữa lớn năm 2015 của đơn vị (thay dây bọc các tuyến 472, 473, 475); phát huy hiệu quả rất cao: Rút ngắn 5 giờ thi công thực tế/ngày.
 
Kìm tách vỏ cáp bọc trung thế

Hiện tại trên lưới điện trung thế tại Điện lực Rạch Giá đang dần chuyển qua sử dụng hầu hết là cáp bọc trung thế. Nên khi thi công tại các vị trí đấu nối cần phải tách vỏ cáp. Nếu dùng bằng dao thì khó tách vỏ, nếu dùng bình gas để khò trên cao dễ bị gió thổi gây cháy hoặc nổ bình gas và tốn chi phí. Để khắc phục tình trạng trên, Điện lực Rạch Giá đưa ra giải pháp như sau: Sử dụng kìm tự chế để tách vỏ cáp bọc trung thế với nhiều loại cáp có tiết diện khác nhau. Kìm dễ chế tạo, kích thước nhỏ gọn, chi phí thấp với thời gian sử dụng lâu dài. Lưỡi dao cắt xoay tròn được và cố định tại hai rãnh vuông góc;  rãnh đứng dùng để cắt hai vòng tròn quanh sợi cáp, rãnh nằm ngang dùng để tách dài theo sợi cáp. Tùy theo tiết diện của lõi cáp mà ta chọn khẩu độ phù hợp để không làm đứt lõi cáp.
 
Giải pháp này đảm bảo an toàn, giảm thời gian lao động và chỉ cần một người thực hiện thao tác và đang được áp dụng vào công việc hàng ngày trên lưới điện của đơn vị.
 
Sử dụng lại dây tiếp đất

Trong năm 2014, trên địa bàn trung tâm nội ô thị xã Hà Tiên, lưới điện hạ thế được UBND thị xã đầu tư ngầm hóa các tuyến đường chính. Nên khi thực hiện công tác tại các vị trí đặt tủ cáp ngầm hạ thế, các bộ tiếp địa hạ thế rất khó thực hiện, vì hệ thống điện đã được ngầm hóa. Từ thực tế khi tiến hành sửa chữa trên hệ thống điện, Điện lực Hà Tiên đã đưa ra giải pháp: “Sử dụng lại dây tiếp địa của các bộ tiếp địa hạ thế bị hư hỏng làm lại tiếp địa cho các tủ cáp ngầm khi công tác”.       
               
Giải pháp này tân dụng lại dây tiếp địa của các bộ tiếp địa hạ thế hỏng. Sau khi thu hồi về kho, mang đi gia công thành bộ tiếp địa mới thực hiện cho các tủ cáp ngầm hạ thế. Đây là giải pháp có tính khả thi cao trong việc tận dụng vật tư thu hồi làm thành bộ tiếp địa mới, góp phần giảm chi phí sản xuất và được áp dụng tại Điện lực Hà tiên từ năm 2014 đến nay và có thể triển khai cho tất cả các Điện lực khác khi thực hiện các tủ cáp ngầm hạ thế.   
 
Cần thắng cho giàn xả cáp
 
Các công trình như sửa chữa lớn, đầu tư xây dựng thường sử dụng giàn xả cáp để xả cáp từ ru lô. Trong lúc thi công, việc điều chỉnh tốc độ quay của ru lô nhanh hay chậm, người điều khiển thường dùng dây thừng quàng quanh ru lô hoặc dùng thanh gỗ tạo ma sát với bánh ru lô. 
 
Cách thức thi công này không được thuận tiện và tốn nhiều công sức do thường dùng đến 2 công nhân tại vị trí xả cáp. Trước tình trạng trên, nhóm công nhân của Điện lực Vĩnh Thuận do anh Nguyễn Quốc Khởi là trưởng nhóm có sáng kiến: “Lắp cần thắng cho giàn xả cáp” để thuận tiện cho việc điều chỉnh tốc độ quay của ru lô và. Giải pháp này đã ứng dụng vào thực tiễn thi công.  
 
