Những sáng kiến cải tiến được áp dụng vào thực tế sản xuất của Công ty đã phát huy hiệu quả tích cực, giúp tiết kiệm được nhân công, thời gian và giảm đáng kể chi phí.
Để đẩy mạnh phong trào sáng kiến cải tiến kỹ thuật áp dụng vào thực tế sản xuất, kinh doanh, hàng năm PC Kiên Giang phát động phong trào thi đua sáng kiến, có hình thức khen thưởng và biểu dương kịp thời. Đó là những nền tảng đảm bảo những sáng kiến mang lại lợi ích thiết thực và phong trào phát huy sáng kiến, sáng tạo không ngừng lớn mạnh trong tập thể cán bộ, công nhân viên công ty. |
Thùng cầu dao composite
Hàng năm PC Kiên Giang sử dụng nguồn vốn khá lớn để đầu tư xây dựng, sửa chữa lớn, sửa chữa thường xuyên và củng cố lưới điện. Trong đó, chi phí mua sắm thay thế thùng cầu dao khá lớn. Trước đây, Công ty sử dụng thùng cầu dao bằng sắt sơn tĩnh điện. Khi vận hành trong điều kiện khí hậu vùng biển như: Huyện Phú Quốc, An Minh, Vĩnh Thuận, Gò Quao… thì tuổi thọ của thùng không cao (tối đa được 3-4 năm ), thậm chí chỉ có 1 năm như ở Phú Quốc do bị ô xy hóa nên phải thay thế nhiều lần để đảm bảo chất lượng. Điều này gây tốn kém chi phí, nhân công thay thế; hơn nữa là thời gian cắt điện sửa chữa làm ảnh hưởng đến việc cung cấp điện ổn định trong hệ thống điện.
Để giải quyết tình trạng này, từ tháng 1/2011, PC Kiên giang đã thử nghiệm thực hiện giải pháp sử dụng thùng cầu dao bằng vật liệu composite để thay thế cho vật liệu bằng sắt và với số lượng 30 cái tại Điện lực Phú Quốc. Qua 4 năm lắp đặt và vận hành, đến nay các thùng cầu dao nói trên vẫn hoạt động tốt và không có dấu hiệu gì hư hỏng mặt dù trong điều kiện biển mặn. Đối với loại thùng cầu dao làm bằng vật liệu composite thì tuổi thọ trung bình trên 10 năm. Hiện nay, PC Kiên Giang đã triển khai sử dụng toàn bộ thùng cầu dao composite trên địa bàn quản lý; góp phần tối ưu hóa chi phí quá trình mua sắm vật tư, thiết bị; đồng thời giảm tần suất cắt điện để thay thế thùng cầu dao.
Bộ kích đóng cắt máy cắt recloser
Trong thời gian qua, ở các Điện lực trực thuộc PC Kiên Giang, các máy cắt recloser loại VWVE27 do đã vận hành lâu năm nên một máy thường có tình trạng hư hỏng tủ điều khiển và tiếp điểm báo trạng thái bên trong máy cắt. Điều này gây khó khăn cho đơn vị khi cần tái lập điện trong quá trình thực hiện công tác do máy cắt sẽ không thể đóng lại được. Việc sửa chữa cần có thời gian do phải thay thế tủ điều khiển hoặc máy cắt đang vận hành. Vì vậy, đơn vị thường phải nối tắt đầu cực máy cắt. Tuy nhiên, thao tác nối tắt máy cắt sẽ tốn thời gian (nhiều khi phải cắt tuyến để thực hiện do không đảm bảo khoảng cách an toàn điện).
Từ thực tế trên nhóm kỹ sư của Điện lực Rạch Giá đã nghiên cứu tạo bộ kích đóng cắt máy cắt khi máy cắt khi bị hỏng như trên.
Phương thức làm việc của bộ kích đóng cắt như sau: Bộ kích đóng cắt sử dụng điện áp 24VDC (có sẵn tại tủ điều khiển của máy cắt); cáp tín hiệu từ máy cắt xuống tủ điều khiển sẽ được tháo ra và kết nối với tủ điều khiển bằng các chân cấm; bộ kích đóng cắt có hai nút đóng, cắt và nút kiểm tra tiếp điểm báo trạng thái đóng cắt của máy cắt; khi máy cắt ở trạng thái cắt, nhấn nhút đóng của bộ kích sẽ tạo ra điện áp kích đóng động cơ đóng của máy cắt; động cơ đóng sẽ xoay và đóng tiếp điểm cấp nguồn cho cuộn đóng của máy cắt. Khi máy cắt ở trạng thái mở, nhấn nút cắt của bộ kích sẽ tạo ra điện áp kích cắt động cơ cắt của máy cắt; động cơ cắt sẽ xoay vào giải phóng chốt chặn lò xo nén, và mở tiếp điểm.
Tổng chi phí vật liệu và nhân công cho giải pháp này chỉ khoảng 300.000 đồng và có thể áp dụng rộng rải trong Công ty và các Công ty Điện lực khác nhằm giảm thời gian thực hiện nối tắt máy cắt khi máy cắt bị 1 trong 2 hư hỏng như trên. Giải pháp giúp giảm thời gian nối tắt máy cắt, phục hồi khả năng cấp điện ngay.