Nội dung giải pháp như sau: Các giàn xả bao gồm 2 phần, phần tĩnh ở phía dưới (thớt dưới) và phần động ở phía trên (thớt trên). Để áp dụng giải pháp, yêu cầu thớt trên phải được hàn 01 tấm sắt tròn có đường kính 0.6m dày từ 5mm- 8mm. Thớt dưới phải được hàn 01 ty sắt phi 22 dài 0.2m; chi tiết cần thắng được chế tạo gồm: Bố thắng (5cm x12cm) được lắp vào tay cần dài khoảng 1.2m; cần thắng được lắp vào thớt dưới tại vị trí ty sắt phi 22.
 
Cách thức thi công: Đặt ru lô cáp vào thớt trên và thớt dưới, lắp tay cần vào vị trí ty sắt phi 22. Khi kéo dây từ ru lô cáp làm thớt trên quay tròn, việc điều chỉnh tốc độ quay chỉ cần 01 công nhân đẩy cần thắng xuống để tạo ma sát giữa bố thắng và tấm sắt được hàn vào thớt trên. 
 
Giải pháp đã áp dụng vào thực tế đơn vị do sử dụng các vật liệu thông thường và cách thức gia công đơn giản. Các giàn xả cáp sẵn có tại các đơn vị đều có thể lắp bổ sung được. Giải pháp đã hỗ trợ công tác thi công thuận tiện hơn, tiết kiệm được thời gian, công sức lao động. Chi phí lắp đặt không quá cao, khoảng 400.000đ (bao gồm chi phí vật liệu và gia công) nhưng có thể bảo quản và sử dụng lâu dài.
 
Dán decal trên tole làm biển số trụ và biển báo nguy hiểm
 
Hiện tại Tổng Công ty Điện lực miền Nam ban hành tiêu chuẩn công tác đường dây trung áp trên không sử dụng decal in sẵn và decal trong dán lên trụ. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện thực phải vệ sinh trụ và sơn thêm 2 lớp sơn trắng trên bề mặt trụ trước khi dán (đối với tất cả các trụ quản lý). Để thực hiện theo đúng quy định trên thì rất khó khăn khi dán decal trên trụ và tốn rất nhiều công để thực hiện (đối với các trụ được gắn điện kế ngoài cột hay các trụ trạm biến áp công cộng thì không thể thực hiện dán decal trong quanh thân trụ do vướng ống PVC bảo vệ cáp suất, cáp muller). Mặt khác, khi thực hiện sửa chữa thay trụ mục thì phải thực hiện lại việc sơn và dán lại số trụ, việc làm này sẽ tốn thêm chi phí thực hiện. Bên cạnh đó, khi số trụ vận hành lâu năm bị mờ thì việc thay thế cũng dễ dàng và ít tốn chi phí hơn. Xuất phát từ các khó khăn trên, đồng thời để giảm chi phí và nhân công cũng như thời gian thực hiện việc dán số trụ, Điện lực Vĩnh Thuận đưa ra giải pháp như sau: Sử dụng decal dán lên tole làm biển số trụ và biển báo nguy hiểm.
 
Đối với trụ trung thế 12m: Sử dụng tole kích thước 280x520mm đã chừa mỗi bên 20mm (gồm biển báo số trụ và biển báo nguy hiểm) dán decal in sẵn theo quy định của Tổng công ty. Riêng lớp decal trong suốt bảo vệ bên ngoài thực hiện dán như kích cỡ của decal in sẵn dán lên tole. Cuối cùng, sử dụng đai thép và khóa đai để thực hiện việc gắn biển số trụ và biển báo nguy hiểm lên thân trụ.

10 năm qua, toàn Công ty Điện lực Kiên Giang có gần 400 đề tài sáng kiến được đăng ký; trong đó 164 đề tài được công nhận với giá trị làm lợi  gần 7 tỷ đồng góp phần tiết kiệm nhiều thời gian, chi phí cho Công ty. Các sáng kiến còn góp phần nâng cao hiệu quả công tác an toàn lao động, bảo vệ môi trường; giúp các cán bộ kỹ thuật làm chủ được công nghệ, thiết bị; nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng của; khuyến khích tinh thần đoàn kết, tính sáng tạo, thi đua trong toàn thể CBCNV Công ty, đặc biệt là lực lượng trẻ.
 
Nguyễn Anh Khường/Icon.com.vn