Palang xích điện cho kiểm định
Tại Phân xưởng Cơ điện - PC Kiên Giang, việc thực hiện kiểm định được thực hiện ở trên lầu 1. Khi kiểm định, các nhân viên của Phân xưởng phải khuân vác rất nhiều công tơ, TU, TI, LA… từ tầng trệt lên tầng1 và sau khi kiểm định xong phải vận chuyển xuống lầu. Công việc khuân vác nặng nhọc và thời gian vận chuyển kéo dài ảnh hưởng đến tiến độ kiểm định của đơn vị cũng như công tác thay điện kế, LA, TU và TI của toàn Công ty. Do đó, sau thời gian nghiên cứu, tổ Kiểm định thuộc Phân xưởng Cơ điện đưa ra giải pháp lắp đặt hệ thống Palang điện để đưa các thiết bị lên lầu 1 kiểm định.
Hệ thống Palang điện được thiết kế và lắp đặt như sau: Dựng 01 trụ bê tông ly tâm cao 10,5m, đổ móng bêtông; gắn một thanh đà I 200 dài 6m, gia công lắp vào trụ, đầu còn lại gia công lắp vào đà bê tông cốt thép tại lầu 1 Phân xưởng. Lắp 01 Palang điện gồm 02 mô tơ: 01 mô tơ kéo và 01 mô tơ chạy di chuyển trên thanh đà I 200 với tải trọng 1 tấn. Lắp 1 aptomat (MCCB) làm khởi động từ để điều khiển 02 mô tơ chạy. Hàn 02 chiếc xe kích thước 860x860x960mm (bánh xe đường kính 200mm, dùng để vận chuyển điện kế, TU, TI, LA đưa từ tầng trệt lên lầu 1, rồi sau đó di chuyển thẳng vào chỗ kiểm định, không phải bốc xuống và vận chuyển một lần nữa. Lắp hàng rào lưới B40 kích thước: 1.200x2.000x2.000 mm xung quang khu vực trụ để bảo vệ an toàn cho người qua lại.
Nguyên lý vận hành hệ thống Palang điện như sau: Nhân viên tổ kiểm định để các thiết bị cần kiểm định vào xe, móc vào khoá an toàn, điều khiển phần mô tơ kéo thiết bị lên, đến vị trí cần thiết của sàn nhà, điều khiển mô tơ di chuyển chạy vào trên thanh đà I200 (điều khiển bẳng remote có dây, 02 khởi động từ đóng cắt để nhận điện cho 02 môtưa chạy).
Giải pháp này được áp dụng từ cuối năm 2013, giúp tiết kiệm chi phí ít nhất trên 25 triệu/năm, giảm nhân công vận chuyển, việc kiểm định được thực hiện nhanh chóng.
Đọc dữ liệu điện kế tự động
Hiện nay, số lượng điện kế điện tử Elster được lưu hành trên hệ thống lưới điện của PC Kiên Giang rất nhiều. Theo định kỳ, nhân viên kinh doanh hoặc kiểm tra giám sát mua bán điện phải thực hiện kiểm tra điện kế. Hiện nay, cách làm việc của nhân viên kiểm tra hệ thống đo đếm tại hiện trường vẫn thực hiện theo phương pháp thủ công là thực hiện thao tác nhấn nút nhiều lần trên công tơ Elster mới có đủ thông số cần thiết để thiết lập một biên bản kiểm tra, vì vậy các thông số lấy không đồng thời điểm. Trong quá trình thao tác dễ dẫn đến sai sót dữ liệu thu nhập do ảnh hưởng bởi thời tiết, vị trí đặt công tơ, chữ viết người kiểm tra...
Sau thời gian nghiên cứu, nhóm kỹ sư, kỹ thuật viên của Phòng Công nghệ thông tin, Phòng Kiểm tra giám sát mua bán điện và Phân xưởng Cơ điện PC Kiên Giang đã xây dựng giải pháp “Chương trình đọc dữ liệu tự động công tơ điện tử Elster trên thiết bị Android” và đã đưa vào thử nghiệm thực tế; được xây dựng với tiêu chí: Các thông số cần thiết trên biên bản đều đọc về một cách tự động chính xác, cùng một thời điểm. Thông thường sau khi có số liệu người kiểm tra mới phân tích để xác định sơ đồ đấu dây hệ thống đo đếm đúng hay sai.
Hệ thống gồm một thiết bị chạy hệ điều hành Android, cáp chuyển đổi mini USB-USB và đầu đọc quang. Chương trình này đã rút ngắn giai đoạn này bằng cách lấy dữ liệu tự động và vẽ sơ đồ vec tơ 3 pha một cách trực quan với 3 màu khác nhau, giúp nhân viên kiểm tra xác định đúng, sai của sơ đồ đấu dây của hệ thống đo đếm. Ngoài ra chương trình còn lưu trữ dữ liệu của các lần kiểm tra, thuận tiện cho việc tra cứu. Mặt khác, nếu nhân viên kiểm tra có trang bị máy in xách tay thì chương trình sẽ hỗ trợ in biên bản theo mẫu quy định. Chương trình trên đã rút ngắn được rất nhiều thời gian kiểm tra, tránh sai sót trong quá trình thao tác của nhân viên kiểm tra, tăng cường khả năng lưu trữ, nâng cao hiệu quả làm việc.
Những sáng kiến nêu trên chỉ là một trong số rất nhiều sáng kiến hữu ích góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý và vận hành hệ thống lưới điện, tiết kiệm chi phí tại PC Kiên Giang.